Tổng quan.

Cộng đồng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam bắt đầu từ hơn mười năm trước, khi một số doanh nghiệp công nghệ có tham vọng được trợ vốn bởi IDG Ventures Việt Nam - quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ đầu tiên trong nước. Các khởi nghiệp trong khoảng thời gian này có thể kể đến như VC Corp, VNG và Vật Giá. Hiện nay, các công ty này đã phát triển vững mạnh và trở thành nền tảng cho những doanh nghiệp công nghệ mới tại Việt Nam.

Ngoài IDG Ventures, còn có rất nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm khác tại Việt Nam như: CyberAgent Ventures, OneCapitalWay, và DFJ VinaCapital.

Bên cạnh một số doanh nghiệp đã đạt được thành công lớn vẫn có rất nhiều doanh nghiệp thất bại. Đến năm 2012, nhiều người trong cộng đồng khởi nghiệp đều cảm thấy rằng có quá ít vườn ươm công nghệ để có thể giúp phát triển khởi nghiệp. Đến 2014, số lượng tổ chức tham gia trong lĩnh vực đã tăng lên đáng kể để đáp ứng nhu cầu này.

Một trong những dự án “vườn ươm công nghệ” này là Dự Án Silicon Valley - một mô hình công nghệ được xây dựng gần giống với thung lũng Silicon được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Dự án này là một chương trình 4 tháng tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều cố vấn là các chuyên gia công nghệ đến từ nhiều nơi trên thế giới để tư vấn, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tham gia dự án. Ngoài ra còn có Founders Institute, là một trong những vườn ươm lâu đời nhất của Việt Nam, Founders Institute đã tổ chức 3 lớp học cho các công ty khởi nghiệp, trong đó có Yton.vn và Appota là những khởi nghiệp đã đi lên từ lớp học này.

Các “vườn ươm công nghệ” giờ đã phát triển phong phú dưới nhiều hình thức: từ nguồn vốn chính phủ cho đến tổ chức như HATCH hay các cuộc thi khởi nghiệp như Startup Weekend Hanoi và cả những “vườn ươm” nhỏ như X- Incubator chỉ tài trợ 15 USD vốn nhưng cam kết hỗ trợ tối đa về nguồn lực, kinh nghiệm, marketing và các mối quan hệ. Và rất nhiều các website hay hội nhóm khác về khởi nghiệp cũng ra đời để hỗ trợ cộng đồng. Một ví dụ có thể kể đến như nhóm Facebook page Launch với hơn 13.000 thành viên và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Chú chim Flappy Bird

Flappy Bird là ứng dụng game được lập trình viên Nguyễn Hà Đông phát triển độc lập. Sự thành công bất ngờ của trò chơi này đã chắp cánh cho những ước mơ vươn ra thế giới cho các khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Với  thiết kế, kỹ thuật chơi đơn giản nhưng trò chơi đã kiếm được khoảng 50.000 USD/ ngày từ quảng cáo trong thời gian dài. Số tiền này là một con số rất lớn khiến bất kỳ doanh nghiệp công nghệ nào đều phải mong muốn, thậm chí số tiền này xấp xỉ với số tiền các công ty công nghệ khác tại Việt Nam kiếm được trong nhiều năm trời.  

Tuy nhiên, sự thành công nhanh chóng và cái chết yểu bất ngờ của Flappy Bird như một lời nhắc nhở cho cộng đồng khởi nghiệp về những chiến lược và điều cần lưu ý khi thành công đến.

Sau sự kiện Flappy Bird, cộng đồng khởi nghiệp đã ý thức được giá trị và ảnh hưởng của việc phát triển game và ứng dụng trong ngành công nghiệp di động. Appota là một minh chứng điển hình, thành lập đầu năm 2011 với chỉ có 20 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực phân phối nội dung mobile, hiện giờ công ty đã có hơn 120 nhân viên với kế hoạch phát triển vững chắc trong tương lai.

Trong khi khởi nghiệp công nghệ cao thường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với các ngành khác như bất động sản, nhưng vẫn còn nhiều những hạn chế tiềm ẩn, chẳng hạn như các công ty non trẻ không có khả năng đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng đất nước công nghệ cao.

Quá trình phát triển ngành công nghệ đặt ra nhu cầu về nhân lực công nghệ cao, tuy nhiên một thời gian dài Việt Nam luôn thiếu hụt nhân lực công nghệ. Chính phủ đã nhận thức rõ điều này và đang lấp dần khoảng cách bằng những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và công nghệ. Từ năm 2010, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu một chương trình nhằm chuyển hóa nước ta thành một thị trường công nghệ tiên tiến. Để hỗ trợ kế hoạch này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được rót vốn để xây dựng hạ tầng và những khu công nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết giúp đỡ Việt Nam với số tiền 100 triệu USD, số tiền này được sử dụng cho sự phát triển của thị trường công nghệ thông tin.

Cải cách giáo dục cũng là biện pháp được chú ý nhằm xây dựng nên nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Mặc dù lực lượng người lao động rất đông đảo nhưng nhân lực chất lượng cao trong nghành công nghệ lại thiếu thốn. Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 rằng: “Việt Nam cần phải tập trung vào việc phát triển lực lượng lao động hiệu quả và tránh để thiết hụt kỹ năng là rào cản chuyển dịch lao động.”

Tuy nhiên vấn đề quan liêu trong khâu quản lý tại nước ta có thể cản trở dòng vốn được sử dụng đúng nơi, đúng mục đích. Ngoài chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới cũng đầu tư để phát triển công nghệ tại Việt Nam. Nhóm công ty công nghệ đứng đầu là Intel và Siemens đã đầu tư 21 triệu USD cho việc đào tạo nguôn nhân lực công nghệ cao cho nước ta sau khi đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bộ vi xử lý trị giá 1 tỷ USD.

Các ông lớn công nghệ chi mạnh hơn

Việt Nam đang trở thành một nơi hấp dẫn cho những doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử xây dựng nhà máy, những doanh nghiệp này cần một thị trường lao động giá rẻ có trình độ đáp ứng được những yêu cầu trong sản xuất công nghệ. Samsung là một trong những công ty công nghệ khổng lồ đang tiến vào nước ta, trước mắt là khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD tại Thái Nguyên cho mục đich sản xuất smartphone và các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, Samsung còn có một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh và một ở thành phố Hồ Chí Minh. Những công ty công nghệ khác như Foxconn Technology, Intel Corp, LG Electronics và Canon cũng đang bắt đầu mở rộng đầu tư của họ tại Việt Nam.

LG Electronics gần đây đã tuyên bố rằng, họ sẽ chi khoảng 1,5 tỷ USD trong mười năm tới để thúc đẩy kế hoạch mở rộng sản xuất của các sản phẩm điện tử tại Việt Nam.

Giấc mơ về nền công nghệ cao trong lương lai.

Vấn đề phát triển công nghệ trở thành vấn đề thiết yếu của nước ta trong những năm gần đây. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao cũng tăng lên đáng kể, một phần trong số này đang hướng đến những thị trường bên ngoài Việt Nam. Trên hết, giấc mơ công nghệ không chỉ dừng lại ở việc phát triển những thiết bị công nghệ cho những công ty nước ngoài mà phải là phát triển nền công nghệ cho chính đất nước.

Đối với các quỹ đầu tư, họ cần ở các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ bởi ý tưởng, kế hoạch phát triển kinh doanh mà còn là niềm đam mê đem lại những lợi ích cho người dùng, cộng đồng và hỗ trợ sự phát triển công nghệ nói chung.