Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
DN dệt may chưa hết khó vì quy định liên quan formaldehyt |
Tại tọa đàm ‘Văn bản ban hành phải vì cuộc sống’ do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/4, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, văn bản kém chất lượng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, khiến tốn kém thời gian và chi phí.
“Có doanh nghiệp đánh giá rủi ro về chính sách thậm chí nghiêm trọng hơn rủi ro khác trong kinh doanh”, đại diện CIEM cho hay.
Chung quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không thiếu các dẫn chứng về văn bản “chất lượng chưa cao”, “hay thay đổi”, “gây khó khăn cho DN”.
“Tại các diễn đàn của VCCI, nhiều doanh nghiệp nêu rủi ro về chính sách đang lớn dần. Một số ngành hàng, doanh nghiệp đánh giá rủi ro chính sách lớn hơn rủi ro kinh doanh khác”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Trước năm 2016, doanh nghiệp dệt may khốn khổ với quy định kiểm tra hàm lượng hợp chất hữu cơ formaldehyt theo Thông tư 37/2015 vì “tốn kém và mất thời gian”. Trong đợt "cải cách lịch sử ở Bộ Công Thương", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký Thông tư 23/2016 bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/11/2016.
Tháng 10/2017, Bộ Công Thương lại ban hành Thông tư 21/2017. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ 1/5/2018, nhưng sau đó Bộ đã phải ban hành Thông tư số 07/2018 lùi thời hạn áp dụng Thông tư 21/2017 về kiểm tra formaldehyt sang thời điểm 1/1/2019.
“Khi Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37, doanh nghiệp vui mừng như một món quà Bộ này trả cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo nói. Tuy nhiên thông tư sau đó khi áp dụng thì DN cũng “vô cùng khó khăn”.
“Thậm chí thời gian kéo dài hơn trước rất nhiều, còn chi phí gấp 2-3 lần trước đây DN thực hiện”, bà Thảo nhấn mạnh và hy vọng Bộ Công Thương rà lại.
Theo chuyên gia VCCI, nhiều quy định can thiệp hơi sâu vào hoạt động của DN. Chẳng hạn, Nghị định về sản xuất mũ bảo hiểm trước đây yêu cầu DN phải có dây chuyền sản xuất mút xốp, trong khi điều đó không cần thiết vì có thể mua bên ngoài. Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo trước đây cũng yêu cầu DN muốn xuất khẩu gạo phải sở hữu “từng này nhà máy, có từng này thiết bị, kho xưởng”. Cho nên, việc sửa Nghị định này đã thổi luồng gió mới cho DN xuất khẩu gạo.
Do tư duy thích cấp phép
Văn bản chất lượng không cao, thậm chí trái luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, doanh nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, nguyên nhân đầu tiên là do thói quen can thiệp vào tự do kinh doanh vẫn còn phổ biến.
“Nhiều thủ tục hành chính yêu cầu DN phải trình phương án kinh doanh. DN không hiểu tại sao phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước. Liệu có DN nào thật thà đến mức trình ra kế hoạch kinh doanh bí mật của mình không, và cơ quan nhà nước có đủ năng lực để thẩm định không”, ông Đậu Anh Tuấn băn khoăn.
Nhiều thủ tục gây ra tốn kém về thời gian, chi phí cho DN. |
Ngoài ra, theo chuyên gia này, vẫn còn tình trạng “tư duy thích cấp phép”. Có quy định không hiệu quả, tạo gánh nặng chi phí cho DN, không nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nhưng lại trao quyền đồng ý hay không cho cán bộ.
Còn bà Nguyễn Minh Thảo thì lo ngại, sau một thời gian đẩy mạnh cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thì nay “sự quan tâm có xu hướng giảm dần”. Bởi vậy đâu đó xuất hiện thêm một vài văn bản không đạt yêu cầu thực tế.
Để ngăn những văn bản kém chất lượng, ông Đậu Anh Tuấn đúc kết: Đạo luật nào được thảo luận công khai rộng rãi, được “nhúng” qua các trao đổi thẳng thắn thì chất lượng cao hơn các văn bản ban hành vội vã, vì mục tiêu nhất định nào đó.
Cho nên, theo ông Tuấn, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể bổ sung thêm những yêu cầu cho minh bạch hơn. Bởi nhiều bộ ngành lấy ý kiến văn bản một cách rất hình thức. Ngoài ra, các góp ý phải được giải trình, “tránh lấy ý kiến cho có, không được giải trình”. “Kể cả có ý kiến ban soạn thảo không nghe thì cũng phải giải trình, phản hồi lại”, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.
“Nếu văn bản nào không tham vấn đầy đủ, không thực hiện công khai ý kiến DN, người dân thì bị trả lại, cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm”, chuyên gia VCCI góp ý.
Dù vậy, bản thân các DN, người dân, hiệp hội, các tổ chức cũng cần thay đổi quan điểm và tham gia tích cực hơn vào công tác xây dựng văn bản.
“Ở Việt Nam, DN ngại ngần thảo luận chính sách, khác hẳn các DN FDI. Có DN đầu tư nhiều tiền cho marketing nhưng nhân sự cho lĩnh vực pháp luật lại mỏng, yếu”, ông Tuấn nhận xét.
Còn bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng các báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá chi phí và lợi ích tuân thủ quy định cần được làm chi tiết hơn. “Tôi nghĩ các báo cáo hiện vẫn còn hình thức, chỉ nhằm đảm bảo đủ trình tự thủ tục để thẩm định, để được ban hành hơn là thực chất”, bà Thảo nêu vấn đề và đánh giá đó là một phần lý do khiến văn bản có chất lượng hạn chế vẫn được thông qua.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), thừa nhận có những quy định khi thẩm định đòi hỏi phải có chuyên gia am hiểu, nhưng chưa huy động hết được. Điều đó dẫn đến việc còn quy định chưa bám sát thực tế, tính khả thi chưa được đảm bảo.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, đề xuất chính sách, phải dành sự quan tâm hàng đầu cho công việc này. Ngoài ra, cần chú ý đến mức độ đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là đầu tư tiền nong cho một đạo luật để triển khai bài bản. “Chi phí này nước ngoài nhiều lắm, còn ta thì ít. Tiền thì vài hội thảo là hết. Cái đó phải nghĩ tới”, ông Nguyễn Hồng Tuyến chia sẻ.
Lương Bằng