Hà Nội còn chưa ngã ngũ việc dựng tượng đài nghệ thuật hay tượng đài cổ động? Nhưng nếu có thể, thì tượng đài “dìu người say” về, nên được tạc và đặt ở cơ quan chức năng nào đã có sáng kiến này, như một ghi nhận về… nghệ thuật cổ động khuyến khích uống rựơu bia.
I-Có dịp đi ra nước ngoài, hẳn nhiều người trong chúng ta đều có cơ may chiêm ngưỡng các tượng đài văn hóa- lịch sử. Tượng đài chính là “ngôn ngữ” biểu cảm nhất của một quốc gia, một địa phương muốn gửi thông điệp cho hiện tại và tương lai. Thông điệp vì thế, phải thể hiện được hết, tôn lên hết cái “chất” văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, tôn lên hết cái biểu tượng của quốc gia đó, địa phương đó. Nhiều tượng đài văn hóa- lịch sử còn trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, mang lại những giá trị kinh tế không nhỏ.
Cho dù khác nhau về chủ đề, cách thể hiện, nhưng tượng đài một khi trở thành biểu tượng phải đạt tới tiêu chí chung của nghệ thuật điêu khắc- đó là cái Đẹp có bản sắc riêng, mang tính văn hóa cao. Vì chỉ có cái Đẹp, mang tính văn hóa cao mới sống mãi với nhân gian, với thời gian.
Nhân loại hẳn không bao giờ quên bức tượng Nụ hôn nổi tiếng của điêu khắc gia Rodin (Pháp) lừng danh. Bức tượng đó đã trở thành tượng đài vĩnh cửu của tình yêu đôi lứa. Hay bức tượng Người suy tưởng cũng của Rodin- đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tư duy. Một người đàn ông với dáng ngồi trầm tư, đầu cúi xuống, những múi thịt ở lưng cũng như vận động, tập trung hết cho sự suy nghĩ đến mức vồng lên- một sự sáng tạo và cũng là suy tưởng cao độ.
Còn người viết bài này từng thích thú trước biểu tượng cây kim, có luồn sợi chỉ của t/p Milan (Italia), nơi có nhà thờ Milan vào loại đẹp nhất nhì thế giới, bởi Milan chính là “thủ đô” của thời trang quốc tế. Rất giản dị nhưng cực kỳ ấn tượng, cây kim và sợi chỉ đã trọn vẹn một thông điệp truyền tải tới khách thăm một cách tao nhã về một nghề truyền thống.
Thế nhưng vì sao, khi Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tư vấn với Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Nội mới đây, ý tưởng quy hoạch hệ thống tượng đài HN, lại gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội. Theo ý tưởng này, từ năm 2014 đến năm 2030 cần có 69 tượng đài. Hiện HN đã có 34 tượng đài. Như vậy, trong vòng 15 năm tới, sẽ xây thêm 35 tượng đài, trung bình mỗi tượng đài đầu tư 20 tỷ đồng. Trong vòng 05 năm tới phải xây dựng được 10 tượng đài.
Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: cinet.gov.vn |
Tượng đài chưa xây lên đã thấy… “bia miệng” thế gian. Mà lạ nhất, lại từ giới chuyên môn.
Kiến trúc sư Lê Văn Lân thẳng thắn không úp mở khi cho rằng: Người nào nêu quan điểm mỗi cửa ô phải có 01 tượng đài thì nên đưa người đó ra… xem xét lại!
Ở góc độ dân sinh và quản lý xã hội, KTS Phạm Ngọc Thảo (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc t/p HN), KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc HN, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị VN đều cho rằng, đề xuất mỗi thị trấn một tượng đài là kỳ lạ.
Bởi tượng đài gắn với nhu cầu mỗi thị trấn, nơi cần, nơi không. Giá trị của mỗi tượng đài cũng rất khác nhau, không thể đưa ra định mức kinh phí đồng đều 20 tỷ đồng. Có những tượng đài chỉ trị giá vài ba tỷ đồng, và có những tượng đài giá trị hơn thế.
KTS Đào Ngọc Nghiêm còn đặt câu hỏi rất chuyên môn: Dự thảo yêu cầu tượng đài phải mang bản sắc Thăng Long. Vậy nếu ai ở địa phương khác sẽ rất đau khổ về yêu cầu này. Nếu tôi xây ở Sơn Tây, Phú Xuyên... thì tôi vẫn phải mang bản sắc Thăng Long sao?
Còn người viết bài này chỉ thấy… kỳ lạ về “tư duy bao cấp” mang tính bình quân chủ nghĩa rất nặng ngay trong ý tưởng đề xuất. Bàn việc xây dựng tượng đài mà như “chia chác” cho các địa phương khỏi tị nhau.
Gạt ra câu chuyện “chia chác” chưa hạ hồi phân giải, chỉ xin kiến giải vì sao dư luận xã hội, kể cả giới chuyên môn lại dị ứng đến thế với việc xây dựng tượng đài.
Phải thấy ở xã hội ta, điêu khắc VN nói chung, việc xây dựng tượng đài nói riêng, cho đến thời điểm này, vẫn là lĩnh vực nghệ thuật nhạt nhòa. Có thể, nó tương ứng với sự phát triển còn thấp của nền kinh tế- xã hội- văn hóa. Trong bối cảnh đó, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đã từng sừng sững trước nhân gian, mang ý nghĩa chính trị- xã hội- lịch sử, thì xét cho cùng, đều mang ý nghĩa những tượng đài… cổ động nhiều hơn.
Rất ít tượng đài đạt tới tiêu chí cái đẹp nghệ thuật chân- thiện –mỹ. Mà đã là cổ động, thì bản thân tượng đài đã mang tính phô trương, hình thức, kêu gọi, khó thẩm thấu để ở lại với tâm hồn con người. Rút cục, tượng đứng đằng tượng, người xem đi đằng người xem.
Tại ai? Tại tài năng của các nhà điêu khắc, hay tại con mắt thẩm mỹ của người dân, của xã hội… quá kém không thẩm thấu được cái đẹp nghệ thuật này?
Không phải vô lý, khi họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa văn nghệ (Ban TG TƯ) hài hước: Hãy nhìn lại hàng loạt tượng đài danh nhân lịch sử đã dựng một cách ồ ạt tại các tỉnh, t/p, sẽ dễ dàng nhận thấy quá giống nhau, không có không gian, thần sắc riêng. Tượng đài Trần Hưng Đạo nhang nhác tượng đài Quang Trung, Nguyễn Trãi hao hao Nguyễn Du...
Còn họa sĩ Trần Khánh Chương, CT Hội Mỹ thuật VN tổng kết rất thú vị: Ở ta, tượng anh hùng dân tộc luôn trong tư thế đi, đầu đóng khăn búi tó, không tay phải thì tay trái nhất định phải cầm kiếm. Tượng lãnh đạo bao giờ cũng một tay buông thõng, tay kia đưa lên. Tượng công nhân thì tay giơ cao và ngực ưỡn ra phía trước. Tượng bà mẹ thì hoặc quàng khăn, hoặc cầm khăn, tay giơ cao. Tượng đài chiến thắng luôn có một người giơ súng ở giữa, bên cạnh là vài người khác. Tượng đài Thanh niên xung phong ở Cò Nòi - Sơn La hay Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đều có 3-4 nhân vật, tay giơ cuốc, tay giơ đèn hoặc cờ. (Tuần Việt Nam, ngày 17/12)
Với mô hình tượng đài rập khuôn như tạc từ một … “lò” ra, ai dám bảo đảm đó là những tượng đài nghệ thuật. Bởi nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng, bản chất bất di bất dịch của nó, điều làm nên vẻ đẹp quyến rũ, chính là sự sáng tạo của người nghệ sĩ, là sự khác biệt, làm nên bản sắc riêng.
Đặt cái tư duy “tượng đài cổ động” khoác áo nghệ thuật đó trong bối cảnh tiêu cực- “hoa hồng” nở bất kỳ trên chất liệu nào, từ đất đai, sắt thép, gỗ đá, bê tông…, trong bối cảnh quản lý các ngành lỏng lẻo đủ kiểu, dư luận xã hội có quyền nghi ngờ liệu rồi đây, các tượng đài có còn đủ tim, đủ ruột không? Hay tượng đài cũng phải nước mắt chảy ngược vào trong? Bởi bị rút ruột, rút chân- như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng đồng năm nào. Khiến cho tượng như người lính trong thời bình không may “bị thương nặng” mà vẫn phải đứng đó… trơ gan cùng tuế nguyệt?
Không quá ngoa ngôn khi dân gian hiện đại đã có câu tổng kết- muốn có ăn, không gì bằng nghĩ ra dự án!
Liệu có nghệ sĩ điêu khắc nào tự tin bảo đảm rằng những tượng đài sắp tới là tượng đài nghệ thuật của cái đẹp, của văn hóa, có hồn, không phải là những “tượng đài cổ động”, vô hồn, mang tính truyền thống, bề nổi xưa nay?
*******************
II- Trong khi “bia miệng” về ý tưởng xây dựng 35 tượng đài nghệ thuật cho các thị trấn ở HN còn chưa mòn, thì chuyện … “miệng bia” bỗng đâu phả nồng nặc trong tuần. Ấy là bởi ý tưởng phối hợp xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông", thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Nội dung của mô hình này là tại các điểm kinh doanh bia rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm, dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu về nhà để đảm bảo an toàn. Nói gọn, là dịch vụ đưa các bác say xỉn về nhà. Nghe đã rất… tây tây.
Có chàng nhân viên lương ba cọc ba đồng nào dám thuyết phục các đại gia, rằng bác đã say xỉn, để em đưa bác về? Mà cái sĩ diện, cái tự ái của các bậc quân tử người Việt nó còn dễ… nổi nóng hơn cả rượu bia.
Biện bạch và bảo vệ cho ý tưởng này, có ý kiến cho rằng ở một vài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã áp dụng. Và dịch vụ đưa người say về nhà đang trở thành nghề hái ra tiền (?) Hẳn các nhà hàng rượu bia, các quán bar sẽ rất hoan hỉ, bởi lợi cả đôi đường. Bên bán được- rượu thì rượu mà bia thì bia, bên… ba say chưa chai.
Tuy nhiên, mặc dù mục đích mới nghe có vẻ tốt, vì hy vọng góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông đang là vấn nạn nghiêm trọng, có nguyên nhân từ người say rượu, say bia. Nhưng cái tốt của ý tưởng này có vẻ chưa đủ sức khiến những người tỉnh táo trong XH tâm phục, khẩu phục. Bởi nếu xem xét kỹ, thì những ý tưởng mới mẻ này lại đang đi… ngược với những quy định của pháp luật.
Thay cho việc nghiêm cấm và xử phạt những người say rượu, say bia lái xe, hoặc trong giờ làm việc, dịch vụ này tỏ ra “chiều chuộng” những người say. Điều này có khác chi việc khuyến khích họ uống say lan tràn? Hay Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát đã rất khôn ngoan, khéo léo cổ vũ cho việc uống bia, rượu, kiểu thành ngữ dân gian xưa: Yêu cho say cho xỉn?
Điều đáng quan ngại, và đáng suy nghĩ, chất lượng phát triển, chất lượng sống và chất lượng văn minh, văn hóa của nước Việt hiện nay cũng rất… đi ngược với các quốc gia văn minh trên thế giới trong thời hội nhập. Người ta chưa quên những chỉ số về giáo dục, y tế, về ô nhiễm môi trường sống, phát triển xã hội, thu nhập bình quân đầu người của VN đều đứng nhóm cuối bảng trong tổng số gần 190 quốc gia toàn thế giới.
Trong khi đó, VN hiện trong top tiêu thụ bia… cao nhất thế giới.
Theo thông tin của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại hội thảo về tác hại của đồ uống có cồn, ngày 17/11 mới đây, mức tiêu thụ bình quân các loại rượu bia quy ra rượu của người Việt từ 15 tuổi trở lên là 6,6 lít/người/năm. Kể từ 2010 đến nay, VN luôn nằm trong top các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới.
Còn theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Euromonitor, năm 2013, VN tiêu thụ 03 tỉ lít bia, tương đương giá trị 03 tỉ đô la Mỹ, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 03 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi 10 năm trước, VN chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia. Như vậy, sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%.
Theo dự báo của Bộ Công Thương đưa ra đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia, lượng tiêu thụ trung bình mỗi người dân cũng tăng từ mức 32 lít/năm hiện tại lên 47 lít/năm. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60-70 lít/bia/người/năm”(Thời báo Kinh tế SG, ngày 13/12)
Đọc những thông tin trên, chỉ thấy ngượng ngùng. Thế giới thì ăn nên làm ra, VN thì uống lên mà làm … không ra!
Vậy thì những chủ trương, mà thực chất là chỉ tạo ra hiệu ứng ngược- kích thích thêm nạn say bia say rượu như đề xuất trên có nên ủng hộ?
Mặt khác ai cũng biết uống rượu bia rất có hại cho sức khỏe, dễ dẫn đến tổn hại cơ thể, cho gan, thận và nhất là trí não, chưa kể việc say khiến con người thường không làm chủ nổi mình. Thì việc có dịch vụ đưa người say về nhà tốt hơn, hay có các biện pháp chế tài ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc việc say rượu say bia tốt hơn?
Người viết bài bỗng có một điều ước, giá cái chỉ số uống rượu uống bia kia có thể hoán đổi cho chỉ số trí tuệ người Việt, thì hạnh phúc biết mấy?
Và không hiểu các vị ở Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát có bao giờ đọc các số liệu so sánh đầy cay đắng này không? Hay các vị cũng đề xuất ý tưởng từ một cuộc nhậu - “chăm phần chăm”?
Hà Nội còn đang tranh cãi và chưa ngã ngũ việc dựng tượng đài nghệ thuật hay tượng đài cổ động? Nhưng nếu có thể, thì tượng đài “dìu người say” về, nên được tạc và đặt ở cơ quan chức năng nào đã có sáng kiến này, như một ghi nhận về… nghệ thuật cổ động khuyến khích uống rựơu bia
Kỳ Duyên