Thấy nam thanh niên xăm trổ bám theo, tôi cố gắng chạy xe thật nhanh, mong sớm ra khỏi con hẻm. Thế nhưng, người đó đuổi kịp và nói to: “Đá chân chống lên kìa, chị ơi!”.
Một ngày vội vã cuối năm, công việc lu bù khiến tôi mệt nhoài và kiệt sức. Tôi quyết định chạy xe đi khám sức khỏe.
Đường phố những ngày cuối năm tấp nập xe cộ ngược xuôi. Mọi người như lao vào guồng quay vội vã giữa bộn bề lo toan. Làn xe đông nghẹt khiến tôi chẳng dám chạy nhanh, vì tôi vốn mang căn bệnh rối loạn nhịp tim nên phải thăm khám thường xuyên. Đến lúc xe quẹo vào con hẻm, tôi tự tin tăng ga đôi chút.
Bỗng phía sau dường như có chiếc xe cứ cố bám theo tôi. Tôi vội chỉnh kính chiếu hậu thì phát hiện một thanh niên xăm trổ, tóc dài ngang vai, vàng hoe phất phơ trong gió đang cố chạy lên gần tôi.
Những ngày qua thông tin về một số vụ cướp giật được báo đài đưa tin khiến tôi rơi vào cảm giác hoang mang. Chẳng lẽ cuối năm vừa ra đường đã gặp phải kẻ xấu.
Tôi cố chạy thật nhanh, mong thoát khỏi con hẻm vắng người qua lại, nhưng nam thanh niên xăm trổ kia cũng cố rồ ga thật mạnh, để đuổi theo tôi.
Thoáng chốc chiếc xe ấy đã cập gần xe tôi. Tim tôi như ngừng đập, bao nhiêu suy nghĩ đối phó với cướp giật như vỡ tan.
Tôi định thắng xe và gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, thì thanh niên xăm trổ nói dõng dạc: “Đá chân chống lên kìa, chị ơi!”. Bao nhiêu máu huyết đang dồn đến tận não dường như tụt xuống nhanh chóng, tim tôi trở lại nhịp đập điều hòa và tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tôi vội dừng xe đá chân chống lên và gật đầu cảm ơn nhưng thanh niên ấy chẳng màng đến câu cảm ơn từ tôi, vội lao xe đi xa tít con hẻm.
Đến bệnh viện vào phòng khám, bác sĩ bảo tim tôi đập nhanh, cần uống thuốc nghỉ ngơi cho điều độ, tránh suy nghĩ, lo âu… nhưng tôi cứ nhớ đến chuyện vừa xảy ra với cảm xúc lẫn lộn.
Chợt nghĩ trong cái vội vàng, áp lực của cuộc sống xã hội ngoài kia, nhiều lần tôi đã chứng kiến những lời nhắc nhở nhau chuyện gạt chân chống xe khi lưu thông trên đường. Hôm nay chính bản thân tôi đã được trải nghiệm.
Tôi chợt nhận ra, giữa cuộc sống ồn ào và vội vã của thời đại kinh tế thị trường, chúng ta vẫn luôn được chứng kiến hay trải nghiệm những khoảnh khắc sống vì nhau hay sự quan tâm giữa những người xa lạ. Câu nhắc gạt chân chống lên như trở thành một nét đẹp trong văn hoá của những người tham gia giao thông.
Không ai bảo ai phải làm mấy chuyện nhỏ ấy nhưng trong thâm tâm mỗi người tự thôi thúc sẽ làm khi gặp trường hợp quên đá chân chống xe.
Giữa những ngày vội vã cuối năm hành động quan tâm từ nam thanh niên xăm trổ tuy nhỏ nhưng khiến tôi thấy ấm lòng.
Trên đường về, thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt dõi theo những lượt xe xem có ai quên đá chân chống như mình khi nãy hay không. Và rồi tôi lại tự mỉm cười vì trong "kho tàng" văn hoá giao thông Việt Nam vẫn còn tồn tại một câu nói mang đậm tình người: “Quên đá chân chống kìa anh/chị/cô/chú ơi!”.
Cuộc sống luôn có những câu chuyện đáng để chúng ta suy nghĩ. Một chuyến xe đêm cuối năm vắng vẻ, một ngày mưa tầm tã chen chân giữa phố xá đầy xe cộ, một bàn tay bất ngờ đưa ra đỡ ta đứng dậy sau cú vấp té… Những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng có thể chất chứa nhiều bài học trong đó.
Mời độc giả chia sẻ cùng chúng tôi những câu chuyện mà các bạn bắt gặp trong cuộc sống đời thường và cảm thấy cần phải lên tiếng phản đối hoặc bênh vực. Đó có thể là những câu chuyện về người tốt, việc tốt, hoặc đơn giản là một nỗi bực dọc thoáng qua về một hành động kém nhân văn của người nào đó.
Những chiếc ô tô sang, xịn, mịn cứ lừ lừ nhấn ga dứt khoát để khóa cái lỗ hổng lại không cho ai chen được. Bỗng mình thấy một khoảng trống dần lộ rõ ra vì chiếc xe tải cứ đứng yên. Cậu lái xe vẫy tay liên tiếp ra hiệu bảo mình đi đi...
Sau khi làm xong việc, bác thợ nề được chủ nhà mời rượu và uống "quá chén", đi lạc đường. Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhờ người gọi người nhà của bác thợ đến đưa về.