Mới đây, dư luận rúng động trước 2 vụ dùng xăng đốt người khác. Vụ thứ nhất xảy ra tại Quảng Nam, chị Nguyễn Thị D.Ph. (23 tuổi) và mẹ chồng là bà Đặng Thị T.N. (44 tuổi), cùng ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, đã tìm chị Đ.T.M.D (28 tuổi, ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) để đánh ghen.
Chị Ph. dùng xăng chứa trong chai 1,5 lít tưới vào người chị D. rồi bật lửa đốt. Người dân phát hiện đã đến dập lửa sau đó 20 giây. Tuy nhiên, chị D. bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Vụ thứ hai xảy ra tại Đắk Lắk, anh Phạm Đoàn P.P. (42 tuổi, ngụ phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) đem theo một can xăng khoảng 5 lít tìm chị Trần T.T.H. (39 tuổi, ngụ cùng địa chỉ).
Anh P. đã dùng can xăng mang theo đổ lên người chị H. rồi châm lửa đốt khiến cả 2 người bị bỏng nặng. Ngay sau đó 2 người này được cơ quan chức năng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu. Được biết, trước đây anh Phạm Đoàn P. P. và chị Trần T.T.H. có quan hệ vợ chồng nhưng hiện đã ly hôn.
Trao đổi với PV VietNamNet về 2 vụ việc nêu trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Điểm chung trong hai vụ việc này là các đối tượng đều chuẩn bị xăng từ trước rồi tìm gặp, đổ xăng lên người nạn nhân rồi châm lửa đốt.
Hành vi của những người này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nạn nhân, hoàn toàn có thể tước đi mạng sống của họ, mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tài sản của những người xung quanh. Bởi lẽ, xăng là chất cháy nguy hiểm, khi cháy có tốc độ lây lan nhanh và khó có thể dập tắt.
Như vậy, khi đổ xăng lên người nạn nhân rồi châm lửa, người bị hại sẽ rất đau đớn, công tác cứu hộ cũng gặp khó khăn. Hơn thế, nếu bị cháy lan sang người khác hoặc các phương tiện và tài sản xung quanh, thiệt hại sẽ rất lớn. Nạn nhân sau đó nếu như được cứu sống thì cũng gần như bị hủy hoại hết ngoại hình”.
Theo luật sư Hoàng Tùng, trong 2 vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ hành vi của từng đối tượng, mục đích việc đổ xăng lên người các bị hại, nhận thức của các đối tượng về hành vi của mình.
Đối với hành vi trên, các đối tượng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt tù từ 7 - 15 năm, có thể chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ hành vi.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, hiện nay đã xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thậm chí là gây án mạng bắt nguồn từ mâu thuẫn tình cảm và chủ yếu do ghen tuông không làm chủ được bản thân.
Các vụ việc xảy ra ở khắp mọi nơi và mọi lứa tuổi, từ lứa tuổi thanh niên đến lứa tuổi trung niên và thậm chí cả ở những người cao tuổi. Hành vi của các đối tượng gây án thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ.
Có thể thấy, nhìn chung đối tượng gây án có trình độ nhận thức kém, thiếu kiềm chế, hành động của họ chỉ nhằm thỏa mãn sự thù tức, cuồng nộ của bản thân. Không ít trường hợp cuồng ghen, không làm chủ được lý trí và thường không kiểm soát được hành vi của bản thân mà họ đã tự giết chết tình yêu, phá vỡ hạnh phúc của mình, tự đẩy bản thân vào vòng lao lý.
Pháp luật đã nghiêm cấm sử dụng bạo lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào trong xã hội, kể cả trong quan hệ tình cảm. Những vụ thảm án xuất phát từ ghen tuông mù quáng sẽ là bài học nhắc nhở mọi người cần thận trọng trong các mối quan hệ tình cảm.
“Khi xảy ra mâu thuẫn ghen tuông, cần bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc và hành vi để tìm cách hóa giải. Lúc đó ai đúng, ai sai hãy để pháp luật can thiệp.
Việc sử dụng bạo lực để giải quyết sẽ không đạt được kết quả gì mà còn để lại hậu quả đáng tiếc, người thì bị thương tích hoặc mất mạng, kẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, để lại những hậu quả đau lòng cho bản thân, gia đình và xã hội”, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo.