Ở quê, con cái đều khó khăn nên các ông bà vẫn tự thân tự lực lắm, quan trọng nhất là tiếc tiền của con cháu, tự dưng đem cho cái viện dưỡng lão một khoản to thì các cụ xót lắm.

Đọc tâm sự về việc đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão tôi thấy nhiều người đang quá trầm trọng hóa vấn đề.

'Con dâu muốn đuổi cổ tôi vào viện dưỡng lão'

Con dâu tôi thẳng thừng tuyên bố: “Từ hôm nay trở đi mẹ cứ như thế thì chúng con sẽ cho mẹ vào viện dưỡng lão. Ai sống với con thế nào thì con sẽ sống lại như thế. Ai đối xử tốt với con thì con sẽ tốt lại”.

'Nếu xót mẹ, các cô đón bà về nhà mà nuôi'

Vào ngày làm lễ cúng 100 ngày cho bố, chị dâu tôi bảo, chị đã bàn với anh và đi đến quyết định sẽ đưa mẹ vào viện dưỡng lão.

Theo tôi, ở thành phố, việc đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão khi tuổi già là một việc hết sức bình thường. Vào đó, có bạn có bè, có khi các cụ còn vui hơn khi sống cùng con cháu mà ngày nào cũng chỉ đối diện với bốn bức tường.

Ở thành phố, nhiều gia đình trẻ, 2 vợ chồng đi làm suốt ngày, các con cũng đi học chính, học thêm đến tận tối muộn mới về nhà. Đã vậy, nhà nào có ông bà ở cùng thường xảy ra xung đột 2 thế hệ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ông bà về hưu, rảnh rỗi nhiều nên cũng hay để ý quá mức nên các con dâu thường ngấm nguýt sau lưng gọi bố mẹ chồng là "thánh soi". Nhiều ông bà chê con dâu, chàng rể mồm ngậm hạt thị, chào hỏi lí nhí, chỉ ba hoa bốc phét, rồi ăn chơi đú đởn. 

Thậm chí nhiều ông bà còn can thiệp quá mức vào việc sinh con của cặp vợ chồng trẻ, gây sức ép kiểu "nếu không đẻ được cháu trai thì ông bà cho phép chồng mày kiếm con bên ngoài". Điều đó khiến cho cuộc sống chung trở nên nặng nề. Các con thì khó chịu, các cụ thì nghĩ ngợi buồn phiền.

Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh lựa chọn đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, chúng ta vẫn có thêm những lựa chọn khác. Điều quan trọng là chiều theo ý thích của các cụ.

Ở nhà tôi, đã từng chứng kiến vô số chuyện mẹ chồng - nàng dâu nên mẹ đẻ tôi rất tân tiến. Bố tôi mất, mẹ ở một mình, tôi cứ xui bà vào nhà anh trai tôi ở Buôn Mê Thuột ở cho tuổi già đỡ cô quạnh. 

Tôi là phận gái, lấy chồng xa cả trăm cây số, cả năm mới đáo về thăm mẹ được vài lần. Mẹ tôi phán xanh rờn: "Nhà tao, tao ở, chả tội nợ gì ở với đứa nào. Phụ thuộc, con dâu nó ngứa mắt nó nói láo vài câu lại phải bắt máy bay về thì mệt lắm".

Tôi cứ lo lúc bà đau ốm, không có người chăm sóc. Mẹ tôi tỉnh bơ, "lúc nào mẹ nằm bệt ở giường thì chúng mày thuê người chăm là được, mẹ còn khỏe, mẹ ở nhà quê cho thoáng mát. Còn có hàng xóm xung quanh chứ sao phải tha hương hả con".

Tôi thương mẹ thì cứ thăm dò xem ý tứ bà thế nào, chứ tôi thừa biết tính mẹ tôi đồng bóng. Con cháu ở xa thì bà gọi điện ngọt như mía lùi nhưng về nhà, trái ý bà một câu nói là bà mắng cho té tát. 

Có khi một việc rất đơn giản nhưng không đón ý bà mà làm đúng đường thì nghe bà lên lớp đau cả đầu. Tôi có lần trêu, "mẹ mắng con gái sao cũng được nhưng mẹ mà góp ý với con dâu thế này thì gay go, mẹ con từ mặt nhau ngay".

Nhà tôi có gương bà nội, bà có hẳn 5 con trai nhưng không ở với ai cả. Bà tôi ở một mình, chợ búa, dầu đèn kinh kệ, không dọn tới ở với ai. Bà tôi bảo đến ở chung, cả hai bên đều mất tự do. Mãi đến khi bà tôi 90 tuổi, chú bác tôi thay nhau về quê chăm nom bà.

Biết rồi ai cũng đến lúc già, nhưng tôi cũng thấy suy nghĩ của bà tôi, mẹ tôi khá hiện đại. Viện dưỡng lão rồi cũng thành mô hình của thời đại, nhưng chỉ ở thành phố thôi. 

Ở quê, các cụ vẫn có xóm giềng xung quanh, rồi đi chùa chiền, thể thao thể dục. Ở quê, con cái đều khó khăn nên các ông bà vẫn tự thân tự lực lắm, quan trọng nhất là tiếc tiền của con cháu, tự dưng đem cho cái viện dưỡng lão một khoản to thì các cụ xót lắm.

Mấy lần, mẹ tôi vào nhà anh trai chơi cả tháng hoặc tới nhà tôi chơi dăm hôm. Sau bà bảo: "Ở với con sướng được 3 hôm còn đâu chả thích, ăn ngủ không như ý, cứ nhà tao, tao ở là sướng nhất".

Thôi thì, ý cha mẹ già ra sao, mình phận con cứ thế mà nghe theo cho các cụ phấn khởi.

...
Chuyên đề "Người già và viện dưỡng lão" đang nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ độc giả. Bạn quan niệm thế nào về việc đưa cha, mẹ, người thân cao tuổi vào viện dưỡng lão? Bài viết chia sẻ xin gửi về cho chúng tôi theo email: [email protected]. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Lê Quỳnh (Hà Nội)