Tết Ất Tỵ có lẽ là cái Tết vui nhất của đại gia đình chị Lê Thị Phượng bởi những ngày cuối năm Giáp Thìn, người mẹ của 2 con nhỏ này đã được ghép tim, điều mà cả dòng họ đã chờ đợi nhiều năm qua.
LỜI TÒA SOẠN
Với chuyên ngành ghép tạng, sự hồi sinh khỏe mạnh của bệnh nhân nhận mô, tạng là minh chứng cho nỗ lực phi thường của các thầy thuốc giỏi nhất với sự trợ lực từ sức mạnh khoa học công nghệ tối tân. Đây cũng là biểu tượng hiện hữu nhất của lòng nhân ái giữa những người xa lạ.
Đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, VietNamNet gửi tới bạn đọc câu chuyện về sự hồi sinh của những người đã may mắn được nhận mô, tạng từ người cho chết não qua tuyến bài "Tết hồi sinh". Họ đã, đang và sẽ tiếp tục sống với trái tim biết ơn và trách nhiệm sâu sắc sao cho xứng đáng với món quà vô giá, từ đó lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng, giúp sự sống luôn tiếp tục sinh sôi...
Chị Phượng, 36 tuổi, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Một ngày cuối năm 2020, chị Phượng định quét nhà, vừa cúi xuống cầm chổi, bất ngờ chị hoa mắt, chóng mặt rồi ngất xỉu. Chồng chị lập tức đưa vợ đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị hơn 20 ngày. Sau đó, chị được chẩn đoán suy tim.
“Tôi chưa hết sốc vì bản thân trước đó hoàn toàn bình thường. Kết quả siêu âm phát hiện trong tim có một cục máu đông, chỉ chậm một chút là nguy hiểm đến tính mạng", chị Phượng kể lại.
Sau khi được xử lý cục máu đông, chuỗi ngày điều trị đi khám hằng tháng, uống thuốc của chị Phượng bắt đầu. Tưởng chừng ổn thỏa, nhưng đến năm 2024, tình trạng suy tim của chị nặng nề hơn. Chị thường xuyên khó thở, nhịp tim không đều.
“Nhịp tim lúc đập nhanh, có lúc lại ‘tụt’, thậm chí có lúc cảm giác như tim ngừng lại sau gần 1 giây”, chị nhớ lại. Lúc này, bệnh suy tim của chị Phượng đã được chẩn đoán vào giai đoạn cuối, sự sống rất mong manh.
Chị bị bệnh cơ tim thể giãn - suy tim giai đoạn cuối. Mặc dù đã được các bác sĩ giỏi tại Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị tối ưu bằng thuốc nhưng bệnh nhân vẫn xuất hiện các cơn khó thở, hồi hộp trống ngực và phải nhập viện nhiều lần trong năm 2024.
"Đợt nằm viện gần đây nhất - tháng 12/2024, bệnh nhân phải phụ thuộc vào thuốc vận mạch kéo dài", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Ly, Phó chủ nhiệm khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết. Nếu không ghép tim hoặc không có những hỗ trợ về thiết bị cơ học, tiên lượng sống của người bệnh sẽ ngắn.
Những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối khó chủ động trong cuộc sống, thường phải phụ thuộc vào thuốc và sự hỗ trợ của người thân trong sinh hoạt đi lại. Đến hơi thở cũng khó khăn. Chị Phượng không phải ngoại lệ.
Do bệnh tình nặng nề, riêng năm 2024, chị Phượng phải tái nhập viện Bệnh viện Bạch Mai nhiều lần, phụ thuộc vào thuốc vận mạch và không cắt được. Lần nhập viện gần nhất vào đầu tháng 12/2024.
“Những ngày đó, Phượng nhiều lần nguy kịch, bác sĩ động viên gia đình chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho tình huống xấu nhất”, bà Lê Thị Tịch, cô ruột của chị Phượng chia sẻ. Có lúc nhịp tim bệnh nhân lên tới 170 lần/phút (trong khi nhịp bình thường từ 60-70 lần/phút).
Nhưng chị Phượng còn trẻ quá, 2 con còn nhỏ, chưa biết đỡ đần cho cha mẹ… Bằng mọi giá phải cứu con, nhưng gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào vận may và lòng tốt của những người xa lạ.
Bà Tích nhớ như in sáng 2/1, họ bất ngờ nhận được thông báo của bác sĩ về việc có tim hiến từ người cho chết não. “Bác sĩ giúp gia đình, giúp cháu với!”, đó là câu trả lời của người thân chị Phượng khi bác sĩ hỏi lại quyết tâm đồng ý ghép tim cho nữ bệnh nhân.
Bác sĩ, điều dưỡng thực hiện lấy tạng từ người hiến chết não và chuẩn bị lọc rửa tạng trước khi ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC
“Vậy phải chuyển sang 108 (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) ngay” - Hiệu lệnh đưa ra, nhanh chóng các thủ tục được tiến hành.
Sống chậm lại để cảm nhận nhịp đập của lòng biết ơn
Hơn 9h, bệnh nhân được đưa từ Bệnh viện Bạch Mai sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngay chiều hôm đó, ca ghép tim tiến hành. Đây là ca ghép tim thứ 3 thực hiện tại bệnh viện hạng đặc biệt này và là ca đầu tiên của năm 2025.
“Lần đầu tiên cảm nhận nhịp đập của một trái tim mới ngay khi tỉnh lại sau ca mổ kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, tôi hiểu đó là nhịp đập của lòng biết ơn, là niềm vui và ý thức giữ gìn món quà sự sống, để nó được khoẻ nhất có thể”, chị Phượng chia sẻ những ngày trên giường bệnh, ngay trước Tết Ất Tỵ 2025.
Chị Phượng kể, trước đây, vì sức khỏe yếu, 24 giờ mỗi ngày trôi qua chỉ quẩn quanh dọn dẹp, bếp núc. Đến chuyện dạy con học bài, chị cũng khó đảm đương vì không thể ngồi lâu. “Luôn phải có người kèm tôi vì tình trạng khó thở, nhịp tim không đều xảy ra bất ngờ, liên tục, gia đình không yên tâm khi để tôi một mình ở nhà”, chị kể.
Những ngày Tết, chị cũng không được đi đâu xa du xuân. Nhưng năm nay, đón Tết với trái tim mới, dù vẫn khẽ khàng với từng bước đi, nhịp thở, giữ gìn trong tiếp xúc xung quanh nhưng chị Phượng vững tin sẽ còn nhiều cơ hội để yêu thêm cuộc đời, như một cách tri ân người xa lạ đã giúp chị nối dài sự sống.
“Còn quá sớm để nói về sự khác biệt trong cuộc sống trước và sau khi ghép tim, tôi chỉ muốn được sống một cuộc đời bình thường một cách chậm rãi, với nhịp thở bình thường, thoải mái buồn vui, xúc động hay hân hoan...”, chị nói.
Tháng 6/2010, ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại Học viện Quân y 103 (Hà Nội). Đến nay, khoảng 100 ca ghép tim đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam như Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Đại học Y dược TPHCM, Trung ương Huế, Chợ Rẫy...
Trước khi thực hiện ca ghép tim cho chị Phượng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ghép tim cho 2 bệnh nhân khác gồm người đàn ông 53 tuổi ở Lạng Sơn và một phụ nữ 39 tuổi ở Thanh Hóa. Hiện 2 bệnh nhân này đều có sức khỏe ổn định, trở lại công việc bình thường.
Người hiến tim cho chị Phượng là một phụ nữ 63 tuổi, sống và làm việc tại Lào, mắc bệnh hiểm nghèo khi đang về Việt Nam công tác. Gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng của bà để cứu nhiều người. Ngoài chị Phượng được nhận tim, 1 bệnh nhân được ghép gan, 2 người được ghép giác mạc ngay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hai thận điều phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).