Nam ca sĩ nổi tiếng tâm sự, anh không dễ rung động với người đẹp lần đầu gặp mặt. Trong tình cảm, Tuấn Ngọc không mê sự mới lạ như đàn ông mà thích sự gắn bó sâu đậm kiểu phụ nữ.

Trong quán café ồn ào vào một buổi sáng tháng 4 Hà Nội, Tuấn Ngọc chậm rãi uống trà, chậm rãi trải lòng, đúng như cách hát của anh trên sân khấu. Giọng ca sinh năm 1947 trẻ hơn tuổi 69 rất nhiều khi diện áo sơ mi trắng, đeo kính đen sành điệu.

{keywords}

Tuấn Ngọc (sinh năm 1947) tên thật là Lữ Anh Tuấn. Anh được xem như một trong những giọng ca nam xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam. Ảnh: Hải Bá

Với tôi, không nghệ sĩ nào vĩ đại hơn Phạm Duy

- Nghệ sĩ Tuấn Đăng - thành viên cuối cùng của AVT - qua đời ở tuổi 83 vì bệnh ung thư vòm họng trong hoàn cảnh khốn khó. Đây là người bạn chung ban nhạc với cha anh, nghệ sĩ Lữ Liên. Anh đón nhận tin này thế nào?

- Nghệ sĩ hút quá nhiều thuốc lá. Hồi mới về Việt Nam, tôi có gặp Tuấn Đăng. Lúc đó ông hơn bảy mươi, còn khỏe mạnh, tinh anh lắm. Điều quan trọng là nên thương người nghệ sĩ lúc sống hơn là chờ đến khi họ mất. Còn mỗi khi thấy một người qua đời, mình lại buồn một tí thì chẳng giúp ích được gì. Dù sao, Tuấn Đăng cũng đã hết khổ.

Cha tôi hồi mới sang Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên, ông may mắn hơn hai người bạn ông trong AVT, một người tự sát, một người ung thư.

Cách đây mấy ngày, tôi có lên thiền viện Trúc Lâm. Tôi nghiệm được cuộc đời sinh ra là khổ. Sống tới tuổi này, tôi đã nhìn thấy sự lên, xuống của biết bao người nghệ sĩ. Năm vừa rồi rất nhiều người ra đi, từ nghệ sĩ trong nước tới hải ngoại, từ da vàng tới da trắng. Mất mát là buồn nhưng trong buồn có vui. Cuộc đời là vậy, không có gì hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt.

- Vài năm gần đây, Tuấn Ngọc nói nhiều đến các quan niệm về nhân tình thế thái, về các triết lý nhà Phật. Những suy nghĩ ngày một an nhiên tác động thế nào đến tâm trạng của anh khi hát vì anh toàn chọn các bản tình buồn?

- Chắc chắn tình cảm sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của đời sống, không chỉ là chuyện hát. Cuộc đời buồn nhiều hơn vui, tôi thích hát nhạc buồn vì nó cho mình nhiều cảm xúc hơn. Tôi vẫn quan niệm hát phải để tâm hồn vào ca khúc mà chỉ có nhạc buồn mới bắt mình làm được như vậy còn nhạc vui thì ai chẳng hát được.

Phần đông nhạc Việt, những ca khúc giá trị từ lời đến giai điệu đều buồn. Nước mình là nước chịu đủ thứ bất hạnh nên nhạc buồn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng buồn quá cũng không nên vì mình mang buồn cho người nghe là điều không tốt. Thế nên sau này tôi đổi nhạc điệu cho bài hát đỡ bi lụy.

- Anh nói nhiều về cái buồn của cuộc đời nhưng người ta vẫn nghĩ anh là người may mắn vì có hai người cha nổi tiếng, có cuộc hôn nhân êm đềm và ở trên đỉnh cao danh vọng mấy chục năm nay. Có nỗi buồn nào anh chưa từng chia sẻ?

- Cuộc đời này ai mà chẳng buồn? Nhiều khi nhìn vậy mà không phải vậy, nhưng tôi không nghĩ ra ngoài xã hội, mình mang cái buồn của mình trình bày cho mọi người. Đồng ý là tôi may mắn trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi được khán giả yêu thương đến tận giờ phút này. Mỗi bức tranh của họa sĩ Van Gogh người Hà Lan giờ đáng giá hàng trăm triệu USD nhưng thời của ông, ông không bán được bức tranh nào, họ còn chê ông vẽ dở. Thành ra tôi hơn Van Gogh ở sự may mắn.

Tôi được cha ruột là nghệ sĩ Lữ Liên đưa vào âm nhạc từ thủa nhỏ. Cha ngồi đàn cho tôi nghe từ lúc tôi 5 tuổi, tôi nghe là hát được liền. Với nhạc sĩ Phạm Duy, người ta hỏi tôi thấy thế nào khi cưới con gái ông, tôi bảo, tôi thấy may vì từ khi là con rể, tôi hát nhạc Phạm Duy không phải trả tiền.

- Hai người cha nổi tiếng ảnh hưởng thế nào đến con đường nghệ thuật của anh?

- Với tôi không một người nghệ sĩ nào vĩ đại hơn Phạm Duy. Càng biết về Phạm Duy tôi càng nể phục một nghệ sĩ như vậy. Khi phê bình một nghệ sĩ phải phê bình cái hay cái dở của người ta nhưng cái tục, cái dở của Phạm Duy dễ tìm ở người khác còn cái vĩ đại như Phạm Duy thì có một không hai. Khi so sánh ai cũng phải đặt họ vào môi trường, hoàn cảnh giống nhau. Thử tưởng tượng những ông nhạc sĩ nổi tiếng của thế giới, nếu đẻ ở Hà Nội, các ông làm được gì?

Tôi không nói chuyện nhiều với ông Phạm Duy vì ông thích nói chuyện với phụ nữ hơn. Tôi không học nhiều ở Phạm Duy mà học nhiều từ những đĩa nhạc của người Mỹ nhưng không thể nói nhạc Mỹ hay hơn Phạm Duy. Tôi tiếc là khi nhạc sĩ Phạm Duy còn sống, ngay cả cha tôi là nhạc sĩ Lữ Liên, tôi không ca ngợi họ nhiều hơn. Nhưng tính tôi lại không muốn khen ngợi nhiều, nhất là người thân của mình.

{keywords}

Tuấn Ngọc bảo, anh còn nhiều cái dở nhưng "giữ cho riêng mình. Ngu gì mà kể ra". Ảnh: Hải Bá

 

Thời này bỏ nhau là thường, ở với nhau mới là chuyện lạ

- Trong các cuộc phỏng vấn với Tuấn Ngọc, tôi thấy anh rất ngại nói về người thân, dù người thân của anh đều rất nổi tiếng, ngoài hai ông bố còn có các em như diva hải ngoại Khánh Hà, nữ hoàng nhạc dance Lưu Bích. Trong khi các nghệ sĩ thường dễ buông những lời khen ngợi, vì sao anh lại khó tính như vậy?

- Tôi sợ mèo khen mèo dài đuôi. Hồi nhỏ bố tôi hay dẫn tôi đi khoe con, đó là điều mà tôi ngại nhất. Tôi đá vào chân ông mà lúc đó chân ông như tê, mình càng đá, ông càng khen. Tuổi này, càng học tôi càng thấy mình chẳng bằng ai. Lẽ dĩ nhiên có nhiều người thua tôi nhưng trên mình có nhiều người lắm. Người ta thường khen tôi: Tuổi này mà anh vẫn hát tốt, chỉ có tôi là biết tôi dở thế nào.

Gia đình tôi khen hay chê nhau thì nói ở nhà. Sợ nhất ra đường tung hô. Tôi không muốn nghe ai khen ai, thành ra cũng không dám khen em mình.

- Sự kết hợp của ba anh em Tuấn Ngọc – Lưu Bích – Khánh Hà trong liveshow Bằng Kiều 2015 từng nhận nhiều lời khen từ khán giả và người hâm mộ. Vì sao anh không thường xuyên đứng chung sân khấu với các em?

- Ở Mỹ, anh em tôi đều có những kế hoạch âm nhạc riêng, rất bận rộn nhưng việc hát chung cùng người thân là việc rất tốt, chắc tôi sẽ phải để ý điều đó hơn. Ba anh em nên làm việc gì đó cùng nhau. Trong đêm nhạc Vàng son một thủa tôn vinh 6 nhạc sĩ nổi tiếng vào ngày 24/4 ở Hà Nội, Lưu Bích – Tuấn Ngọc – Khánh Hà sẽ lại hòa giọng cùng nhau. Tôi trân trọng những cơ hội gắn kết như thế.

- Khánh Hà từng nói ở Mỹ, có khi cả năm mới gặp Tuấn Ngọc. Vậy ông chia sẻ với các em thế nào, nhất là những thăng trầm trong cuộc sống của họ?

- Khánh Hà nói quá đấy thôi. Tôi thấy các em tôi đâu có thăng trầm quá. Lưu Bích hay Khánh Hà không bất hạnh, đó là do em tôi lựa chọn con đường đó. Có ai bị bắt buộc làm gì đâu, mình phải chịu trách nhiệm về chuyện mình làm. Thành ra thăng trầm về tình duyên cũng là mình chọn.

Mà thời buổi này có ai không thăng trầm? Chuyện thay đổi tình cảm là chuyện tự nhiên đến mức có người gặp tôi còn hỏi: "Ủa, anh còn lấy Thái Thảo hả?". Họ ngạc nhiên vì bây giờ bỏ nhau là chuyện thường, ở với nhau mới là chuyện lạ.

- Bí quyết nào để anh vẫn gắn bó với con gái Phạm Duy như vậy?

- Thường bản tính con người ta bạc, có nhiều thành chán. Có những người ăn cơm nhiều thì muốn ăn phở.

Tôi là đàn ông nhưng tôi lại có tình cảm giống đàn bà. Đàn ông thích mới lạ, phiêu lưu. Tôi thích cũ, phải có gắn bó mới có cảm xúc được. Nếu thấy một người đàn bà đẹp đi cùng một người đàn ông khác, mình đâu có buồn nhưng người đàn bà của mình đi cùng người đàn ông khác, mình đau lòng ngay.

Tôi không dễ vì một bóng hồng mà không chi phối nổi bản thân. Vợ tôi biết tính tôi giống đàn bà, có tình cảm sâu đậm nên tôi đi đâu, cô ấy cũng yên tâm. Nếu tôi về Việt Nam một tháng, cô ấy sẽ về cùng tôi 15 ngày, còn lại cô ấy ở bên Mỹ, quán xuyến nhà cửa, con cái, công việc.

Theo Zing