- Tuần này, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch QH và bầu người thay thế. Chủ tịch nước, Chủ tịch QH mới được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.
Đại biểu QH tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ. Ảnh: Hoàng Long |
Tiếp tục kỳ họp thứ 11, tuần này, QH dành hai ngày đầu tuần thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH và các cơ quan của QH khóa 13, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng CP, Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC và Tổng kiểm toán NN.
Trong tuần sẽ có một ngày họp dành cho thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Các ngày thảo luận đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Từ giữa tuần, ngày 30/3, QH bắt đầu quy trình miễn nhiệm Chủ tịch QH, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Người được miễn nhiệm, tức Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng có thể sẽ phát biểu ý kiến.
Kết quả miễn nhiệm thông qua bỏ phiếu kín công bố ngay trong chiều cùng ngày.
QH sẽ dành thời gian nghe dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới. Việc bầu chức danh này cũng thông qua bỏ phiếu kín, diễn ra vào sáng 31/3. Chủ tịch QH mới được bầu sẽ tuyên thệ.
Quy trình tương tự với việc miễn nhiệm Chủ tịch nước. Người được miễn nhiệm, tức Chủ tịch nước đương nhiệm Trương Tấn Sang có thể phát biểu ý kiến. Kết quả miễn nhiệm thông qua bỏ phiếu kín sẽ có trong buổi chiều.
Ngay sau khi miễn nhiệm, QH sẽ nghe đề cử Chủ tịch nước mới. Sáng 2/4, QH bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước mới sẽ tuyên thệ.
Ngoài hai chức danh trên, trong nội dung làm việc về nhân sự, QH cũng sẽ miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH, một số thành viên UB Thường vụ QH, Chủ tịch HĐ Dân tộc, Chủ nhiệm một số UB của QH, Tổng kiểm toán NN.
Những người được miễn nhiệm đều có thể phát biểu ý kiến, việc miễn nhiệm đều tiến hành thông qua bỏ phiếu kín.
Chung Hoàng