|
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch VECOM: “Tuần mua sắm trực tuyến sẽ giúp người tiêu dùng khẳng định TMĐT là có thật, đồng thời tạo cú hích cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai ứng dụng TMĐT”. Ảnh: H.M |
Chưa phát triển được như kỳ vọng, song trên thực tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã hiển hiện và phát huy tác dụng trong đời sống thường nhật. Rất nhiều người tiêu dùng đã có thói quen mua sắm hàng trên mạng vì phương thức mua sắm này đem lại cho họ cơ hội khảo giá ở nhiều nhà cung cấp khác nhau để mua được hàng với mức giá hời nhất, tiết kiệm được thời gian và công sức “đi chợ”.
Tuy nhiên, việc triển khai bán hàng trực tuyến mới chỉ dừng ở mức đơn lẻ từng doanh nghiệp, chưa thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng, triển khai TMĐT ở quy mô đơn lẻ từng ngành hàng có thể tham gia một “ngày hội” liên kết cung ứng đa dạng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, VECOM đã phối hợp với Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) tổ chức Tuần mua sắm trực tuyến tại website www.TuanMuaSamTrucTuyen.vn từ ngày 14 – 27/11/2011.
Để tham gia bán hàng tại Tuần mua sắm trực tuyến (miễn phí), các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện là kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, có ứng dụng TMĐT ở mức tối thiểu (có website hiện hữu trên Internet, phù hợp pháp luật, chỉ cần có giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, không cần thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao như bán hàng trực tuyến hoặc ứng dụng chữ ký số), là hội viên của VECOM hoặc được Sở Công Thương xác nhận đủ điều kiện tham gia...
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng doanh thu, lợi nhuận, Tuần mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng khẳng định sự hiện hữu của TMĐT, hiểu rõ hơn lợi ích của TMĐT và biết rằng tham gia TMĐT thực ra rất đơn giản.
Khác với những hoạt động mua sắm trực tuyến do doanh nghiệp tự tổ chức trước đây, khi tham gia Tuần mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ giải quyết tranh chấp nếu có khi mua hàng.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét: Trong hoạt động thương mại từ xưa đến nay luôn có thể xảy ra rủi ro. Với mua sắm trực tuyến, khi xảy ra rủi ro sẽ khó giải quyết hơn so với mua sắm truyền thống. Chẳng hạn, một người ở Hà Nội mua qua mạng một mặt hàng trị giá 100.000 đồng từ một doanh nghiệp có trụ sở ở TP.HCM, nếu có vấn đề trục trặc, người tiêu dùng thường “bỏ qua” vì giá trị quá nhỏ, không đáng để công an giải quyết hoặc đưa ra tòa án. Nhưng nay, tại Tuần mua sắm trực tuyến, đa phần doanh nghiệp đều là hội viên của VECOM hoặc đã được Sở Công Thương đứng ra đảm bảo uy tín, sẽ không dại gì “tham món lợi nhỏ” để hy sinh uy tín của mình (doanh nghiệp có thể sẽ bị khai trừ ra khỏi VECOM nếu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng). Với khá nhiều hội viên là công ty luật, đồng thời lại có quan hệ với các cơ quan chức năng như Vụ TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VECOM sẽ có thể nhanh chóng hỗ trợ khách hàng khi gặp rủi ro, tranh chấp…
Với những ưu điểm nêu trên, Tuần mua sắm trực tuyến được đánh giá là “cú hích” cho TMĐT Việt
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tuần mua sắm trực tuyến sẽ được tổ chức hàng năm. “Năm 2011, lần đầu tiên “trình làng”, Tuần mua sắm trực tuyến sẽ kéo dài 2 tuần. Nhưng sau này, khi TMĐT đã trở thành “chuyện bình thường ở huyện” thì có thể sẽ chỉ diễn ra 1 tuần, thậm chí chỉ trong 1 ngày”, ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ thêm.