Có nhiều tình huống tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển ô tô gây ra như xe bất ngờ lao sang làn bên trái, đâm đối đầu với ô tô ngược chiều; xe bất ngờ tăng tốc, "càn quét" hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ phía trước; xe lao như "tên bắn", chồm lên vỉa hè, đâm vào cột điện, cây xanh hay "bay" qua dải phân cách..., trong đó không ít nguyên nhân được xác minh là do tài xế bị ngủ gật.
Tôi năm nay 48 tuổi, đã có 10 năm sở hữu và lái xe hơi. Trải qua nhiều chuyến đi, các loại cung đường từ quốc lộ, đường đèo, đồi núi tới cao tốc, tôi đã không ít lần phải dừng xe lại ngủ từ 5 đến 15 phút rồi mới dám di chuyển tiếp. Điều này dù biết trước khi khởi hành vẫn phải đi do trước đó ngủ chưa đủ giấc.
Khi cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, tôi cũng như các tài xế khác vẫn điều khiển vô lăng nhưng rơi vào trạng thái ngủ, dù mắt vẫn mở, sau đó có thể thiếp đi bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm.
Điều đầu tiên, trước khi cầm vô lăng chạy trên con đường dài, tôi cần ngủ đủ 8 tiếng trở lên. Nếu ít hơn con số đó, kiểu gì tôi cũng sẽ bị cảm giác buồn ngủ, mắt díp lại, dù tìm mọi cách như nhai kẹo cao su, giật tóc, véo tai, hắt nước vào mặt... Vẫn không thoát khỏi buồn ngủ.
Giải pháp hữu hiệu của tôi khi đó là, đành đến chậm một chút, dừng lại dọc đường, tìm bãi đất nào rộng có thể đỗ xe và ngả lưng trên ô tô ngủ từ 10 đến 15 phút. Chỉ cần thế thôi, sau đó tôi có thể lái tiếp cả trăm km nữa trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo.
Tôi cũng sẽ bị tình trạng trên nếu trước khi lái xe uống dù chỉ một hớp rượu hay bia, đặc biệt là vào buổi trưa. Do đó, mỗi lần đi đường dài từ trên 10km, tôi không bao giờ để có nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này tôi thực hiện từ gần chục năm trước khi phát hiện ra những lý do ngồi sau vô lăng mà bị ngáp ngủ.
Một cách lái xe mà tôi cho là "cực kỳ nguy hiểm" nữa là tựa đầu vào ghế trong khi điều khiển ô tô. Trước đây, nhiều lần lái xe ô tô trên đường trường, đặc biệt là các cung đường đẹp, tôi hay tựa đầu vào ghế lái cho đỡ mỏi cổ vai gáy. Đặc biệt là khi tôi mua thêm gối tựa đầu cài vào ghế, vừa với chiều cao tư thế ngồi của tôi, cảm giác khá dễ chịu.
Thế nhưng, một lần đang lái xe về quê trên cao tốc, tôi giật mình hoảng hốt "chệch" tay lái sang hẳn làn trái. Dường như, tôi đã bị "ngủ" một cách vô thức lúc nào không biết, dù cảm giác ấy chỉ xuất hiện chắc 1-2 giây. Cơn buồn ngủ ập đến từ khi nào không biết. Lúc ấy, tôi nhấp vội ngụm cà phê hộp mua sẵn trên xe, tạt vào làn khẩn cấp và dừng nghỉ khoảng 10 phút để "định thần".
Bản thân tôi hễ ngồi xem tivi mà tựa đầu về phía sau là ngủ mất lúc nào không biết, trừ phi trước đó tôi đã ngủ đẫy con mắt, trên 8 tiếng. Kể từ cú "lạng tay lái" đó, tôi cảm thấy "sợ" và phát hiện, hình như, cứ tựa đầu vào ghế lái là tôi có thể bị ngủ gật ngay cả khi đang điều khiển xe ban ngày.
Đó là lý do sau này, dù trong hoàn cảnh nào, khi ngồi điều khiển xe hơi tôi không bao giờ tựa đầu về phía sau. Nếu tựa đầu rồi lỡ ngủ gật, dù chỉ vài giây cũng gây ra hiểm họa khôn lường.
Tôi chia sẻ kinh nghiệm này vì rút ra từ việc xem phim, đọc sách báo hay bị buồn ngủ. Và đương nhiên tôi cũng như mọi người không thể thử tựa đầu khi lái xe được, rất nguy hiểm! Xin bạn đừng thử tựa đầu khi điều khiển xe hơi.
Một số mẹo khác để chống buồn ngủ khi lái xe
Ngủ đủ từ 7 tiếng mỗi ngày
Tập thói quen ngủ theo lịch trình nhất định.
Nếu bị rối loạn giấc ngủ hoặc có các triệu chứng như ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc buồn ngủ vào ban ngày, hãy nói chuyện với bác sĩ để điều trị.
Trước khi lái xe, tránh uống những loại nước hay thuốc có thể gây buồn ngủ, theo CDC Mỹ.
Ai có nguy cơ lái xe khi buồn ngủ?
Người có nguy cơ lái xe khi buồn ngủ cao nhất bao gồm:
+ Thanh niên
+ Đàn ông
+ Công nhân làm theo ca
+ Lái xe hàng
+ Khách du hành thường xuyên.
Ngoài ra còn có người:
+ Làm việc nhiều giờ
+ Ngủ không đủ giấc
+ Uống thuốc gây ngủ
+ Uống rượu, bia
+ Có vấn đề về giấc ngủ không được điều trị
Khi nào nên dừng xe nghỉ ngơi để tránh ngủ gật sau vô lăng?
Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ngủ gật bạn nên chú ý khi đang lái xe:
- Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đầu óc mơ màng, phân tán
- Khó tập trung, nháy mắt liên tục và mí mắt trĩu nặng
- Ngáp không dừng và dụi mắt liên tục, chảy nước mắt, thở nông
- Cảm thấy mơ màng, đi chệch làn đường, lái xe chuệch choạng, tốc độ không ổn định...
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên, bạn hãy dừng xe lập tức để đảm bảo an toàn. Cách xử lý tốt nhất là tấp ngay vào vị trí an toàn (điểm nghỉ) và ngả ghế nhắm mắt thư giãn hoặc hẹn giờ đồng hồ ngủ 1 giấc ngắn 10-15 phút, để cho cơn buồn ngủ trôi qua.
Không nên dừng xe ở lề đường, làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc những chỗ quá vắng vẻ. Xung quanh cây xăng hay trạm dừng nghỉ bên đường là những nơi có thể đỗ an toàn để nghỉ.
Độc giả Thảo Nguyên
Bạn có ý kiến gì về kinh nghiệm trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!