Cộng đồng ô tô những ngày gần đây bàn luận sôi nổi về trường hợp chiếc Honda City được showroom ô tô cũ báo là đã chạy 6,6 vạn km nhưng sau khi kiểm tra lại phát hiện con số thực tế là trên 18 vạn km. Như vậy, chiếc xe này đã đi gấp gần 3 lần công-tơ-mét hiển thị trên xe, khiến người mua và những người đọc thông tin đều bức xúc.
Nhưng câu chuyện "tua" ODO không hề mới tại Việt Nam, thậm chí không hề quá khi nói rằng chuyện này như cơm bữa.
30 giây để có số ODO tùy ý
Chỉ với một thiết bị như chiếc máy tính bảng, kết nối với xe thông qua cổng ODB (hệ thống chẩn đoán tích hợp, thường nằm gần vị trí đầu gối trái của người lái trên xe) là người thợ có thể thay đổi công-tơ-mét thành bất kỳ con số nào mà mình muốn. Mọi việc diễn ra chỉ trong 30 giây, với vài thao tác như chọn tính năng, chọn hãng xe và nhập số ODO cần đổi.
Với các dòng xe phổ thông, gần như không có máy móc, thiết bị nào có thể kiểm tra và phát hiện ra. Ngay cả với một số mẫu xe sang, những "phù thủy" trong nghề cũng hoàn toàn can thiệp được, vấn đề chỉ là thời gian và chi phí để thực hiện.
"Check hãng" có ra vấn đề?
Thông thường khi mua xe mới, khách hàng sẽ có xu hướng đại lý chính hãng để làm bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa khi gặp vấn đề. Kỹ thuật viên sẽ ghi lại các thông số của xe khi đăng ký làm dịch vụ, trong đó có bao gồm ngày giờ vào xưởng, số công-tơ-mét hiển thị trên xe tại thời điểm đó.
Bản chất của "check ODO hãng" thực ra chỉ là xem lịch sử bảo dưỡng của phương tiện đó tại các cơ sở này chứ cũng không hề có máy móc, thiết bị nào đọc và xác định được đúng số công-tơ-mét thật.
Như vậy, nếu chủ xe không làm bảo dưỡng trong hãng hoặc làm ngắt quãng thì việc "check hãng" cũng không chắc nói lên điều gì. Trường hợp phức tạp hơn là mỗi lần vào xưởng chính hãng để làm dịch vụ thì xe đã "tua" ODO từ trước thì con số cũng bị sai. Đương nhiên, với một chiếc xe có lịch bảo dưỡng đều đặn, đúng hạn thì cũng sẽ yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, "check hãng" không chỉ có kiểm tra mỗi số ODO mà các đơn vị này có thể giúp xem nhiều thông số khác của xe, bao gồm kiểm tra đâm đụng, ngập nước, máy móc có còn nguyên bản, các tính năng và vận hành của xe có còn tốt? Do đó, việc check hãng là điều nên làm khi mua xe cũ nhưng không có nghĩa nó đúng 100%.
"Tua" ODO - chuyện như cơm bữa
Khách hàng khi mua ô tô cũ đều muốn chọn những chiếc xe mới, chạy ít. Các showroom nắm bắt được tâm lý này nên đã "tua" công-tơ-mét để dễ "chốt đơn" hơn, xe bán được giá hơn. Với cùng một mẫu ô tô với nội thất, ngoại thất và chất xe như nhau, khả năng cao là khách sẽ chọn chiếc nào có ODO thấp hơn.
Sự cạnh tranh giữa các showroom với nhau khiến việc "tua" ODO trở thành chuyện như cơm bữa. Ai cũng muốn xe mình bán được nhanh hơn, bán được giá tốt hơn của đối thủ nên cửa hàng A tua lùi 2 vạn thì cửa hàng B phải tua lùi 3 vạn để "trông cho mới". Thậm chí, người trong nghề nói rằng showroom nào cũng trang bị máy móc để tự làm việc này.
Nhưng cũng phải trách cả người dùng khi không thực sự tỉnh táo, từ việc đặt niềm tin không đúng chỗ đến suy nghĩ sẽ tìm được món hàng hội tụ cả 3 yếu tố "ngon-bổ-rẻ". Chẳng hạn, một chiếc xe đi 3 năm mà chỉ chạy 1,8 vạn km thì rõ ràng là ít hơn bình thường. Dĩ nhiên vẫn có những trường hợp như thế nhưng con số có phần bất thường thì nên cảnh giác.
Thứ 2 là mua xe cũ mà quá tin vào số ODO. Ngay cả thợ cũng có thể mua phải những chiếc xe đã bị "tua" công-tơ-mét vì trước khi bán, chủ xe đã can thiệp vào việc này. Xong rồi nhập xe, chiếc đó lại tiếp tục được "tua" trước khi bán cho chủ tiếp theo. Bởi vậy, hãy coi ODO là con số tham khảo, cần kiểm tra từ nhiều nguồn để tìm hiểu.
Mua xe cũ cần quan tâm gì?
ODO chỉ là một chỉ số để người dùng tham khảo và nó không nên là yếu tố quyết định tới lựa chọn khi mua xe cũ, trừ khi nắm rõ được nguồn gốc và đảm bảo rằng số trên công-tơ-mét là thật. Nhưng ngay cả với một chiếc xe đi ít thì vẫn cần kiểm tra các yếu tố kỹ thuật như khung gầm, động cơ, xe có bị ngập nước hay can thiệp vào máy móc không?
Khi mua xe cũ, có thể chi thêm vài trăm nghìn tới vài triệu đồng để nhờ dịch vụ kiểm tra của bên thứ ba, nhất là nếu có thợ quen. Kiểm tra thêm ở trong hãng để nắm được lịch sử bảo dưỡng, bởi nếu chủ xe là người cẩn thận thì thường sẽ làm dịch vụ trong hãng theo các mốc mà nhà sản xuất khuyến cáo.
Ngoài ra, nên mua xe tại những nơi uy tín, có cam kết bằng văn bản về chất lượng xe, có bảo hành cho người mua. Nhưng ngay cả như vậy, việc kiểm tra chéo là không thừa. Hãy tiến hành bước kiểm tra chéo trước khi đặt cọc hoặc trước khi giao tiền làm thủ tục, tránh giao toàn bộ tiền trước sẽ tự đẩy mình vào thế khó.
Theo Dân Trí
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!