- Vào hồi 20/9/2017, chị T (chị T là cùng cha khác mẹ với tôi) có thuê một số đối tượng tự ý dỡ nhà tôi chưa được sự đồng ý của tôi. Tôi đã báo công an và các đồng chí công an đã lên lập biên bản đình chỉ vụ việc. Tiếp theo ngày 21/9/2017, họ lại lên tiếp tục tháo dỡ (chị T cho cả mẹ đẻ lên để làm tấm bình phong (chỉ đạo). Tuy nhiên, các đồng chí công an lại lên lần 2 để đình chỉ vụ việc. Hiện nay, ngôi nhà của tôi đã bị tháo dỡ một phần (theo nhận định tài sản bị hủy hại đã trên 2.000.000đ).

Vậy luật sư cho tôi hỏi:

1, Với các hành vi trên thì chị T có phạm vào tội hủy hại tài sản không?

 2, Nếu phạm vào tội hủy hại tài sản thì có tổ chức không?

 3, Các đối tượng trên nếu bị đưa ra xét xử thì bị phạt tù bao nhiêu năm?

Kính mong luật sư cho tôi biết, tôi xin chân thành cảm ơn. 

{keywords}
Nhà tôi bị chị tự ý tháo dỡ (Ảnh minh họa)


Việc có tổ chức hay không sẽ phụ thuộc vào việc điều tra làm rõ giữa chị T và nhóm đối tượng này có sự bàn bạc, trao đổi, phân công trước khi thực hiện các hành vi vào ngày 20 và 21/9/2017 hay không? Nếu giữa chị T và nhóm đối tượng này có sự gặp nhau, trao đổi, bàn bạc, phân công, phân nhiệm trước khi thực hiện hành vi nói trên, thì chắc chắn là có tổ chức. Nếu chỉ đơn giản là yêu cầu từ chị T đối với nhóm người kia theo hình thức 1 câu nói như “đến phá nhà hay đến dỡ nhà…” thì đó chỉ là sự đồng phạm giản đơn.Với những dữ kiện mà bạn cung cấp, nhóm người kia đã có hành vi tụ tập đông người, ngang nhiên xâm hại đến tài sản thuộc sở hữu của người khác là dấu hiệu cơ bản của “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, theo quy định tại Khoản 1 Điều 143 BLHS 2009.

Vì thông tin bạn cung cấp còn hạn chế như chưa xác định được việc có gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bạn hay gia đình bạn như thế nào? Chúng dùng dụng cụ, phương tiện gì để gây hư hỏng, hủy hoại tài sản của bạn cũng chưa được nêu rõ. Bởi vậy nên chúng ta chỉ xem xét ở mức cơ bản nhất của vi phạm này ở góc độ hình sự thì theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS 2009, mức hình phạt như sau: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.         

Ở đây, để xác định được mức độ nguy hiểm của hành vi và chế tài tương ứng thì cần làm rõ các nội dung như sau:

- Căn nhà là sở hữu hợp pháp của cá nhân bạn hay sở hữu chung?

- Bị tháo dỡ phần nào? Mái hiên, hàng rào hay công trình phụ…

- Số người tham gia tháo dỡ? Họ đến tháo dỡ có gây to tiếng, lăng mạ hoặc làm ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh hay không?

- Tài sản bị tháo dỡ là những tài sản gì? Có còn giá trị sử dụng hay không? Tháo dỡ bằng cách đập phá hay đốt? Sau khi bị tháo dỡ ra, thì những tài sản này có còn tái tạo sử dụng lại được không?

- Việc tháo dỡ nhà của chị T và những đối tượng kia, có làm ảnh hưởng đến đời sống hoặc vì sự tháo dỡ này mà bạn hoặc gia đình (những người sống phụ thuộc vào căn nhà này) của bạn bị sự cố bất ngờ, ngoài ý muốn hay không?

- Công an đến lập biên bản, nhưng là công an phường hay quận? Đình chỉ về vấn đề gì hay là Biên bản ghi nhận sự việc, biên bản hiện trường?

- Việc bạn cho rằng tài sản của mình thiệt hại trên 2.000.000 VNĐ căn cứ vào đâu? Bạn ước lượng hay một đơn vị giám định độc lập tính ra giá trị bị thiệt hại?

Làm sáng tỏ các nội dung trên thì mới xác định được bản chất của hành vi vi phạm của nhóm người kia đồng thời định được sự vi phạm và chế tài để pháp luật điều chỉnh tương ứng. 

Tư vấn bởi Ls.Nguyễn Thành Công - Cty Đông Phương Luật, ĐLS. TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc