Khai thác cát, sỏi tàn phá sông Lục Nam
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, dọc theo đoạn sông Lục Nam chảy qua các xã An Bá, Yên Định, Cẩm Đàn ngược lên thị trấn An Châu (huyện Sơn Động), có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc tàu, sà lan ngang nhiên hút cát, sỏi.
Tại các điểm khai thác, một nhóm người miệt mài điều khiển tàu cuốc cỡ lớn đào xới lòng sông khai thác cát sỏi khiến người chứng kiến không khỏi xót xa trước cảnh tượng lòng sông bị nạo vét, đào xới tới mức biến dạng.
Hoạt động này cũng khiến dòng chảy của sông Lục Nam bị thay đổi. Không dừng lại ở đó, có nhiều đoạn, các đơn vị khai thác khoáng sản còn tự ý đắp đập, ngăn sông làm đường, nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển khoáng sản về nơi tập kết.
Theo người dân ở đây, hiện tượng này tồn tại từ hơn 10 năm nay, mặc dù chính quyền các cấp nhiều lần kiểm tra, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mọi hoạt động lại diễn ra như cũ và với cường độ ngày càng nhiều hơn.
Ông N.T.C. (một người dân ở xã An Bá) cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra cả ngày, khiến cuộc sống sinh hoạt, cũng như môi trường quanh xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Việc tàu cuốc hoạt động, tuyển rửa cát sỏi ngay dưới lòng sông, khiến dòng nước luôn đục ngầu. Không dừng lại ở đó, việc vận chuyển hàng hóa, đoàn xe tải nối đuôi nhau khiến tuyến đường ngày một xuống cấp, bụi bay mù trời”, ông N.T.C cho biết.
Sông Lục Nam có vị trí quan trọng trong việc phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, cũng như thúc đẩy giao lưu kinh tế, đời sống nhân dân 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, dòng sông Lục Nam đang bị “bức tử” một cách không thương tiếc.
Xử lý rồi lại vi phạm
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) thừa nhận có việc vi phạm của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
“Do sông Lục Nam không có bờ đê nên các đơn vị khai thác khoáng sản tận dụng lòng sông làm bãi tập kết, việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của dòng chảy, nhất là vào mùa mưa. Đáng lo ngại nhất là việc các doanh nghiệp tự ý ngăn dòng chảy của sông Lục Nam”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, nhiều lần huyện cũng đã tổ chức kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn còn tồn tại.
“Trên địa bàn huyện có 5 đơn vị khai thác khoáng sản (cát sỏi) dưới lòng sông Lục Nam. Hiện chúng tôi đang yêu cầu 5 đơn vị này thực hiện khơi thông dòng chảy, san lấp các ụ, mô đá do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để lại tại lòng sông và hai bên bờ sông. Lắp đặt trạm cân, camera giám sát, cắm mốc tọa độ theo giấy phép khai thác đã được cấp”, ông Thắng cho biết.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn dòng chảy, tránh xói lở đất hai bên bờ sông trong mùa mưa, bão làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, UBND huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông tạm dừng khai thác từ ngày 15/6 đến 31/10. Sau khi bước vào khai thác, các tổ chức, cá nhân, phải báo cáo UBND huyện thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường.