Đi ăn phải trả tiền, đó là quy luật bất thành văn không cần phải tranh cãi. Thế nhưng việc gì cũng có thể xảy ra và đáng buồn là tình trạng một số vị khách sau khi ăn uống xong thì thản nhiên "bùng" tiền dưới nhiều hình thức vẫn liên tục xảy ra như: chây ỳ, mặc kệ chủ và nhân viên quán hối thúc đòi tiền và tỏ ra thách thức vì biết rằng nếu chủ quán giữ mình lại, sẽ bị xử lý tội giam giữ người trái phép; hay lợi dụng quán đông khách rồi lẳng lặng "chuồn" khiến nhân viên phục vụ khóc dở mếu dở vì phải móc túi ra trả thay…

Từ vụ thiếu nữ bùng tiền ăn: Chủ quán được làm gì để tránh lao lý? - 1

Hình ảnh cô gái sau khi gọi đầy một bàn ăn mà không có ý định trả tiền.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một gái xinh đẹp, ăn mặc lịch sự đi một mình vào quán ăn gọi rất nhiều đồ, nhưng đến lúc đi về thì lại không có ý định trả tiền mà còn buông lời thách thức, cự cãi với chủ quán. Khi bị quay lại clip, cô gái này cũng không tỏ vẻ xấu hổ hay lo lắng, vẫn bình thản ngồi tại bàn ăn.

Dù khá giận dữ trước thái độ và cách cư xử của vị khách xinh đẹp này, tuy nhiên, chủ quán vẫn giữ bình tĩnh và gọi Công an đến nhờ giải quyết.

Từ vụ việc này, nhiều người liền liên tưởng ngay đến "hotgirl quỵt tiền" Bella - Đ.T.H. - người được biết đến từ những "phi vụ" bùng tiền ăn, tiền nhà nghỉ, tiền taxi,… Khoảng đầu năm 2015, Bella bắt đầu "nổi tiếng", kể từ đây, cô được xem như "cơn ác mộng" của nhiều chủ tiệm, chủ nhà nghỉ, khách sạn.

Trước đó, mạng xã hội cũng từng xôn xao về bài viết của một nhân viên quán hải sản, "bóc phốt" một gia đình vào ăn với hóa đơn hơn 1 triệu đồng nhưng lựa thời cơ nhân viên không để ý đã bỏ về. Dĩ nhiên hậu quả là các bạn phục vụ hôm đó phải đền số tiền trên cho nhà hàng.

Sau khi vụ việc trở nên rầm rộ hơn, một thành viên trong gia đình này đã lên tiếng để trần tình. Theo đó, cô gái cho biết lí do cô "quên" trả tiền đó là bởi nhà hàng phục vụ kém và đồ ăn không ngon nên lúc đó tức giận bỏ về. Và dĩ nhiên lời giải thích có phần gượng ép này chẳng thế nào làm hài lòng được cư dân mạng khi họ vẫn để lại những bình luận thể hiện sự bất bình dưới bình luận của cô gái.

Khách không trả tiền, chủ quán phải làm gì để tránh lao lý?

Với trường hợp khách không trả tiền và lẳng lặng bỏ về, chủ quán chỉ còn cách trích xuất camera và đăng lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng mạng tìm người. Còn với những vị khách có ý định bùng tiền và chưa kịp rời khỏi quán, chủ quán có được phép giữ người lại đến khi họ chịu trả tiền không?

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, thuật ngữ Dine and Dash trong lĩnh vực nhà hàng có nghĩa là khách ăn xong rồi bỏ đi, không thanh toán tiền. Đây là hành vi sai trái mà một số nước xem là hành vi ăn cắp và phải bị trừng phạt.

Tuy nhiên nhìn chung các nước đều xác định hành vi ăn rồi bỏ đi, không thanh toán tiền không phải là một loại tội phạm, mà mang tính chất vi phạm và thiếu văn hóa. Do đó, cảnh sát ở một số quốc gia sẽ không nhập cuộc trong trường hợp này mà nhà hàng phải tự xử lý và chịu các thiệt hại, nếu có.

Luật sư Lực cho rằng, nếu bắt được khách ăn mà không trả tiền thì phải kiểm soát tình huống một cách tối ưu. Đòi nợ thô bạo không phải là cách giải quyết trong mọi trường hợp.

Đừng nghĩ rằng họ là kẻ trộm mà cho nhân viên đánh đập khách. Làm ầm ĩ mọi việc tại nhà hàng không phải là chuyện tốt, thậm chí còn có thể khiến bản thân vướng vòng lao lí như vụ việc mới xảy ra tại quán The Cirlce ở 33 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ vụ thiếu nữ bùng tiền ăn: Chủ quán được làm gì để tránh lao lý? - 2

Làm ầm ĩ mọi việc tại nhà hàng không phải là chuyện tốt, thậm chí còn có thể khiến bản thân vướng vòng lao lí.

Khách hàng sau khi nhận được hóa đơn thanh toán nhưng không có tiền trả, nhóm quản lý và nhân viên của quán đã giữ người này lại, yêu cầu gọi người nhà đến phải trả tiền mới được về. Vị khách sau đó đã làm đơn tới Công an quận Hoàn Kiếm trình báo bản thân bị một số đối tượng bắt giữ người trái pháp luật. Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 5 đối tượng làm việc tại quán về hành vi giữ người trái pháp luật.

Theo luật sư Lực, hành động đi ăn nhưng không trả tiền rõ ràng là trái đạo đức, trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Người này có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình nhưng phải phù với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền và phải đảm bảo không được trái pháp luật.

Chủ quán có thể yêu cầu người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc tạm giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ. Hoặc chủ quán cần báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý về hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khách theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Trong khoảng thời gian chờ cơ quan công an đến xử lý vụ việc thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

(Theo Dân Trí)