TS Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1988) là cựu sinh viên lớp Kỹ sư tài năng Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Hiện anh đang là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia (Australian National University – ANU).
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu. Ảnh: Lannon Harley |
Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của anh đã được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia cấp khoản tài trợ lên tới 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) cho dự án phát triển pin Mặt trời thế hệ mới.
Tính từ năm 2016 đến nay, anh nhận được số tiền tài trợ nghiên cứu khoảng 6,8 triệu AUD (khoảng 115 tỷ đồng) trong vai trò trưởng hoặc đồng trưởng dự án.
TS Hiếu cũng vừa được vinh danh ở giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới).
Động lực vượt lên người bản xứ
Sinh ra ở mảnh đất An Giang, Trọng Hiếu cho biết, từ những năm cấp 3, dù học ở trường huyện nhưng trong anh luôn ấp ủ ước mơ được bước vào cánh cửa đại học của một ngôi trường danh tiếng trên thế giới.
“Khi ấy, gia đình tôi cũng không mấy khá giả. Do đó, để cho con được đi học đại học ở Việt Nam cũng đã là một vấn đề lớn”.
Vì thế, Hiếu luôn cố gắng chăm chỉ học hành để lấy được học bổng khuyến khích của trường. Năm lớp 12, anh từng giành giải Ba quốc gia môn Toán, sau đó trúng tuyển vào lớp Kỹ sư tài năng Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với số điểm 29,5/30.
“Lên tới đại học, tôi vẫn giữ mục tiêu phấn đấu học tập để có thể kiếm được học bổng du học”.
Vì thế, hôm nào, Hiếu cũng về nhà rất muộn. Hay những ngày cuối tuần, thay vì nghỉ xả hơi, anh thường một mình tới phòng lab để làm thí nghiệm.
Với những nỗ lực ấy, đến hết năm thứ 2 đại học, Trọng Hiếu lọt vào top 3 sinh viên xuất sắc nhất của khoa và giành được suất học bổng toàn phần để theo học 2 năm cuối tại Trường ĐH Portland, bang Oregon (Mỹ).
TS Nguyễn Trọng Hiếu hiện là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia.
Một điều may mắn, Hiếu nói, 2 năm đầu học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã trang bị cho anh những nền tảng kiến thức khá vững chắc. Do đó, anh không gặp quá nhiều khó khăn khi theo đuổi chương trình học tiếp nối tại Mỹ.
“Quả thực, môi trường ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho chúng tôi khá nhiều. Không chỉ có các giáo sư hỗ trợ, nếu chưa nắm được hết kiến thức trong bài giảng, sinh viên hoàn toàn có thể đặt các cuộc hẹn trực tiếp với các trợ giảng để được giải đáp thắc mắc. Ngoài ra, máy móc, dụng cụ tại đây cũng khá đầy đủ, do đó, mình có thể tận dụng để học tập và nghiên cứu”.
Tất nhiên, cũng có những điều không mấy thuận lợi mà kỹ sư 8X từng gặp phải. Ví dụ như khi mới qua, trong một nhóm thảo luận, vì khả năng nói tiếng Anh còn kém, những ý kiến đóng góp của Hiếu không được đề cao.
“Đó cũng chính là động lực khiến tôi phải cố gắng mỗi ngày. Tôi cho rằng, với một sinh viên quốc tế, nếu chỉ làm được những điều giống như những người bản xứ thì chắc chắn họ sẽ được ưu tiên hơn.
Do đó, tôi luôn cố gắng để mình phải nổi bật hơn ở mọi mặt. Thay vì trở về nhà lúc 5 – 6 giờ chiều, tôi thường dành cả buổi tối và những ngày cuối tuần để tới phòng thí nghiệm. Sau 1 – 2 kỳ học, thành tích học tập của tôi cũng cải thiện hơn và bắt đầu được chú ý”.
Nhờ những nỗ lực ấy, đến giữa năm 2011, Trọng Hiếu tốt nghiệp danh hiệu cao nhất (Summa Cum Laude) toàn trường với điểm GPA đạt 3.97/4.0.
Tiến sĩ Hieu Nguyen và đồng nghiệp (Nguồn ảnh: Đại học Quốc gia Úc). |
Năm 2012, anh tiếp tục giành học bổng toàn phần tiến sĩ của ĐH Quốc gia Australia về nghiên cứu vật liệu bán dẫn cho pin Mặt trời. Trong lúc làm tiến sĩ, anh là tác giả chính của 10 bài báo đăng trên tập san quốc tế - một kỷ lục của khoa cho đến nay.
“Sở dĩ, tôi quyết định đi theo hướng nghiên cứu này vì ở thời điểm 10 năm về trước, việc cần phải tìm ra một nguồn năng lượng mới thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống là một vấn đề nóng. Với kiến thức nền tảng được trang bị là công nghệ bán dẫn, tôi nghĩ rằng hướng đi này sẽ đem lại nhiều lợi ích trong tương lai”, anh Hiếu nhớ lại.
Nhận tài trợ “khủng” để phát triển pin Mặt trời
Tuy nhiên, trong khi đa số các nghiên cứu tập trung vào việc cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin Mặt trời, anh Hiếu lại trăn trở về việc cải tiến lớp màng mỏng bên trên của pin để tăng hiệu suất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của anh còn tập trung vào các phương pháp đo đạc ngay từ những khâu đầu tiên để phát hiện ra các lỗi trong pin.
Hiện phương pháp đo đạc của nhóm được rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới sử dụng như Đại học New South Wales, Đại học Sydney, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Hoa Kỳ,…
Gần đây nhất, TS Nguyễn Trọng Hiếu cùng nhóm các nhà khoa học tại ĐH Quốc gia Australia đã tìm ra phương pháp để tăng hiệu suất chuyển đổi quang năng thành điện năng của pin thông qua việc nâng cao chất lượng thành phần vật liệu, giúp chúng liên kết với nhau và nhận ánh sáng Mặt trời nhiều hơn.
Nhóm của anh cũng đã được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia cấp khoản tài trợ lên tới 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) để phát triển nghiên cứu dụng cụ đo lường cho các pin mặt trời thế hệ mới này.
Tính từ năm 2014, đến nay, TS. Nguyễn Trọng Hiếu đã có 72 công bố trên tập san quốc tế. Anh sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm quang học tại ĐH Quốc gia Australia. Theo anh, khó khăn nhất vẫn là những công bố đầu tiên.
Bài báo đầu tiên của Hiếu từng 2 lần bị từ chối, đến bài báo thứ hai cũng vậy. Nhưng anh Hiếu cho rằng, khó khăn chỉ là giai đoạn ban đầu. Khi đã có kinh nghiệm, mình sẽ không vấp phải những lỗi sai thường mắc.
“Tất nhiên, trên con đường làm nghiên cứu cũng không tránh khỏi những giai đoạn bế tắc. Ví dụ như trong giai đoạn vừa học xong tiến sĩ vào năm 2016, tôi từng đứng trước ngã rẽ không biết đi đâu về đâu. Trong suốt 3 năm tiến sĩ, tôi chỉ tập trung vào mảng đề tài của mình mà không chú ý đến những điều xung quanh. Vì thế, đến khi tốt nghiệp, tôi gần như mất phương hướng.
Khoảng thời gian đó, tôi chỉ làm những dự án lẻ tẻ, ai nhờ gì làm nấy. Tuy vậy, khó khăn nhưng cũng là điều may mắn, những kiến thức sau 1 năm ấy cũng đã giúp ích cho tôi rất nhiều và tạo tiền đề để tôi lập ra một nhóm nghiên cứu của riêng mình” - anh Hiếu nhớ lại.
TS Nguyễn Trọng Hiếu cũng cho rằng, chỉ chăm chỉ, siêng năng thôi là chưa đủ. Điều quan trọng, mỗi người cần phải lựa chọn và kiên quyết đi theo con đường mình mong muốn theo đuổi.
“Đến khi bắt đầu có chỗ đứng trong lĩnh vực nhất định, tôi tin rằng sẽ có nhiều đối tác tìm tới mình và đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn”.
Trong tương lai, TS Hiếu vẫn mong muốn theo đuổi những nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực pin Mặt trời, từng bước khai thác tiềm năng của quang điện như một nguồn năng lượng sạch, giá cả phải chăng và bền vững.
Thúy Nga
Người Việt thứ ba giành giải thưởng Noam Chomsky
Tiến sĩ gốc Việt - Trần Lê Hữu Nghĩa là đại diện thứ 3 của Việt Nam nhận được giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky. Anh hiện là nghiên cứu viên tại Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Quốc gia Úc (ANU)
Nữ trưởng khoa tuổi 27 từ chức để 'làm lại từ đầu'
TS Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1978) đã chọn cách ra đi sau hơn 9 năm công tác để bắt đầu lại con đường nghiên cứu sâu hơn về giáo dục đại học.
Tiến sĩ Việt trong top 5 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Úc
Trước khi được vinh danh là một trong 5 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Úc, TS Nông Ngọc Duy nói mình từng phải làm việc không dưới 80 tiếng mỗi tuần, thậm chí 14 tiếng mỗi ngày.