1.jpg.jpg

Hiệu quả sâu rộng

Theo ông Tôn, hiện toàn tỉnh Lào Cai có 42/59 cơ quan nhà nước có mạng LAN với 3.954 máy tính, trong đó 2.768 máy đã kết nối Inernet ADSL; 100% các sở, ban, ngành kết nối Internet, tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt 70%; 164/164 xã, phường đã được đầu tư máy tính hỗ trợ công việc với 104/144 xã có kết nối Internet phục vụ hoạt động tác nghiệp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức. Đầu tư hạ tầng CNTT ở khối doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, khối doanh nghiệp có 9.576 máy tính, trong đó 796 máy được nối mạng và cài đặt phần mềm quản lý doanh nghiệp.

Đáng chú ý năm 2008, sau thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với Microsoft Việt Nam về việc hỗ trợ xây dựng Hệ thống thông tin Chính phủ điện tử tại Lào Cai, Hệ thống Cổng thông tin điện tử (TTĐT), Cổng thông tin điều hành và hệ thống dịch vụ công với kỹ thuật xây dựng hiện đại dựa trên nền tảng khung giải pháp chính phủ điện tử liên kết (CGF) của Microsoft được đưa vào hoạt động. Đến nay đã có trên 35 sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện cung cấp thông tin trên Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai và Cổng thông tin điều hành với trên 1.000 thủ tục hành chính công được cung cấp. Kênh Hỏi- Đáp trực tuyến của Cổng đã thực sự trở thành cầu nối giữa chính quyền tỉnh Lào Cai với người dân, đã có gần 3.000 câu hỏi không chỉ của công dân trong tỉnh mà còn có các tổ chức và cá nhân là người nước ngoài.

Đến nay cũng đã có 35 đơn vị (Văn phòng UBND, HĐND tỉnh, các Sở, Ban, ngành và UBND huyện/thành phố) sử dụng thuần thục, có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản đi, đến và đang dần từng bước thực hiện xử lý hồ sơ công việc thông qua phần mềm; Thiết lập hơn 3.000 hộp thư điện tử (mail.laocai.gov.vn) cho cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước sử dụng trao đổi thông tin công việc.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động từ năm cuối năm 2009 đã đem đến một phương thức tác nghiệp mới đối với các cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giảm được thời gian, chi phí đi lại cho các cá nhân, tổ chức với 23 dịch vụ đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế; đăng ký con dấu và cấp phép... Hệ thống giao ban trực tuyến được đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả với 50% các cuộc họp chỉ đạo điều hành giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND các huyện, thành phố đã được thực hiện trên môi trường mạng...

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nên việc thu hút nguồn nhân lực CNTT là một bài toán khó. Chính vì vậy, Lào Cai đã quan tâm thực hiện đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Sau 10 năm triển khai, đến nay tỷ lệ cán bộ công chức thuộc các cơ quan cấp tỉnh có trình độ tin học văn phòng đạt 70%, các cơ quan cấp huyện đạt 50%. Mỗi cơ quan, đơn vị đều được UBND tỉnh biên chế từ 1-2 cán bộ chuyên trách về CNTT.

Từ những nỗ lực trên, năm 2009 mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT - chỉ số ICT index của Lào Cai đã đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những rào cản

Theo ông Tô Trọng Tôn, việc bố trí ngân sách cho phát triển và ứng dụng CNTT hiện tuỳ thuộc vào khả năng ngân sách của từng địa phương, vì vậy rất khó khăn về nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu ứng dụng CNTT của quốc gia và của tỉnh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 102/2009/NÐ-CP ngày 6/11/2009 về Quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, song việc triển khai thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu các thông tư hướng dẫn thực hiện. Hiện nay các chi phí, nhiều định mức, đơn giá vẫn phải thực hiện theo Luật xây dựng vừa không phù hợp, vừa khó khăn trong việc thực hiện,

“Là một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, mặc dù UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT song công tác tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT gặp nhiều khó khăn. Không những thế, trong vài năm trở lại đây Lào Cai còn phải đối diện với tình trạng chảy máu chất xám-cán bộ CNTT trong các cơ quan nhà nước chuyển sang các doanh nghiệp hoặc chuyển về các thành phố lớn làm việc. Công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT đã được quan tâm song kinh phí còn dàn trải, phân tán chưa lồng ghép được các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu và của các bộ ngành để tập trung cho các mục tiêu quan trọng theo chiến lược của quốc gia”, ông Tôn nói.

Để việc ứng dụng CNTT trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, theo ông Tôn, Lào Cai sẽ tập trung lựa chọn các lĩnh vực mà khi triển khai các ứng dụng CNTT sẽ mang lại hiệu quả rộng rãi như xây dựng Cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý hồ sơ công văn công việc, hệ thống thư điện tử… trong các cơ quan nhà nước, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ doanh nghiệp. Cùng đó, sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo và triển khai hệ thống liên kết trong đào tạo, thực hiện đào tạo nhiều cấp độ (đào tạo chuyên gia, đào tạo kỹ thuật viên và đào tạo phổ cập), chủ động bắt tay với các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm về CNTT để tranh thủ nguồn lực, công nghệ, giúp địa phương lựa chọn giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả cao...

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 117 ra ngày 29/9/2010.