Bóng đá Việt Nam vừa chạm vào cột mốc lịch sử: Huy chương vàng Sea Games 30 sau 60 năm chờ đợi.
Khỏi phải nói, chiến công vang dội ấy của U22 làm nức lòng người hâm mộ cả nước, khiến bầu bạn trong khu vực và thế giới phải ngả mũ thán phục.
Cách đây hai năm trở về trước, chúng ta vẫn mơ nhưng đều là những giấc mơ vỡ vụn, và thật không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, bóng đá nam cấp các đội tuyển (U22, U23, Tuyển quốc gia) như lột xác.
Thành công vượt bậc đó của bóng đá nước nhà, trước hết phải nói đến vài trò của người cầm quân - huấn luyện viên Park Hang Seo.
Người hâm mộ cả nước đều biết rất rõ, khi ông Park chưa đến Việt Nam, các đội tuyển cấp quốc gia, dù là thầy nội hay thầy ngoại dẫn dắt, dù rất nỗ lực nhưng không thể có sự tiến bộ vượt bậc và bền lâu. Phong độ các đội tuyển thất thường và cũng không ít chuyện ỳ xèo, thậm chí có cả việc bán độ.
Những phẩm chất mà Huấn luyện viên Park Hang Seo đã bộc lộ cũng chính là những tiêu chí cần có của người đứng đầu trong các lĩnh vực khác. |
Khi ông Park được trao trọng trách, cũng những lứa cầu thủ ấy bỗng dưng lột xác. Ông Park không có tài “cải lão hoàn đồng”, không có phép mầu dù ông vẫn được gắn cho biệt danh “bậc thầy phù thủy” nhưng ông hội đủ những tố chất, điều kiện mà chưa một HLV tuyển Việt Nam nào trước đây có được.
Đó là việc ông được trao toàn quyền trong vai trò của một huấn luyện viên, trong đó quyền quan trọng nhất là quyền lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển. Ông không bị chi phối, ràng buộc, không bị áp lực trong việc chọn người, điều mà trước đó vẫn xảy ra đối với các HLV tiền nhiệm. Ông là người có con mắt tinh đời. Những cầu thủ mà ông chọn đều chứng tỏ được mình về chuyên môn cũng như đạo đức, tinh thần trách nhiệm đối với đội tuyển.
Ông đã từng nói: “Các cầu thủ là con của tôi. Tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ”.
Khi đã được trao quyền “tự chủ” như vậy cũng như trong công việc hằng ngày hay trong thi đấu, ông là người toàn tâm toàn ý, hết sức nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. “Tôi đang mặc chiếc áo có cờ Việt Nam và tôi thấy mình phải có trách nhiệm tuyệt đối với lá cờ ấy, dù tôi là người Hàn Quốc”, ông Park khẳng định.
Mới đây, trả lời báo chí sau khi đưa U22 Việt Nam lên bục cao nhất của bóng đá Đông Nam Á, ông nhắc lại điều đó một lần nữa: “Là một nhà cầm quân Hàn Quốc, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trên cương vị HLV trưởng ĐTQG Việt Nam”.
Nhưng tâm huyết, trách nhiệm chưa đủ để ông giúp các đội tuyển Việt Nam gặt hái được những thành công trên con đường chinh phục những đỉnh cao của bóng đá hiện đại. Ngoài những tố chất đó ra, ông Park còn là một HLV giỏi gần như toàn diện, từ việc tìm kiếm, lựa chọn cầu thủ; rèn luyện chuyên môn; xây dựng chiến thuật, bài binh bố trận;… Những thành tích mà các đội tuyển đạt được trong hai năm qua đã chứng minh cho tài cầm quân của vị HLV được mệnh danh là “phù thủy”.
Hơn thế nữa, vị HLV đang thu hút tình cảm và niềm tin của người hâm mộ cả nước này còn biết cách biến những điều bình thường thành khác thường.
Ông biết khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả đội tuyển, điều mà chúng ta vẫn gọi là đoàn kết, nhưng với ông không phải thứ đoàn kết hô hào bằng miệng. “Tướng sỹ một lòng phụ tử” quả rất đúng trong mối quan hệ giữa vị HLV trưởng với các học trò và đồng nghiệp bởi ông biết cách kết nối mọi người trong một tập thể đa dạng về tính cách, tài năng, sở thích. Quan niệm của ông rất rõ ràng: “U23 Việt Nam không có ai là ngôi sao cả. Tất cả phải nhìn về một hướng. Tất cả là một tập thể đoàn kết”.
“Đã là huyến luyện viên thì phải dạy cho cầu thủ hai điều, thứ nhất là bóng đá bởi họ là cầu thủ, điều thứ hai là phải dạy họ về nhân tính, tính cách, sự nhân văn”, ông nói. Đó chính là nền tảng căn bản tạo nên sức mạnh của đội tuyển Việt Nam hiện nay.
HLV Park Hang Seo còn là người biết truyền cảm hứng cho học trò để trong con người họ luôn dâng trào nhiệt huyết và khát vọng chiến thắng để rồi vào trận với “tinh thần Việt Nam”, vượt qua chính mình, chiến đấu mạnh mẽ chứ không gục ngã.
“Tại sao chúng ta phải cúi đầu. Chúng ta không phải cúi đầu, chúng ta đã cố hết sức”, ông khuyên nhủ các học trò.
Ngày 23/1/2019, trước trận gặp đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử Asian Cup là Nhật Bản, ông Park nói: “Tôi chỉ nói với các cầu thủ rằng hãy vào sân với tinh thần không sợ hãi”. Và “Ngày mai, tôi và các cầu thủ của mình sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước tuyển Nhật Bản”.
Ông Park và các học trò của mình đã làm được những gì mà các HLV tiền nhiệm chưa mấy ai làm được. Nhưng với ông, thành tích là của đội tuyển còn sai lầm là của chính mình. Ông nhận điều đó một cách tự nhiên – con dại cái mang – như một người cha đầy nhân hậu, bao dung.
Khi phóng viên hỏi về sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng trong cuộc họp báo trực tiếp ngay sau trận đấu với U22 Indonesia tối 01/12/2019 ở vòng bảng, vị HLV này đã nói điều khiến cả triệu người thán phục về cách ứng xử của ông: "Sai lầm cá nhân là một phần trong bóng đá. Nếu cầu thủ mắc sai lầm, đó là lỗi của huấn luyện viên".
Bởi ông đã từng tâm sự: “Các cầu thủ là con của tôi. Tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha làm mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái”.
Những gì nêu trên có thể chưa đủ về vị HLV Hàn Quốc – người đã làm rạng danh bóng đá Việt Nam hôm nay. Nhưng thành công mà ông đem lại cho bóng đá nước nhà khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều về vị HLV tài ba này, về vai trò của người cầm lái không chỉ riêng trong lĩnh vực thể thao vua.
Những phẩm chất mà ông Park đã bộc lộ cũng chính là những tiêu chí cần có của người đứng đầu trong các lĩnh vực khác. Cũng toàn quyền, cũng nhiệt huyết, cũng trách nhiệm, cũng đoàn kết,… nhưng mọi thứ này đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo hiện nay dường như chỉ dừng lại ở lý thuyết.
Họ dùng quyền lực để tuyển chọn cánh hẩu, để mưu lợi cá nhân và tập đoàn lợi ích. Họ “nhiệt huyết” vì những dự án khủng tiêu tốn ngân sách hàng ngàn tỷ rồi đắp chiếu hoặc hóa sắt vụ, phế thải. Họ chưa bao giờ có tinh thần dám làm dám chịu. Khi phạm sai lầm thì lươn lẹo nào là “đúng quy trình”, “tập thể đồng thuận” rồi một mực đổ lỗi cho khách quan và tập thể còn mình thì xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Họ xa rời, coi thường nhân dân, đứng trên luật pháp. “Màu cờ sắc áo” với họ chỉ là đồ trang sức để đánh bóng bản thân. Tóm lại, họ chỉ vì họ và nhóm lợi ích thân hữu.
Hàng loạt vụ tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui gần đây liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp, những bí thư, chủ tịch tỉnh, những tướng tá, bộ trưởng thậm chí là ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng đã cho thấy một khi người lãnh đạo thoái hóa biến chất thì hậu quả thật khôn lường, không thể nuối tiếc như đối với một trận bóng bị mất điểm hay kết quả không như mong muốn trong một giải đấu thể thao.
Thành công của đội tuyển bóng đá nam, nữ và của đoàn Việt Nam tại Sea Games lần này chỉ trở thành cú hích đối với những ai có tâm với đất nước và có tầm với trách nhiệm được giao trước nhân dân.
Tại cuộc gặp hai đội tuyển bóng đá sau khi giành chiến thắng từ Sea Games trở về, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chiến thắng này sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; để mọi người cùng đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.
Đó cũng là điều mà hơn chín mươi triệu người dân Việt Nam thành tâm mong đợi.
Nguyễn Duy Xuân