Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó lần đầu cụ thể hoá nhiều hành vi vi phạm.

Trong lĩnh vực dân số, Nghị định quy định chi tiết các hành vi bị xử phạt trong 7 Điều với rất nhiều nội dung, từ vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến thông thông tin về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến hành vi tiết lộ, lựa chọn giới tính thai nhi, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình đến vi phạm về phương tiện tránh thai…

Mức phạt thấp nhất trong lĩnh vực dân số là 200 nghìn đồng, cao nhất là 30 triệu đồng, kèm thêm hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 - 12 tháng.

{keywords}

3 công chúa nhỏ đáng yêu của gia đình chị Thương ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh Afamily

Đặc biệt, lần đầu tiên văn bản hành chính quy định chi tiết mức xử phạt đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.

Tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Trường hợp đe doạ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần để ép người khác phải mang thai, sinh thêm con do họ sinh toàn còn trai hoặc con gái có thể bị phạt 3-5 triệu đồng. Nếu có sử dụng vũ lực để ép buộc, mức phạt nâng lên 7-10 triệu đồng.

Cũng trong Nghị định 117 quy định rất nhiều hành vi vi phạm trong lựa chọn giới tính thai nhi.

Đơn cử, phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.

Nếu cơ sở y tế, phòng khám, cá nhân nào thực hiện siêu âm, bắt mạch hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 1 - 3 tháng.

Nếu chỉ định, hướng dẫn người khác sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi mong muốn cũng bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định này cũng yêu cầu xử phạt người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính với mức phạt từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp cá nhân, cơ sở y tế hay phòng khám biết người mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính mà vẫn thực hiện phá thai sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng kèm theo tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong 6- 12 tháng.

Nghị định 117 sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/11 tới. Các chuyên gia dân số kỳ vọng, khi văn bản này đi vào đời sống sẽ giúp giảm nhanh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 2 khu vực châu Á về tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh với tỉ lệ 111,5 bé trai/100 bé gái, chỉ đứng sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 bé trai/100 gái. Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tỉ lệ này chỉ ở mức 110-111/100.

Trên thế giới có khoảng 15 quốc gia rơi vào tình trạng này, Việt Nam là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á. Trong khi các nước nói trên đều mất cân bằng giới tính khi sinh từ những năm 1980 thì đến 2006, Việt Nam mới bắt đầu. Tuy nhiên suốt 15 năm qua, Việt Nam chưa thể kiểm soát, trái lại tăng liên tục.

Năm 2006, tỉ lệ giới tính khi sinh của nước ta là 109 bé trai/100 bé gái, 2013 tăng lên 113,8/100, 2018 tiếp tục lên 114,9/100, 2019 giảm nhẹ xuống 111,5/100.

Tổng cục Dân số cảnh báo, nếu Việt Nam không có các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đến 2050 sẽ có 3-4,3 triệu đàn ông không thể lấy được vợ kèm theo đó là hàng loạt hệ luỵ về xã hội.

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, tỉ lệ sinh tự nhiên luôn ở mức 102-107 bé trai/100 bé gái, khi đến tuổi trưởng thành, tỉ lệ này sẽ tự cân bằng về 100/100 do tỉ lệ bé trai bị tử vong lớn hơn bé gái.

Thúy Hạnh

Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi

Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đang nhập khẩu cô dâu từ Việt Nam nhưng 30 năm nữa, Việt Nam có thể phải nhập khẩu cô dâu từ châu Phi.