Tay trắng, quyết không nhận hỗ trợ
Lai Vung ngày giữa tháng 8 nắng gay gắt. Ông Cao Văn Hùng (ở xã Phong Hòa) dậy sớm ra thăm vườn thanh nhãn sắp đến ngày thu hoạch. Hẹn gặp ông Hùng những ngày này không dễ, vì ông luôn bận rộn với việc chăm vườn thanh nhãn và mít Thái.
Mới 8h sáng, trán người đàn ông này đã lấm tấm mồ hôi. "Thanh nhãn trồng ở Lai Vung trái to, cùi dày lắm", ông giới thiệu.
Nhiều người nói tính tài sản của ông Hùng bây giờ phải gọi ông là tỷ phú. Thế nhưng ít ai biết nhiều năm về trước ông Hùng thuộc diện "nghèo rớt mồng tơi".
Khi ông còn nhỏ, gia đình rất nghèo, không có ruộng đất. Lớn lên cưới vợ, ra ở riêng, vợ chồng ông Hùng được cha mẹ cho mảnh đất nhỏ để cất tạm căn nhà bằng gỗ.
“Nói là nhà chứ thật là ra cái chòi, mưa gió sập tới 5 lần”, ông Hùng nhớ lại. Lúc đó, ông phải dắt díu vợ con đến nhà người quen ở tạm. Dù khó khăn nhưng khi chính quyền địa phương nói sẽ cấp cho sổ hộ nghèo, ông liền từ chối, không nhận vì "nhiều người còn khó khăn, túng thiếu hơn mình”.
Vợ chồng ông Hùng xoay xở đủ nghề kiếm ăn, nhưng cái khó không thôi đeo bám. “Tôi vừa đi làm thuê, vừa chất đống chà dưới sông trước nhà để dụ cá vào bắt. Hồi đó, cá dưới sông nhiều lắm, dỡ đống chà ra có khi được vài tấn, thế nhưng bán không được là bao do bị thương lái ép giá. Tức quá, tôi với vợ bàn tính rồi quyết định làm thương lái đi mua bán cá luôn”, ông Hùng kể.
Hằng ngày, vợ chồng ông ra bến đò gần nhà, nơi nhiều người làm nghề đánh bắt cá trên sông Hậu hay tụ tập về để mua, rồi chạy xe máy sang Cần Thơ bán lại.
Nghề cực nhọc, phải đi xa nhưng bù lại có thu nhập ổn định. Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng ông Hùng mua được hơn 20 công đất (20.000m2). “Đất đai thì 5 đứa con trai canh tác, còn vợ chồng tôi vẫn buôn bán tôm cá”, ông Hùng nói.
Một vụ mít Thái trúng 600 triệu đồng
Đến năm 2019, đọc báo thấy nhiều người ở miền Tây trồng mít Thái. Nhận thấy loại mít này dễ thích nghi với nhiều loại đất, trong đó có cả vùng đất phèn ở Phong Hòa.
Lúc đó, ông Hùng mạnh dạn mua 1.200 cây mít Thái giống về trồng trên 14 công đất. Cùng thời điểm, người hàng xóm kêu bán 8 công đất, ông Hùng liền mua rồi quyết định trồng thêm 800 gốc mít.
“Tổng diện tích 22 công đất, tôi trồng 2.000 cây mít Thái. Không có kinh nghiệm, tôi lên mạng đọc báo, xem youtube... để học hỏi kỹ thuật. Sau 18 tháng, mít cho vụ trái đầu tiên. Nhưng thời điểm đó đúng dịp giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nên mít không được giá, chỉ 5.000 đồng/kg. Đến năm rồi, tôi trúng đậm, thu hơn 40 tấn mít Thái, giá dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí tôi lãi 600 triệu đồng”, ông Hùng tiết lộ.
Bên cạnh vườn mít Thái cho nguồn thu ổn định hàng năm, ông Hùng còn sở hữu vườn thanh nhãn diện tích 5.000m2. Loại nhãn này xuất xứ từ tỉnh Bạc Liêu, cơm dày, khô ráo và giòn hơn hẳn những giống khác.
“Khoảng 5 năm trước, người hàng xóm kêu bán 5 công đất nên tôi mua. Cùng lúc này, tôi được người quen rủ đi Bạc Liêu tham quan vườn thanh nhãn. Xuống đó thấy cây thanh nhãn tôi mê luôn. Sau đó, tôi quyết định trồng 150 gốc xen với cây dừa trong diện tích 5.000m2. Đến nay, cây đã cho thu hoạch hai lần. Vụ đầu thu hoạch được 1,8 tấn trái, giá bán 35.000 đồng/kg. Năm nay dự kiến thu hoạch nhiều hơn”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng nói, trồng thanh nhãn ở Lai Vung cây ít sâu bệnh, song trái lại rụng nhiều. “Tôi đang nghiên cứu để khắc phục tình trạng này”, ông nói và khẳng định giá thanh nhãn lúc nào cũng cao, dễ bán.
Từ tay trắng, đến nay ông Hùng xây được nhà cửa khang trang. 5 người con đã ra ở riêng, kinh tế khá.
Ông luôn nhiệt tình đón chào những ai tới thăm vườn nhãn, mít và tư vấn miễn phí về kinh nghiệm trồng, tư vấn cải tạo vườn với phương châm hết sức giản dị. “Tôi biết tới đâu thì nói tới đó, chỉ mong bà con mình trồng cây có năng suất cao”, ông cho hay.
Không những thoát nghèo, ông Hùng còn được bình chọn là một trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Đặng Hoài Thanh