Theo Motherboard, trong cuộc gặp với các nhà lập pháp của bang California, chuyên gia vận động hàng lang của Apple đã mang theo một chiếc iPhone và trưng ra linh kiện của nó.
Họ nói rằng thành phần bên trong của thiết bị rất phức tạp, nếu tháo rời không đúng cách, người dùng sẽ tự gây tổn thương cho chính mình khi làm thủng pin.
Những tuần gần đây, đại diện của Apple và CompTIA - Hiệp hội công nghệ công nghệ máy tính - đã họp riêng với các nhà lập pháp Califormia nhằm vận động bãi bỏ quy định cho phép người dùng dễ dàng sửa thiết bị bên ngoài cơ sở do Apple chứng nhận.
Applecho rằng người dùng tự sửa iPhone sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: TechSpot |
Cuộc tranh luận tương tự từng được Phó chủ tịch Apple Lisa Jackson khơi ra vào năm 2017 tại sự kiện TechCrunch Disrupt. Khi đó bà cũng nói rằng iPhone quá phức tạp, người bình thường không thể sửa chúng.
Trước đây, Apple đã vận động chống lại "quyền sửa chữa thiết bị điện tử". Những người kêu gọi thực hiện quyền này yêu cầu Apple và các công ty điện tử khác phải bán linh kiện, công cụ sửa chữa và cung cấp hướng dẫn công khai để khách hàng có thể tự sửa thiết bị thay vì phải mang đến trung tâm bảo hành ủy quyền.
Năm 2017, hồ sơ của bang New York cho thấy Apple đã thuê một chuyên gia vận động hành lang để chống lại yêu cầu này. Giới vận động hành lang cũng lập luận rằng quyền sửa chữa rộng rãi sẽ là mảnh đất màu mỡ cho bọn trộm cắp và tin tặc.
Sau khi truyền thông đưa tin về chiến dịch vận động hành lang, Apple thay đổi cách làm. Thay vì tự đi vận động, họ dựa vào CompTIA, một tổ chức được tài trợ bởi các công ty công nghệ như Apple, Microsoft và Samsung, để thực hiện cuộc điều trần trước các nhà lập pháp.
Apple cho rằng người dùng nên mang thiết bị hỏng đến trung tâm bảo hành ủy quyền. Ảnh: Apple. |
Theo nội dung bức thư ComTIA và 18 tổ chức thương mại khác gửi đến chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền riêng tư và người tiêu dùng bang California, quyền sửa chữa iPhone sẽ giúp tin tặc dễ vượt qua các biện pháp bảo mật, gây tổn hại cho chủ sở hữu thiết bị và những người dùng chung mạng với họ.
Khi sản phẩm bị hỏng, người dùng có nhiều tùy chọn sửa chữa, bao gồm mang đến các trung tâm bảo hành ủy quyền.
Tuy nhiên, theo Motherboard, một số chuyên gia cho rằng Apple và ComTIA đã "quá lo xa". Người dùng không có kiến thức sẽ không tự thay pin hay màn hình. Sẽ có hàng nghìn đơn vị sửa chữa độc lập thực hiện công việc đó mà không gây ra sự cố gì.
Vấn đề là các công ty như vậy buộc phải mua linh kiện từ Thâm Quyến (Trung Quốc) vì Apple không bán cho họ, trừ khi họ trở thành nhà cung cấp dịch vụ bảo hành được chứng nhận.
"Lập luận rằng có vấn đề về an toàn và bảo mật đối với việc cung cấp linh kiện và hướng dẫn sửa chữa là vô lý", ông Nathan Proctor - giám đốc tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng US PirG - nhấn mạnh.
Nội dung tương tự cũng được ComTIA gửi đến các nhà lập pháp ở nhiều tiểu bang khác. Có khoảng 20 tiểu bang ở Mỹ ra quy định theo hướng yêu cầu các công ty tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tự sửa thiết bị bên ngoài đại lý ủy quyền.