Bất kỳ nhà nước nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải giải quyết hai vấn đề quan trọng của một quốc gia đó là đối nội và đối ngoại. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Ngày 2/9/1945 tại Quảng Trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do và phát triển.
Vượt qua thử thách ngặt nghèo thù trong giặc ngoài
Nhìn lại lịch sử cho thấy rằng, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh được thử thách hết sức ngặt nghèo với tình thế thù trong giặc ngoài, đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Nạn đói năm 1944-1945 do phát xít Nhật gây ra, tác động một cách sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Thiên tai lũ lụt đồng thời xuất hiện tại 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ càng khiến đồng bào ta rơi vào cảnh khốn cùng. Đặc biệt, sự xuất hiện các thế lực phản cách mạng, dưới danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật, ở miền Bắc có quân đội của Tưởng Giới Thạch, thực dân Pháp theo chân Anh vào miền Nam nước ta, mưu đồ chiếm lại Đông Dương một lần nữa.
Các nhóm thế lực chính trị đều có những toan tính riêng nhằm phá hoại thành quả cách mạng nước ta. Nhận thức được sự phức tạp, khó khăn của tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” lúc bấy giờ, một mặt về đối nội, nhà nước ta nhanh chóng giải quyết vấn đề diệt giặc đói, giặc dốt, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong nhân dân. Mặt khác, chúng ta tiến hành tổng tuyển cử trên cả nước và thành lập chính phủ liên hiệp để tăng cường sự hợp pháp, chính danh tồn tại của nhà nước.
Nhằm tranh thủ mọi sự ủng hộ của các tầng lớp và hạn chế một số thành phần thiếu thiện chí với những người cộng sản Việt Nam, Đảng ta tuyên bố giải tán và đi vào hoạt động bí mật. Sự can thiệp của các lực lượng chống đối nhà nước ta giai đoạn này được biểu hiện bằng nhiều hành động gây sức ép khi đưa người của họ vào các cơ quan Lập pháp, Hành pháp với số thành viên đông đảo, áp đặt. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hòa hợp, thiện chí và sự tồn tại ổn định của một nhà nước mới ra đời, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng với các đảng phái, lực lượng chính trị một cách mềm dẻo.
Về mặt đối ngoại, đứng trước những sự lựa chọn tất yếu rằng, trước sau cũng phải đối đầu với một trong số nhiều thế lực thực dân lớn và phản cách mạng, bằng tài năng và sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hoạt động ngoại giao của chúng ta với các lực lượng chính trị khác nhau đã được tiến hành nhằm tránh đất nước phải đối đầu một lúc với nhiều kẻ thù. Thực tiễn sau này đã minh chứng, những sách lược ngoại giao mềm dẻo, khéo léo của Người là đúng đắn, sáng suốt và phương châm “dĩ bất biến - ứng vạn biến” được Người vận dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển.
Trong 2 năm (1945 -1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với nhà nước non trẻ đã triển khai được rất nhiều công việc lớn cả về mặt đối nội và đối ngoại. Chúng ta đã thiết lập một cách chắc chắn, có nền tảng và định hình trong lòng dân chúng về một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chúng ta cũng có thời gian để chuẩn bị lực lượng, tinh thần, của cải để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này.
Đặc biệt, với sách lược ngoại giao khôn khéo, ban bố trước thế giới về sự ra đời của nhà nước kiểu mới ở khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài việc gửi thư đến các nước lớn như Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc thì thành tựu vô cùng to lớn của Người chính là chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trải qua những thác ghềnh, hiểm trở lúc bấy giờ. Xử lí mối quan hệ với nước lớn, với các thế lực phản cách mạng trong lúc nhà nước còn non trẻ, chính quyền mới thành lập trên một nền tảng hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội nghèo nàn là bài toán rất gian nan của những người cộng sản Việt Nam, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyên tắc bất biến, sách lược mềm dẻo
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan dẫn tới việc Việt Nam rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, bị bao vây, cấm vận. Thời gian này, chúng ta tiếp tục gặp phải những trở ngại cả về lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Do chưa có kinh nghiệm trong điều hành đất nước, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp duy trì kéo dài khiến đất nước đứng trước yêu cầu cấp bách của sự Đổi mới, cải cách để phát triển. Trăn trở, đau đáu với hoàn cảnh đất nước và nhân dân thời kỳ này, Đảng ta nhanh chóng đổi mới tư tưởng, tư duy chính trị.
Đại hội 6 năm 1986 đánh dấu sự công cuộc Đổi Mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng ta giải quyết hàng loạt bài toán trong nước về khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại rộng mở, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với những nước lớn, giao lưu, ngoại giao với các nước trong khu vực và tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế sôi động, hiệu quả.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, quan sát một số nước trong khu vực cùng thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước (Myanmar); khu vực Đông Á (bán đảo Triều Tiên) và các xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ hiện nay trên thế giới giữa các lực lượng, các phe phái, chúng ta mới thấy được sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau những ngày đầu lập nước.
Trải qua những thăng trầm của thế kỷ 20, quá trình đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự do của Tổ quốc đã chứng minh bài học trong việc vận dụng sách lược ngoại giao mềm dẻo, khéo léo của cha ông ta và trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói là đúng đắn, phù hợp với một quốc gia có vị thế địa chính trị, lịch sử và văn hóa như Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc bất biến của chúng ta là bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Còn sách lược mềm dẻo, khôn khéo, song quyết liệt; linh hoạt, đổi mới, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường “tùy cơ ứng biến”; “lạt mềm buộc chặt”, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.
Gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu cả về mặt đối nội và đối ngoại. Sự phát triển không ngừng của đất nước là minh chứng rõ nét cho đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Vị thế, tiếng nói và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế không ngừng được coi trọng, đề cao. Đặc biệt, Việt Nam cân bằng được các chiến lược ở khu vực Biển Đông của những siêu cường. Nước ta đã tạo được dấu ấn, sự tin cậy và nhiều ảnh hưởng tốt đẹp với các nước này nói chung, những quốc gia khu vực và trên thế giới nói riêng
Có thể khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chính trị quan trọng. Trong thế giới nhiều biến động khó lường với những thời cơ và thách thức như hiện nay, chúng ta tin tưởng vào bản lĩnh và ý chí của dân tộc, kế thừa và phát triển sáng tạo các bài học đối ngoại của cha ông ta, nhất là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức “biến nguy thành cơ”, phát huy tốt vai trò của nền ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu.