- Gặp cô em dâu ở Biên Hòa về quê ăn Tết. Chị em lâu ngày gặp mặt. Vui chuyện, em hỏi tôi: “Tết này chị được phụ huynh cho quà và phong bì nhiều không”? “Cũng có dăm người nhưng chị cám ơn rồi trả lại cho họ”.

Em dâu nhìn tôi đầy ngạc nhiên rồi thắc mắc: “Phụ huynh của chị, họ tự nguyện cho, chị có đòi hỏi đâu, mắc mớ gì mà phải trả lại”?

“Phụ huynh ở đây, phần lớn là dân biển, là công nhân, họ cũng nghèo lắm. Nhưng nói thật, chị không muốn nhận quà của những học sinh mình đang dạy vì những món quà đó được phụ huynh tình toán nhiều hơn là trả ơn, nhận thấy nặng nề lắm. Những học trò cũ chỉ cần tặng tấm thiệp tụi chị cũng thấy hạnh phúc gấp nhiều lần. Mà không riêng gì chị đâu, nhiều thầy cô ở đây họ cũng làm như thế”.

  {keywords}

Nghe vậy, cô em tôi phân bì: “Trong em thì khác chị ạ. Một lớp 40 học sinh, cũng gần 40 em đi tết thầy cô. Đã khi nào em thấy có giáo viên nào trả lại đâu. Thiên hạ đua nhau đi biếu quà, phong bì vào dịp Tết, vào các ngày lễ…nhà mình nghèo cũng phải ráng thôi chị ạ. Nếu không có gì, nóng ruột và khó coi lắm”.

Nói rồi, em dâu kể cho tôi nghe câu chuyện về bé Bin, cậu con trai út đang học lớp mầm.

Vì bận đi làm nên đến gần ngày nghỉ Tết mà em tôi vẫn chưa mua được quà tặng cho cô giáo của Bin.

Hôm ấy đi học về, bé nói với mẹ: “Lớp con bạn nào cũng đi cho cô hai hộp bánh và chiếc phong bì, chỉ còn mình con thôi đấy. Mẹ không cho cô, mai Bin không đi học nữa”.

Sáng mai, em tôi còn phải đi làm nên chỉ kịp bỏ tiền vào hai cái phong bì rồi chở bé Bin vào trường nhưng cu cậu không chịu xuống xe vừa la khóc, vừa nói lớn: “Mẹ phải mua hai hộp bánh giống các bạn nữa cơ”… “Vì vội nên em chở luôn nó vào trường, nói nhỏ với cô…Chỉ đến khi nghe cô nói: “Nhà cô còn nhiều bánh lắm, cô không nhận bánh nữa đâu”. Lúc đó, nó mới nín khóc và theo cô vào lớp”. Em dâu tôi nói.

Không phủ nhận một điều, trong số những phụ huynh biếu thầy cô quà, phong bì, cũng có những người thật lòng muốn bày tỏ lòng cám ơn cô thầy đã tận tình chăm sóc, dạy dỗ con cái họ suốt cả năm học.

Nhưng số này ít lắm, vì thành tâm, thật lòng nên khi thầy cô nhận quà, phụ huynh sẽ rất vui và không bao giờ đi kể, đi bêu xấu với mọi người.

Phần lớn phụ huynh có tâm lý tặng quà là muốn lấy lòng thầy cô, muốn con cái mình được thầy cô để ý và quan tâm nhiều hơn, số khác có tâm lý sợ thầy cô làm khó con nên đem quà đến tặng trong sự miễn cưỡng đầy tính toán.

Vì lẽ đó, phụ huynh về nhà bàn tán, bình phẩm đủ điều về cô thầy với người này, người khác thậm chí với cả trẻ nhỏ trong nhà... Chuyện quà cáp, phong bì chốn học đường trước đây vốn vô cùng tế nhị nhưng bây giờ, nhiều người xem như chuyện bình thường phải thế, phụ huynh nghĩ việc tặng quà như là một “nghĩa vụ” bắt buộc phải làm.

Trẻ nhỏ thấy bạn tặng quà cho thầy cô nên nhiều em đã về nhà đòi mẹ mua quà để tặng. Có phụ huynh không chịu, nhiều em đã nói dối rằng cô con nói về bảo ba mẹ mua quà tặng cho cô. Tin lời trẻ con, phụ huynh đi kể với người này, người khác làm cho hình ảnh cô thầy méo mó trong mắt nhiều người.

Món quà đem tặng giáo viên không xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng biết ơn thầy cô như mọi người thường nói, nó “ẩn” trong đó nhiều thông điệp thực dụng mà phụ huynh muốn nhắn gửi. Vì thế, quà gửi đi rồi nhưng mọi lời đàm tiếu còn ở lại phía sau.

  • Phan Tuyết (Trường Tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, Bình Thuận)