Tủ sách pháp luật nói chung hiện vận hành theo phương thức cũ đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) điện tử là xu thế tất yếu nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của các TSPL hiện nay.
Nhận thức được điều này, mới đây, Đoàn TNCSHCM phường Long Hưng, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã triển khai thí điểm mô hình tủ sách pháp luật điện tử tại bộ phận Một cửa của UBND phường.
Thực tế, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh, văn hoá đọc suy giảm, nhu cầu tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật cũng cần phải linh hoạt và sáng tạo hơn. Vì vậy, ý tưởng về xây dựng TSPL điện tử đã ra đời. Đây là mô hình nhỏ nhưng có ý nghĩa cụ thể, thiết thực.
Từ khi TSPL điện tử của phường ra đời, nhiều người dân khi đến làm các thủ tục như kết hôn, khai sinh… đều các đoàn viên thanh niên của phường hướng dẫn thủ tục truy cập để tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình khi đăng kí kết hôn, tìm hiểu về Luật Hộ tịch khi đăng kí khai sinh cho con… thông qua TSPL điện tử của phường. Nhờ đó, mọi công việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Nhờ có TSPL luật điện tử mà người dân nhanh chóng tiếp cận được nhiều thông tin và các quy định của pháp luật và mang lại thuận lợi, tiện ích hơn cho người dân mỗi khi tìm hiểu các nội dung về pháp luật, từ đó thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ cần có điện thoại thôg minh, người dân có thể dùng để quét mã QR và truy cập vào thư viện pháp luật với đa dạng các lĩnh vực như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình…, khi người dân gặp khó khăn trong khâu sử dụng sẽ được các bạn đoàn viên thanh niên tận tình hướng dẫn.
Anh Trần Hữu Trí, Bí thư Đoàn TNCSHCM phường Long Hưng cho biết, hiện TSPL điện tử của phường đã có trên 150 văn bản luật hiện hành ở các lĩnh vực và được lưu trữ trên google drive. Với thao tác tra cứu nhanh, nguồn thông tin chính thống nên ai cũng có thể truy cập nhanh chóng.
“Thời gian tới, Đoàn phường sẽ tiếp tục cập nhật thêm các văn bản luật mới cũng như các thông tư, hướng dẫn, nghị định của Chính phủ… để người dân có thể dễ dàng truy cập cũng như có thể đọc các loại văn bản này bằng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả TSPL điện tử thì chúng tôi cần nghiên cứu thêm để xây dựng mô hình này phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý người đọc như xây dựng trang web, đa dạng hoá thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Có thể nói, trong quá trình hoạt động, TSPL điện tử đã mạng lại hiệu quả thiết thực đối với cán bộ và nhân dân ở phường. Cùng với TSPL truyền thống, TSPL điện tử ở phường Long Hưng đã phát huy hiệu quả, giúp người dân tiếp cận với pháp luật, từ đó không chỉ nâng cao kiến thức về pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật để thực hiện đúng quy định của pháp luật mà còn giúp người dân tiếp cận với nền công nghệ số hiện đại.
Mô hình TSPL điện tử không chỉ mới xuất hiện ở phường Long Hưng (Cần Thơ) mà mô hình này đã xuất hiện ở một số địa phương.
Tại tỉnh Hoà Bình, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, từ tháng 7/2021, Phòng Tư pháp huyện Kim Bôi đã triển khai xây dựng chuyên mục TSPL điện tử trên trang thông tin điện tử của huyện. Đồng thời, chỉ đạo 17/17 xã, thị trấn xây dựng TSPL điện tử tại cơ sở. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Hoà Bình tiên phong xây dựng, duy trì, phát huy hiệu quả TSPL điện tử.
Theo đó, trên trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin có liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để cán bộ, người dân biết, tìm hiểu. Việc thao tác tra cứu dễ dàng, nguồn thông tin chính thống, nhanh, chính xác… chỉ cần gõ trên máy tính hay ấn chức năng giọng nói tìm kiếm trên điện thoại là ai cũng có ngay được các thông tin pháp luật cần tìm. Làm như vậy người dân rất tiện lợi, khi ở nhà cũng có thể tìm hiểu được thông tin pháp luật. Chính vì thế nên các TSPL điện tử ở Kim Bôi có số lượng truy cập khá cao.
Hiện nay, cùng với duy trì các TSPL truyền thống, đội ngũ cán bộ tư pháp từ huyện đến cơ sở và nhân viên các điểm Bưu điện - văn hóa xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, tra cứu thông tin trên TSPL điện tử bằng điện thoại thông minh.
Theo ông Phạm Văn Kha, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kim Bôi, mô hình TSPL điện tử của huyện và các xã, thị trấn được huyện Kim Bôi xây dựng là mô hình đầu tiên của tỉnh. Mô hình đã được tổ chức thực hiện trong hơn 2 năm qua cho thấy hiệu quả rất thiết thực đối với cán bộ và nhân dân, thông qua mô hình này, người dân đã chủ động tiếp cận với thông tin pháp luật, có ý thức chấp hành quy định của pháp luật và tự bảo về quyền lợi cho chính mình.
TSPL điện tử ra đời là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của sách điện tử nói chung. Ngoài ra, mô hình TSPL điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, sử dụng sách, tài liệu pháp luật còn gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.