Những video chỉnh sửa khuôn mặt, khẩu hình bằng AI nhằm đánh lừa người xem xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. Hiện tượng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu dùng sai cách.
Tháng 12/2017, deepfake trở thành danh từ khi người dùng có tên "deepfakes" công bố một loạt video khiêu dâm trên diễn đàn Reddit. Người dùng này đã sử dụng AI để ghép mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot vào cơ thể của những diễn viên khiêu dâm. Những video với khuôn mặt ghép rất giống này lập tức gây nên làn sóng phản đối. Ảnh: jta.
Vào năm 2018, Reddit đã đóng một loạt mục chia sẻ video deepfake. Sau đó Twitter cũng vào cuộc khi chặn các bài viết chia sẻ. Một trang web chuyên chia sẻ phim người lớn cũng cấm cửa những video dạng này. Ảnh: Reddit.
Với deepfake, dữ liệu đầu vào là những video khiêu dâm có sẵn và hình ảnh của diễn viên có trên mạng, dùng thuật toán mã nguồn mở của TensorFlow hoặc Keras để xử lý. Sau một thời gian “học”, cỗ máy đã có thể ghép khuôn mặt với độ giống cao. Ảnh: Allure.
Những video sử dụng công nghệ deepfake đã gây ra mối lo ngại về đạo đức khi thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Techhnews.
Tháng 1/2018, ứng dụng có tên FakeApp ra mắt. Ứng dụng này hỗ trợ người dùng làm các video deepfake nhanh chóng hơn trên máy tính. Phần mềm này có giao diện dễ dùng và cách sử dụng đơn giản, với 3 câu lệnh cơ bản. Trong bài viết hướng dẫn, người tạo ra công cụ này nhắn gửi “nếu bạn sử dụng nó, hãy dùng một cách có trách nhiệm”. Ảnh: AP.
Tháng 4/2018, BuzzFeed đăng tải một video ghép mặt cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với giọng đọc của người khác. Video này được thực hiện bởi một người duy nhất qua ứng dụng FakeApp. Người này cho biết đã mất 56 giờ để tổng hợp các dữ liệu khuôn mặt của ông Obama. Các video ghép mặt những người có quyền lực dễ dàng được lan truyền và đánh lừa hàng triệu người dùng trên mạng xã hội. Ảnh: BuzzFeed.
Tháng trước, đoạn video cho thấy Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, 79 tuổi xuất hiện như đang say rượu khi phát biểu ở một sự kiện. Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, được phát cả trên sóng truyền hình và chia sẻ bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Crikey.
Ngày 9/6, một đoạn video với hình ảnh giả mạo của Mark Zuckerberg, CEO Facbook được đăng tải trên Instagram. Trong video, hình ảnh Mark Zuckerberg đang ngồi ở phòng làm việc và nói về sức mạnh tàn bạo của Facebook. Ảnh: Washington Post.
Video có phần mô tả với nội dung "hãy tưởng tượng điều này: Một người đàn ông với quyền kiểm soát dữ liệu đánh cắp được của hàng tỷ người dùng. Tất cả bí mật, cuộc sống, tương lai của họ", "Mark Zuckerberg giả" nói những điều Mark thật sẽ không bao giờ nói trong đoạn video. Ảnh: Vanity Fair.
Ngày 13/6 vừa qua, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ về deepfake, đại diện của Đảng Dân chủ Adam Schiff đã cảnh báo rằng công nghệ này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến việc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. “Những video giả mạo được thực hiện bởi AI là mối đe dọa an ninh quốc gia, chúng ta cần chống lại nó”, ông Adam Schiff nói. Ảnh: Reuters.
Hai tuần trước, một video được đăng tải trên YouTube cho thấy nam diễn viên Game of Thrones Kit Harington, trong vai Jon Snow, đã xin lỗi vì những nội dung gây tranh cãi trong mùa cuối bộ phim. Song thực tế, đây là sản phẩm của công nghệ deepfake và Harington chưa bao giờ thốt ra những lời đó. Ảnh: Fortune.
Trong tương lai, deepfake chắc chắn trở nên cá nhân hóa, nhắm vào đối tượng cụ thể nào đó và cũng không chỉ dừng lại ở hình thức video. Các câu chuyện giả mạo sẽ được sản xuất nhằm đánh lạc hướng ngày càng nhiều người. Ảnh: Partkito.
Khi tin giả được cá nhân hóa cao, sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều để theo dõi và ngăn chặn. Đây là lúc nó trở nên đặc biệt đáng sợ. Lúc đó, khả năng tư duy phản biện của cá nhân sẽ là vấn đề lớn trong thời kỳ deepfake phát triển. Ảnh: USA today.