Công cụ tác nghiệp, tư thế tác nghiệp có thể khác nhau, điều quan trọng là giá trị của sản phẩm, của tác phẩm báo chí. Đằng sau mỗi sản phẩm, tác phẩm báo chí không chỉ là dòng chữ, bản tin, khuôn hình, mà là thông điệp, là câu chuyện, là cảm xúc,... Đặc điểm của báo chí không chỉ phục vụ một số ít người, mà mang tính chất xã hội rộng rãi. Người làm báo khắc hoạ cảm xúc xã hội, và ở chiều ngược lại, tác phẩm báo chí lại tạo ra và đôi khi định hướng cảm xúc xã hội.
Xã hội là tập hợp đông đảo con người, trong đó có nhiều cảm xúc đôi khi đối kháng nhau, ngược chiều nhau. Luồng cảm xúc tích cực sẽ tạo ra một xã hội tích cực, giàu năng lượng, khiến mọi người hăng say làm việc, cống hiến hết mình. Ngược lại, khi luồng cảm xúc tích cực bị lấn át bởi quá nhiều thông tin tiêu cực, con người dễ mất thăng bằng, mất phương hướng, muốn buông xuôi tất cả. Một bản tin, một chuyên mục có thể thoả mãn mong muốn của nhóm người này, nhưng đôi khi lại gây bức xúc cho nhóm người khác.
Trong kinh tế học hiện đại, vốn xã hội, vốn văn hoá được xem là nguồn vốn vô hình, nguồn vốn ngoại kinh tế. Vốn xã hội, vốn văn hoá có thể chuyển hoá thành nguồn vốn kinh tế, nguồn vốn hữu hình. Vốn xã hội bao gồm hệ thống các mạng lưới xã hội, niềm tin của con người trong xã hội, khả năng kết nối để thực hiện các công việc trong xã hội. Một khi xã hội tràn đầy niềm tin, con người dễ tìm đến nhau, hợp tác với nhau, đồng hành vượt qua những khó khăn, thách thức phía trước. Một khi xã hội mất niềm tin, con người có xu hướng tự co mình lại, dò xét, nghi ngờ người khác. Khi ấy, xã hội bị cắt rời từng mảnh, con người chỉ tự biết mình, tự bảo vệ mình, tự chăm lo cho mình. Khi ấy, sức mạnh của sự hợp tác, động lực phát triển của xã hội, sẽ bị bào mòn.
Con người chúng ta thường quan sát sự vật, hiện tượng thiên về hữu hình, điều dễ nhìn thấy, dễ diễn đạt. Trong khi ẩn dưới điều hữu hình là những yếu tố vô hình. Hữu hình thường hữu hạn. Vô hình thường không có giới hạn. Vậy, nông nghiệp có thể tích hợp các yếu tố vô hình để tăng thêm giá trị cho những kết quả, chỉ số hữu hình như năng suất, sản lượng? Và nhà báo không chỉ phản ánh, thông tin về những số liệu, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp, mà còn có thể đào sâu, tìm kiếm, chạm đến những giá trị vô hình của tài nguyên bản địa, truyền thống văn hoá, lịch sử, tinh thần cố kết cộng đồng,…
Nền nông nghiệp trải qua quá trình phát triển từ thuở hồng hoang - săn bắt hái lượm là chủ yếu, đến trồng trọt, chăn nuôi dần phổ biến, đáp ứng nhu cầu tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp, rồi dư thừa nông sản để trao đổi, mua bán. Có nhóm người chuyên trồng trọt chăn nuôi. Có nhóm người chuyên cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào. Có nhóm người đưa nông sản thu hoạch bán cho người khác. Mua bán chợ gần thì ít khách hàng, mua bán chợ xa thì nhiều người tham gia - người vận chuyển, người tồn trữ, người ngồi sạp chợ,... Từ những ngôi chợ làng truyền thống tiến đến những ngôi chợ hiện đại, những hệ thống phân phối, những chuyến hàng vượt trùng dương tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, số người tham gia càng ngày càng đông đảo. Từ tầng lớp một thời được gán cho hình ảnh “chạy chợ”, “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, tầng lớp doanh thương ra đời, bao gồm thương lái, nhà vựa, cho đến các doanh nghiệp tiêu thụ và kinh doanh nông sản.
Một hệ thống càng mở rộng với sự tham gia của nhiều người, càng thêm nhiều “mắt xích”. Tính gắn kết, bền chặt giữa các mắt xích dựa trên sự cân bằng, hài hoà về lợi ích, sự trân trọng, tin tưởng lẫn nhau. Lợi ích là điều kiện cần. Và niềm tin là điều kiện đủ, giữ cho các mối quan hệ xã hội phát triển bền vững. Lợi ích mất đi có thể bù lại, nhưng niềm tin mất đi, con người dễ rơi vào cảm xúc bị tổn thương, không dễ bù đắp ngày một ngày hai. Xây dựng niềm tin như tích củi bao năm, nhưng đánh mất niềm tin như đốt trụi trong một giờ.
Ngành nông nghiệp phát triển bền vững, khi mỗi ngành hàng nông sản trở thành chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị đó có sự tham gia của nhiều “mắt xích”. Không một “mắt xích” nào có thể tồn tại riêng lẻ. Nếu vì bất kỳ nguyên nhân gì đó, một trong những “mắt xích” bị đứt gãy, thì chuỗi giá trị cũng sẽ bị đứt gãy. Khi ấy, giá trị ngành hàng không những không được tăng thêm, mà lại bị sụt giảm, thậm chí mất đi. Vậy, khi viết về nông nghiệp, nhà báo không chỉ đưa tin, không chỉ phản ảnh hiện thực về những tồn tại, hiện tượng tiêu cực đây đó. Nhà báo biết cách khéo léo giữ lửa niềm tin cho những “mắt xích” tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.
Cảm xúc xuất phát từ trái tim, nhà báo tác nghiệp, hành nghề không chỉ dựa vào kiến thức, kỹ năng báo chí, truyền thông, mà cũng xuất phát từ trái tim. Ngòi bút chuyển tải những rung động của trái tim với nhiều cảm xúc tích cực. Khi ấy, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nông nghiệp không còn bi kịch, nông thôn không còn bi thương, nông dân không còn bi luỵ. Động lực thôi thúc mỗi người làm báo xuất phát từ tiếng nói sâu thẳm của trái tim! Như lời tâm sự của một nhà báo nổi tiếng: “Tôi trở thành nhà báo để có thể tiến gần hơn đến trái tim của nhân loại”.
Lê Minh Hoan
Theo baochinhphu.vn