30 năm xa cách

Trước khi được đôi vợ chồng người Pháp nhận làm con nuôi, chị Kim Hoa Gouguet (31 tuổi, tên khai sinh Nguyễn Thị Kim Hoa) là con út trong một gia đình có 7 người con ở Bình Dương.

Nhà nghèo lại đông con, chị em Kim Hoa không đủ cơm ăn, áo mặc. Khi Kim Hoa tròn 1 tuổi, mẹ chị lâm bệnh nên gia đình càng thêm túng quẫn. Thấy vậy, có người khuyên bố mẹ chị đem cho 2 đứa con nhỏ nhất.

Ban đầu, mẹ chị Hoa một mực từ chối. Nhưng khi được chồng khuyên là để các con có cuộc sống tốt hơn, bà cắn răng đồng ý. Sau cùng, Kim Hoa và chị gái Kim Huyền được đưa đến một cơ sở nuôi trẻ mồ côi ở quận Bình Thạnh, TPHCM.

Ba tháng sau, chị được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi và đưa về sinh sống tại Machecoul, miền Tây nước Pháp. Hai năm sau, ông bà nhận thêm một người con nuôi gốc Việt khác.

tim-me-1.jpg
Được vợ chồng người Pháp nhận nuôi, chị Kim Hoa có tuổi thơ hạnh phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị kể: “Tôi luôn biết mình được nhận nuôi nhưng vẫn có tuổi thơ ngọt ngào, hạnh phúc. Cha mẹ nuôi là những người đặc biệt. Họ yêu thương tôi, cũng biết ơn bố mẹ ruột và quê hương của tôi. Bố mẹ luôn muốn tôi biết về nguồn gốc của mình.

Bố mẹ nuôi luôn nói với tôi rằng, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Chỉ tiếc là khi ấy, quê hương tôi còn nghèo, bố mẹ ruột không thể nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho tôi. Đó là lý do bố mẹ ruột quyết định cho tôi đi làm con nuôi.

Nhưng nỗi đau của bố mẹ ruột đã đem lại hạnh phúc cho bố mẹ nuôi và cả tôi nữa. Vì thế, tôi chưa bao giờ hờn trách bố mẹ ruột đã bỏ rơi mình”.

Năm 12 tuổi, bố mẹ nuôi giục chị Kim Hoa lên kế hoạch tìm lại bố mẹ ruột. Chị từ chối vì cảm thấy chưa sẵn sàng. Dù vậy, hai người vẫn đưa con gái về Việt Nam.

Trong các chuyến về lại cố hương, chị Kim Hoa đều tìm đến nơi mình từng được chăm sóc trước khi đến Pháp. Dù vậy, chị vẫn chưa vội lên kế hoạch tìm kiếm cha mẹ ruột vì sợ thất bại.

Năm 2023, chị Kim Hoa trải qua nhiều khó khăn trong công việc dẫn đến trầm cảm. Để vượt qua bệnh tật, chị quyết định tổ chức chuyến du lịch về Việt Nam cho cả gia đình gồm chồng con và bố mẹ chồng vào tháng 2/2024.

Lần trở về này, chị Kim Hoa bí mật lên kế hoạch tìm kiếm bố mẹ ruột. Chị không cho bố mẹ nuôi biết kế hoạch của mình, vì sợ ông bà thất vọng nếu cuộc tìm kiếm không có kết quả tốt.

Trước khi sang Việt Nam, chị dành 2 tuần để nghiên cứu hồ sơ nhận con nuôi của bố mẹ mình ngày trước. Đây là lần đầu tiên chị biết tên tuổi bố mẹ ruột của mình.

Chị ngắm nhìn bức ảnh chụp lại cảnh đôi vợ chồng đứng cùng 7 đứa con người Việt mà chị được một nữ tu cung cấp từ năm 10 tuổi.

Chị kể: "Sau khi nhận nuôi tôi, bố mẹ nuôi vẫn giữ liên lạc với cơ sở nuôi trẻ mồ côi, nơi tôi từng được chăm sóc. Khi tôi 10 tuổi, có một nữ tu người Việt sang Pháp. Người này đến thăm và tặng cho bố mẹ tôi bức ảnh này. 

Khi tặng tấm ảnh, nữ tu cho rằng rất có thể những người trong tấm hình là bố mẹ, anh, chị em ruột của của tôi. Tôi luôn giữ bức ảnh này.

20 năm qua, nó luôn được đặt trên bàn trong phòng ngủ của tôi. Mỗi lần nhìn vào bức ảnh, tôi có một cảm giác rất đặc biệt dù không biết diễn tả nó như thế nào”.

tim-me-2.jpg
Bức ảnh chụp đầy đủ thành viên gia đình chị Kim Hoa trước khi chị được cho đi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hạnh phúc tột cùng

Nhớ lời nữ tu năm xưa, chị Kim Hoa chụp lại tấm ảnh, chuyển nó cho một người bạn mới quen người Việt Nam. Khi xem bức ảnh, người này cho biết cơ hội tìm thấy bố mẹ ruột của chị Kim Hoa rất khả quan.

Sau đó, chị Kim Hoa cùng gia đình sang Việt Nam, đến TPHCM gặp gỡ những người bạn có lòng tốt muốn giúp mình tìm lại gia đình. Một ngày sau khi gặp, các thông tin, hình ảnh, video về việc chị Kim Hoa muốn tìm bố mẹ ruột xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí.

Chỉ 2 tiếng sau khi tấm ảnh chụp đôi vợ chồng cùng 7 đứa con được đăng tải lên mạng, nhóm người giúp chị Kim Hoa đã nhận về kết quả vượt mong đợi. Họ tìm thấy cặp vợ chồng rất có thể là bố mẹ ruột của chị Kim Hoa.

Chị kể: “Lúc đang lên máy bay để trở về Pháp, tôi nhận được cuộc điện thoại của người bạn thông báo: 'Kim Hoa, chúng tôi tìm thấy bố mẹ cậu rồi'. Tôi không dám tin. Tim tôi đập thình thịch.

Cô ấy đề nghị tôi ở lại Việt Nam đến đoàn tụ với bố mẹ ruột. Nhưng vì nhiều lý do, tôi không thể. Thế là tôi lên máy bay, lòng nặng trĩu, đầy nghi ngờ, bất an nhưng cũng tràn ngập niềm vui”.

Đến Pháp, chị Kim Hoa bất ngờ khi biết rằng tại Việt Nam, gia đình ruột thịt dưới sự hỗ trợ của một số người đang chờ đợi mình qua hình thức gọi trực tuyến. Chị rưng rưng xúc động khi nhận ra mình có đến 6 anh chị em.

Thông qua màn hình, chị gặp gỡ bố ruột là ông Nguyễn Văn Bang, mẹ ruột là bà Thân Thị Nga cùng anh chị và 11 đứa cháu của mình. Cũng trong lần gặp này, chị hứa sẽ tìm bằng được chị ruột Kim Huyền, người cũng được cho làm con nuôi.

tim-me-3.png
Chị Kim Hoa (người thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng người thân sau khi có buổi đoàn tụ đầy cảm xúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, ngày 7/5, chị Kim Hoa đã tìm được chị ruột của mình. Hiện, chị Kim Huyền, 34 tuổi, đã lập gia đình, có con và đang sinh sống gần thành phố Orléans, Pháp, cách nhà chị Kim Hoa khoảng 4 giờ lái xe.

Cuối tháng 7, chị Kim Hoa cùng chồng con, bố mẹ nuôi trở lại Việt Nam để đoàn tụ với gia đình ruột thịt. Nhóm người từ TPHCM tìm về ngôi nhà nhỏ của ông Bang, bà Nga tại thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo, Bình Dương).

Khi gặp lại nhau sau 30 năm xa cách, các thành viên giữa 2 gia đình Việt - Pháp ôm chầm lấy nhau trong nước mắt tuôn trào. Chị Kim Hoa và bố mẹ ruột nhận nhau trong niềm hạnh phúc tột cùng.

Chị chia sẻ: “Cho đến lúc này, tôi cũng không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả được những gì mình đã cảm nhận vào hôm đoàn tụ gia đình sau 30 năm thất lạc.

Tôi có một niềm vui vô bờ bến, xen lẫn chút cảm giác xa lạ. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của mọi người dành cho mình dù chưa từng gặp nhau suốt 30 năm qua.

Sau niềm vui, hạnh phúc tột cùng, khoảng trống trong trái tim, tâm hồn của tôi đã được lấp đầy. Cuộc gặp gỡ thật kỳ diệu và diễn ra như một phép màu.

Từ câu chuyện của mình, tôi mong rằng những bậc cha mẹ nhận con nuôi hãy cho con biết về nguồn cội, quê hương của mình.

Những bạn được nhận nuôi ở nước ngoài có ý định tìm lại bố mẹ ruột thì đừng bao giờ tuyệt vọng. Nếu bạn ở nước ngoài, trước tiên hãy tìm hiểu về quê hương, nguồn cội của mình.

Sau đó, hãy tạo kết nối với người dân, chính quyền nơi mình được sinh ra và đồng hành cùng những người bạn có thể tin cậy tại đây. Cuối cùng, hãy tận dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội trong việc tìm kiếm”, chị nói thêm.