Là huyện miền núi, vùng cao nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông xác định hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu kết hợp du lịch.
Để phát triển du lịch, huyện đã phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xây dựng các sản phẩm du lịch; hình thành các hợp tác xã; đầu tư hạ tầng; kêu gọi các công ty lữ hành xây dựng các tour,...
Nhờ đó du lịch Tu Mơ Rông đã có nhiều bước phát triển, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Khách đến đây thích thú các sản phẩm du lịch mạo hiểm, phượt, caravan, mô tô địa hình, cắm trại ngắm đồi săn mây. Đặc biệt, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu là loại hình du lịch riêng có của Tu Mơ Rông đã tạo được dấu ấn với du khách.
Theo thống kê, năm 2023, có 10.000 khách du lịch đến huyện. Lượng khách tuy không lớn nhưng theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UNBD huyện Tu Mơ Rông, đó là kết quả nỗ lực của địa phương trong việc biến tiềm năng thiên nhiên, giá trị truyền thống của người dân tộc bản địa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, được khách nồng nhiệt đón nhận.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Muốn hướng tới chuyên nghiệp hóa và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch địa phương, Tu Mơ Rông phải nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực du lịch. Theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024, từ tháng 4, UBND huyện Tu Mơ Rông đã lựa chọn các học viên tham gia học tập về làm du lịch cộng đồng tại TP.HCM trong thời gian 6 tháng.
Tham gia giảng dạy là các chuyên gia, doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành du lịch. Trong thời gian đào tạo, các học viên sẽ được học lý thuyết với các kiến thức liên quan đến tổng quan du lịch Việt Nam, định hướng phát triển du lịch Kon Tum; các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du lịch; tổ chức sự kiện, dẫn chương trình; đào tạo nhân viên du lịch và các kiến thức liên quan đến thiết kế, giới thiệu sản phẩm du lịch… Sau đó, học viên được đưa về thực hành tại khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) để thành thục các kỹ năng.
Học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đều được lựa chọn từ các thôn làng có điểm phát triển du lịch cộng đồng, đã có khách du lịch đến. Kết thúc khóa học, học viên về quê sẽ làm việc tại chỗ.
Theo ông Võ Trung Mạnh, qua 6 tháng, có thể thấy rõ học viên tham gia lớp đào tạo của huyện đã có sự tiến bộ rõ rệt, nhất là khả năng giao tiếp, trình độ quản lý, cách điều phối sự kiện, thiết kế tour được nâng tầm. Huyện xác định những học viên này sẽ là những “hạt giống” đầu tiên để bắt đầu xây dựng nền du lịch chuyên nghiệp. Họ sẽ trực tiếp phục vụ du lịch, tổ chức truyền dạy lại cho đồng bào quê hương mình.
Có thể nói, chương trình đào tạo đã giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa bản địa, lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện sẽ đánh giá lại hiệu quả và mở rộng thêm đề án đào tạo dịch vụ du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Hiện đã có nhiều công ty du lịch tài trợ kinh phí đào tạo nhân lực để du lịch cộng đồng của đồng bào Xơ Đăng ngày càng phát triển. Qua đây, địa phương cũng mong muốn thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ năm 2024, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục tập trung xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch riêng như “trải nghiệm, tham quan vườn sâm Ngọc Linh” để tăng sức hút với du khách. Khách đến đây tiêu tiền thông qua việc mua những sản phẩm dược liệu có giá trị của đồng bào, hoặc tham gia vào làm kinh tế dược liệu, nhà máy chế biến.