Sau nhiều năm yên ắng, hàng rừng “giấy phép con”, “giấy phép cháu” - được ví như những chiếc vòi bạch tuộc - lại mọc ra đang được đồng loạt cắt bỏ. Thế nên, việc dẹp bỏ các loại giấy phép bất hợp lý là không thể trì hoãn. Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong năm qua đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thể nói, trong vấn đề này, khi 'chiếc máy xén' cắt bỏ giấy phép con đã khởi động đã không có chỗ cho tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' như nhiều người lo ngại.

Sức lan tỏa của cắt giảm giấy phép con

4 năm trước, vào ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi đó, bộ ngành còn thờ ơ, còn địa phương thì lơ mơ. Nhiều người đã e ngại quyết tâm chỉ nằm trên giấy.

Tháng 6/2015, Chính phủ họp phiên trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ trình bày về Nghị quyết 19/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi ấy là ông Bùi Quang Vinh đã phải nhấn mạnh có 2 nghị quyết 19. Một nghị quyết 19 của năm 2014 và một nghị quyết của năm 2015. Phải lưu ý điều này, vì theo ông Bùi Quang Vinh, “nhiều tỉnh có khi không biết đến Nghị quyết 19 năm 2015”.

{keywords}
Cắt giảm giấy phép con là việc không thể trì hoãn. Tranh minh họa

Tính đến nay, bốn Nghị quyết 19 đã được ban hành. Một trong những nội dung quan trọng trong các Nghị quyết 19 là cắt giảm giấy phép con bất hợp lý, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, làm ăn kinh doanh. Bởi sau nhiều năm yên ắng, hàng rừng “giấy phép con”, “giấy phép cháu” đã được ví như những chiếc vòi bạch tuộc, mọc ra hành hạ người dân, DN.

Các bộ ngành, địa phương cũng chẳng còn lơ mơ hay xa lạ gì với nội dung này. Khi Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực vào 1/7/2015, cuộc chiến với “giấy phép con” được đẩy lên một nấc thang mới. Tất cả các điều kiện kinh doanh được quy định trái luật ở cấp thông tư sẽ phải bãi bỏ, hoặc phải nâng lên thành Nghị định trước ngày 1/7/2016.

Trong quá trình xây dựng các nghị định này, nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đã được bỏ, nhiều lĩnh vực mới được đưa vào. Nhận xét về quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương gần đây cho rằng: Nhiều điều kiện kinh doanh không được đánh giá lại, vẫn gây ra nhiều chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Kết quả là, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016.

Đồng loạt khởi động máy xén cải cách

Sau 1/7/2016, nhiều điều kiện kinh doanh đã được nâng lên cấp Nghị định nhưng vẫn còn hàng nghìn giấy phép con đề nghị được cắt giảm.

Nhiều bộ, ngành tiếp tục rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà nói như nhiều chuyên giá là phải có một chiếc máy xén để cắt bỏ dứt điểm các giấy phép con làm khó DN.

{keywords}
Nhiều bộ ngành đang tích cực cắt giảm giấy phép con. Ảnh: L.Bằng

Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bộ này quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình (cắt giảm khoảng 55%).

Như một sự ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương, ngay tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt bút ký Nghị định 08, chính thức cắt giảm 675 điều kiện trên.

Tiếp theo đó là Bộ NN-PTNT khi trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Bộ Xây dựng cũng đề xuất xây dựng một "siêu Nghị định", theo đó sẽ bãi bỏ 41,3% tổng số điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 43,7% điều kiện kinh doanh.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi chứng kiến có sự tích cực và chủ động của các bộ ngành trong việc rà soát, cắt bỏ giấy phép con như năm 2017. Trước đó chỉ thấy sự tích cực từ phía Chính phủ. Cho dù thế nào đi nữa, cá nhân tôi đánh giá rất cao nỗ lực ban đầu của Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, bãi bỏ. Họ hành động trước khi có Nghị quyết của Chính phủ về giao chỉ tiêu".

“Sự chủ động tích cực đó là một hiện tượng mà theo tôi là chưa từng có xảy ra trong lịch sử cắt giảm giấy phép con”, ông Hiếu đánh giá.

Trong những lần phát biểu trước công luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn thể hiện tinh thần quyết tâm cắt bỏ giấy phép con, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 là yêu cầu quan trọng trong năm 2018. “Những vướng mắc nào, những công việc gì cần triển khai thì các đồng chí xác định cho rõ đây là nội dung công tác quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề, tại sao có tỉnh làm rất tốt về cải thiện môi trường đầu tư như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp hay mô hình một cửa liên thông hiện đại nhưng còn địa phương ì ạch, vẫn còn tư duy bao cấp xin - cho.

Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng,... đã làm tốt việc này, mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục, đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, cho rằng hiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, Thủ tướng cảnh báo “anh cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình,... là vấn đề nguy nan”.

Lương Bằng