Nhưng đây chỉ là 2 ví dụ trong một tổng thể: 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã viện dẫn 12 nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ. Nhưng trong báo cáo này, Bộ Giao thông Vận tải đã không trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: Bao giờ thì dự án này đi vào hoạt động. Mở ngoặc thêm, là dù đã hoàn thành 99% tiến độ. Mặc dù chỉ còn mỗi khâu kiểm định.

Quá nhức nhối, cả ở tổng vốn đầu tư đội từ 550 triệu USD, vọt lên 891,9 triệu USD (đội giá thêm 339,1 triệu USD, tăng gần 40%).

Cả ở số “lãi, gốc phát sinh”  650 tỉ mỗi năm.

{keywords}
Cát Linh- Hà Đông chưa biết ngày vận hành, Dự án Yên Viên- Ngọc Hồi, đội vốn từ 9.197 tỉ lên.... 81.537 tỉ

Và cả ở tiến độ: Dự kiến khai thác 2015 và bây giờ, thậm chí còn không có câu trả lời - sau 3-4 lần “lỗi hẹn”.

Nhưng có vẻ, Cát Linh- Hà Đông chưa phải là kỷ lục buồn, chưa phải là sự trả giá cuối cùng.

Bởi cùng với Cát Linh - Hà Đông, cũng nằm trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, dự án metro số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) sau 15 năm có chủ trương đầu tư giờ vẫn... nằm trên giấy.

Kế hoạch ban đầu, 2013-2020 giờ đã vỡ tiến độ, đã phải “điều chỉnh” sang giai đoạn 2017-2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến thời điểm này, việc dự án quá đì đẹt đã khiến tổng mức đầu tư dự án từ 9.197 tỉ đồng lên đến 81.537 tỉ đồng (tức gấp 9 lần dự toán ban đầu).

Ai cũng biết, hoặc chính xác thì không ai dám cam kết 81.537 tỉ là con số cuối cùng.

Sự “chắc chắn” này có cơ sở rõ ràng.

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số, 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện trong năm 2018, có tới 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí.

Những con số, những tình trạng này tràn lan từ trung ương cho tới địa phương. Nó càng đau đầu hơn trong tình trạng vừa thiếu tiền đầu tư xây dựng cơ bản, vừa không thể tiêu được tiền.

Hãy thử đặt câu hỏi tại sao. Tại sao trong tổng số vốn bố trí 631.695 tỉ đồng, lại chỉ giải ngân được 463.717 tỉ.

Và câu trả lời là thiếu tiền hóa ra không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự chậm tiến độ tràn lan.

Dù vay vốn ODA, dù từ ngân sách nhà nước thì cuối cùng vẫn là tiền thuế của dân, vẫn là do dân trả nợ. Và con số gần 1.800 dự án chậm tiến độ này phải được xem là một báo động đỏ. Bời đơn giản là chậm tiến độ đồng nghĩa với đội vốn khủng khiếp.

Một dự án, “delay” cả chục năm, một dự án, tăng tổng vốn đầu tư gấp 9 lần. Đó là có lỗi với tiền thuế của dân, đó là không thể chấp nhận được.

(Theo Lao Động)