Vụ nổ bom tại sân bay Ataturk, Istanbul, hôm 28/6 đã khiến gần 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, ít nhất một trong ba kẻ đánh bom liều chết đã xả súng, sau đó cho bom phát nổ tại nhà ga quốc tế sân bay Ataturk.
Quang cảnh tại sân bay Ataturk sau khi bị khủng bố tấn công hôm 28/6. Ảnh: Reuters |
Vụ nổ đầu tiên xảy ra ở ngoài sảnh, vụ nổ thứ hai tại khu vực an ninh ra vào sân bay.
Ataturk là sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và đông đúc thứ 11 thế giới. Đây vốn được coi là một trong những sân bay an toàn nhất thế giới.
Hiện giờ, mọi nghi vấn về thủ phạm đánh bom đều hướng tới phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bố trí thêm các chốt an ninh tại lối vào sân bay Ataturk trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Istanbul vài tháng qua. Nhưng những kẻ đánh bom vẫn có thể cho phát nổ bom ngay tại chốt an ninh ở cửa vào sân bay.
Tờ Business Insider cho hay các biện pháp này vẫn là chưa đủ để ngăn các vụ tấn công.
Trên thực tế, không chỉ có sân bay Ataturk, mà với hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều hiện diện các nguy cơ về an ninh, khiến khủng bố có thể lợi dụng để tấn công.
Bản thân các quầy kiểm tra an ninh tại sân bay cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Và việc ngăn các vụ tấn công tại những khu vực công cộng ở sân bay là điều khó khả thi.
Hồi đầu năm nay, một vụ tấn công tương tự cũng xảy ra tại sân bay Brussel, Bỉ. Tờ Times lưu ý, nhiều sân bay đã bổ sung thêm các chốt kiểm tra an ninh, chẳng hạn như các máy quét an ninh hành khách và hành lý tại lối ra vào sân bay, hoặc kiểm tra các phương tiện ra vào sân bay.
Trao đổi với tờ New York Times, các chuyên gia cho rằng, những chốt an ninh bổ sung tại sân bay cũng có thể rất phản tác dụng và không hiệu quả.
Hàng dài an ninh xếp tại các lối ra vào sân bay cũng không làm giảm các nguy cơ, mà còn trở thành các mục tiêu tấn công mới.
“Tại nhiều quốc gia, người dân phải trình hộ chiếu và vé tại lối ra vào sân bay. Việc này nhằm ngăn những người không phải hành khách lên tàu bay, nhưng việc đó cũng không cản được một kẻ đánh bom, vì chúng vẫn có thể mua vé như mọi người bình thường” – Norman Shanks, cựu quản lý an ninh tại sân bay Heathrow, London, cho hay.
Khu vực ký gửi hành lý là nơi hầu như mọi người đều tiếp cận, cũng là một trong những mục tiêu tiềm năng.
Tờ The Times dẫn lời Philip Baum, giám đốc điều hành của hãng tư vấn an ninh hàng không Green Light tại London, nhận định: “Nếu bạn nhìn lại những nơi trên thế giới từng xảy ra đánh bom tự sát, chúng thường có xu hướng phát nổ tại những chốt kiểm tra an ninh. Bởi vì đây là khu vực có rất nhiều người xếp hàng chật ních. Nếu có thêm những dòng người xếp thành hàng dài ở các chốt an ninh, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo thêm các mục tiêu mới (để chúng tấn công)”.
Lê Thu