Uống rượu, bia khi lái xe: Phạt 18 triệu đồng, tước bằng lái xe 6 tháng

Theo các quy định trong Nghị định mới của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, những tài xế có nồng độ cồn quá mức quy định khi lái xe sẽ chịu mức phạt lên tới 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đến 6 tháng.

Cụ thể, đối với các tài xế điều khiển ô tô khi tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 16 - 8 triệu đồng (mức phạt cũ là 10 - 15 triệu đồng). Ngoài ra, các hành vi vi phạm này sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Mức phạt vi phạm đối với người điều khiển xe máy tương ứng là 3 - 4 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Nghị định mới cũng quy định rõ đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, người tham gia điều khiển ô tô sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng nếu không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. 

Mức phạt này cũng được áp dụng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt như trên.

Lạng lách, đánh võng: phạt 8 triệu đồng

Nghị định 46 quy định mức phạt từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ.

Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Ô tô vượt đèn vàng: phạt 2 triệu đồng 

Quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46/2016 nêu rõ, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ôtô sẽ bị phạt 1,2-2 triệu đồng nếu “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Nghĩa là việc vượt đèn vàng và đèn đỏ có mức phạt như nhau.

Như vậy, Nghị định mới quy định mức xử phạt nặng hơn gần gấp đôi so với mức phạt hiện hành đối với phương tiện vượt đèn đỏ là 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng.

Tương tự, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác bị phạt 60.000-80.000 đồng; người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), bị phạt tiền 300 - 400 nghìn đồng; người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn vàng bị phạt 400 - 600 nghìn đồng.

Không bật đèn xe khi tham gia giao thông

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định rõ, từ 1/8 tới, người điều khiển các phương tiện giao thông như: xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn và sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.

Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị xử phạt từ 80 - 100 nghìn đồng. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có mức xử phạt từ 600 - 800 nghìn đồng. Mức phạt vi phạm đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ có mức xử phạt từ 200 - 400 nghìn đồng.

Vừa đi xe vừa nghe điện thoại

Trong quy định từ Nghị định mới, mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ tăng lên đáng kể so với các Nghị định cũ.

Cụ thể, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị phạt từ 100 - 200 nghìn đồng (mức phạt cũ là 60 - 80 nghìn đồng).

Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt từ 100 - 200 nghìn đồng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Ô tô vượt quá tốc độ: phạt nặng nhất tới 8 triệu đồng

Phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h; chạy quá từ 10 - 20km mức xử phạt là 2 - 3 triệu đồng; Chạy quá 20 - 35km mức xử phạt là 5 - 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Đối với hành vi chạy quá tốc độ trên 35km, mức xử phạt hành chính là 7 - 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Mức phạt đối với người điều kiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại tương tự xe mô tô và các loại tương tự như xe gắn máy vi phạm quy định về tốc độ cụ thể là phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h - dưới 10 km/h. Các mức xử phạt đối với việc chạy quá tốc độ từ 10 - 20km là 500 - 1 triệu đồng và chạy quá trên 20km sẽ bị phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.