Bà Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng nhân sự công ty GMO-Z.COM RUNSYSTEM - một công ty về công nghệ thông tin của Nhật - cho biết như vậy về quá trình đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực.
Bằng giỏi không nói lên tất cả
Bằng khá giỏi không phải là không tốt, nhiều bạn ứng viên khá giỏi khi vào làm việc phát huy được năng lực, phát triển được bản thân theo con đường chuyên gia hoặc con đường quản lý. Tuy nhiên, quan niệm có bằng khá giỏi mới thành công là không đúng trong tất cả các trường hợp. Thực tế, nhiều bạn tốt nghiệp loại trung bình, học các trường đào tạo nghề khi vào công ty có sự phát triển nhanh hơn một số bạn tốt nghiêp khá giỏi.
Tuyển dụng trên thế mạnh của ứng viên
Chúng tôi sẽ tuyển ứng viên có kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm cần cho công việc đó, cho dự án đó. Việc tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ đang rất nhanh và rất cạnh tranh, vì thể công ty phải có chiến lược tuyển dụng phù hợp để tuyển ứng viên phù hợp, cân đối với quỹ lương, dải lương.
Khi tuyển dụng, công ty chú ý tới tiêu chí "có thái độ tốt" như ham học hỏi, thích ứng nhanh, luôn biết tự cập nhật kiến thức và kỹ năng, tự hoàn thiện phát triển bản thân.
Một tiêu chí khác nữa là phù hợp với văn hóa doanh nghiệp: Ứng viên có thiên hướng hành vi và tích cách phù hợp với văn hóa làm việc, các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (trung thực, trách nhiệm, nhiệt huyết và chuyên nghiệp).
Liên tục đào tạo sau tuyển dụng
Công ty thực hiện nhiều chương trình khác nhau như Internship (dành cho sinh viên năm 3,4), chương trình đào tạo Fresher (dành cho sinh viên năm cuối): mục đích là chọn lọc được các ứng viên theo các tiêu chí trên.
Công ty đánh giá kết quả thực hiện của các bạn sinh viên qua từng giai đoạn để từ đó chọn lọc, tạo nguồn tuyển dụng nhân viên chính thức. Chính vì vậy, quan trọng là các bạn sinh viên thể hiện mình và phát huy được các điểm mạnh của mình như thế nào để “đi tiếp” với nhà tuyển dụng.
Dĩ nhiên, trong các chương trình này, công ty cũng sẽ bố trí các Mentor (người hướng dẫn) để đồng hành cùng sinh viên, giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc, định hướng cho sinh viên tự tìm hiểu thêm về công việc, công nghệ…
Công ty còn xây dựng khung năng lực cho các vị trí công việc, làm cơ sở để tuyển dụng, đánh giá năng lực nhân viên định kỳ, từ đó để có cơ sở đào tạo và phát triển nhân viên, bao gồm các nhóm năng lực cốt lõi, nhóm năng lực bổ trợ, nhóm năng lực quản lý, nhóm năng lực chuyên môn. Ví dụ: ở nhóm năng lực cốt lõi: gồm các năng lực Định hướng khách hàng, Định hướng chất lượng, Làm việc nhóm, Đổi mới và sáng tạo. Nhóm năng lực bổ trợ: gồm các năng lực Giải quyết vấn đề, Giao tiếp, Thuyết trình, Phân tích và tổng hợp, Viết văn bản và báo cáo, Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ,…Trong các nhóm năng lực này, không có năng lực nào được gọi là tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi hay xuất sắc. Đã nhiều năm nay, Công ty đã không dùng tiêu chí xếp loại bằng cấp như là một điều kiện khi tuyển dụng.
Hợp tác với trường đại học
Công nghệ thông tin có lẽ là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong vấn đề đào tạo. Các trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp thì thường đưa ra yêu cầu doanh nghiệp sẽ tham gia giảng dạy trong chương trình. Có những trường được xem là hàng đầu của Việt Nam hiện nay thường dành các sinh viên xuất sắc cho những chương trình hợp tác với các công ty lớn, thường là công ty đa quốc gia hoặc tập đoàn lớn trong nước có làm ăn với nước ngoài. Các công ty này ngoài việc cử người sang trường đào tạo, còn đồng hành với trường học và sinh viên như tài trợ học bổng, hỗ trợ chi phí đào tạo từ năm thứ nhất. Thị trường lao động cạnh tranh và "hút" nguồn nhân lực lớn, nên cũng có những bất cập như: nhân lực đôi khi có thái độ công việc chưa tích cực vẫn "có quyền" từ chối tuyển dụng.
Doanh nghiệp luôn cần ứng viên có kỹ năng "học suốt đời"
Nhìn chung, để phát triển trong sự nghiệp, thì ở nghề nghiệp nào đều rất cần ở nhân sự tố chất đam mê. Điều này càng thấy rõ ở lĩnh vực công nghệ. Có những nhân sự ban đầu tốt nghiệp ở một trường đại học nào đó như khoa học, kinh tế nhưng vẫn thấy đó chưa phải là điều đam mê của mình, đã tiếp tục theo học các chương trình đào tạo khác như vừa học vừa làm, từ xa hay chỉ là học ở các trường nghề, nhưng nhờ sự đam mê và khả năng tò mò học hỏi đã từng bước trưởng thành. Trong nghề công nghệ đánh giá cao khả năng tự nghiên cứu tìm tòi. Trường đại học không ai dạy hết cho bạn mọi ngôn ngữ lập trình, khi ra trường rồi thì xu hướng công nghệ thay đổi từng ngày. Chúng tôi đánh giá cao những ứng viên có động lực tìm tòi, năng lực học thêm 1 ngôn ngữ lập trình mới để có thể "2 tay 2 súng", những người có khả năng chuyển đổi ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Ngay trong lĩnh vực chuyên môn của tôi là quản trị nhân sự, thì tốt nghiệp một trường đại học nào đó (thường là ngành luật, kinh tế hay quản trị) thì để thành công trong công việc cũng phải "học suốt đời". Bằng cấp giỏi hay khá có thể là nền tảng để giúp cá nhân lĩnh hội kiến thức mới nhanh hơn, nhưng không phải là tất cả. Nói như vậy không có nghĩa là trường đai học được phép "đào tạo thế nào cũng được", hay sinh viên trong quá trình học cũng không cần phấn đấu. Để tuyển dụng nhân lực "làm việc thật" hiện nay, các công ty thường dựa trên năng lực và thế mạnh của ứng viên, việc phân loại bằng cấp không phải là tiêu chí hay điều kiện. Các trường đại học và sinh viên nắm bắt được xu thế này để điều chỉnh và thích nghi với thị trường lao động sẽ "nâng giá trị đào tạo" cũng như nâng giá trị bản thân lên tốt hơn.
Hạ Anh (Ghi)
Nâng tại chức lên hay kéo chính quy xuống?
-Thách thức lớn nhất là các trường đại học đào tạo cả chính quy lẫn tại chức phải nhanh chóng đồng nhất chất lượng hai hệ đào tạo này.