Màn trình diễn áo dài truyền thống do các cán bộ, phu nhân ngoại giao và cộng đồng Việt Nam tại Nam Phi thực hiện trong chương trình Ngày hội Di sản Văn hóa quốc tế tại Nam Phi đã nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của quan khách và thể hiện mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc của các cán bộ, công dân sống xa quê hương.
11 bộ trang phục áo dài thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc và hình ảnh đất nước Việt Nam trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Ngày hội Di sản Văn hóa quốc tế tại Nam Phi. |
Ngày 28/9/2019, chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày hội Di sản Văn hóa quốc tế tại Nam Phi do Hiệp hội Phu nhân các phái đoàn ngoại giao tại Nam Phi (IDSA) tổ chức thu hút sự tham gia của 28 nước với hơn 30 tiết mục biểu diễn. Việt Nam tham gia hai tiết mục: trình diễn áo dài truyền thống và múa dân gian.
Bộ sưu tập áo dài với chủ đề Bắc – Trung – Nam, với họa tiết in trên tà áo là những địa danh mang tính biểu tượng quốc gia, trải dọc từ Bắc vào Nam gồm: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Cầu Long Biên, Sa Pa, vịnh Hạ Long, Đại nội Huế, chùa Thiên Mụ, phố cổ Hội An, chợ Bến Thành, và Sài Gòn hoa lệ, do nhà thiết kế Anh Thư thiết kế được trình diễn trên nền nhạc dân gian đương đại và lời thuyết minh về từng địa danh nổi tiếng gắn bó với chiều dài lịch sử và văn hóa dân tộc, đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong mắt bạn bè quốc tế, thể hiện vai trò “sứ giả văn hóa” của chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam.
10 bộ áo dài mang hình ảnh của 10 địa danh biểu tượng đất nước, cùng 1 bộ áo dài “verdette” được thiết kế cầu kỳ với màu cờ và sao vàng tổ quốc, những đóa hoa sen và chim hạc tượng trưng cho hòa bình, thịnh vượng của đất nước đã được các người mẫu không chuyên trình diễn trong niềm tự hào dân tộc sâu sắc, với sự hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của siêu mẫu kỳ cựu Trần Bảo Ngọc.
Bộ áo dài đặc biệt mang hình ảnh cờ tổ quốc và biểu tượng quốc hoa cùng nhà thiết kế Anh Thư đã nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của bạn bè quốc tế. |
Chương trình được tổ chức trong khuôn viên Đại sứ quán Hàn Quốc tại thủ đô Pretoria, Nam Phi, thu hút sự quan tâm của khoảng 300 khách tham dự đến từ 28 cơ quan đại diện ngoại giao. Toàn bộ tiền vé thu được tại sự kiện sẽ được sử dụng để gây quỹ từ thiện nhằm góp phần hỗ trợ cho các trung tâm bảo trợ xã hội tại nước sở tại.
Áo dài vốn được xem là quốc phục của người Việt, là sự vận động, cách tân cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật trong quá trình phát triển khiến Áo dài luôn hiện đại, phù hợp với tiến trình xã hội. Áo dài Việt Nam không chỉ là trang phục đẹp, là biểu tuợng về văn hoá, mà lâu nay, tà áo dài đã trở thành một “đại sứ văn hoá” của Việt Nam.
Huyền Sâm (từ Pretoria, Nam Phi)