Đang là một giám đốc marketing của một khách sạn lớn, Nguyễn Phi Vân lúc đó đầy kiêu hãnh, có phần sang chảnh nhưng chị cũng không thể ngờ có một ngày, chị trở thành người hầu phòng với nhiều giờ làm việc liên tục.
“Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, chia sẻ về trải nghiệm của tác giả Nguyễn Phi Vân – người đã lặn lội đi hết 60 nước trên thế giới, trải nghiệm qua nhiều công việc khác nhau, từ một chân chạy bàn đến vị trí tổng giám đốc của một tập đoàn hàng đầu thế giới trong suốt 20 năm.
Ở thời điểm mà “ngồi tại Sài Gòn bạn cũng đã phải cạnh tranh với anh Thái Lan mở quán ngay bên cạnh xe bánh mì của bạn”, thì việc trở thành một “công dân toàn cầu” không còn là sự dũng cảm nữa mà là sự bắt buộc, là con đường duy nhất để tồn tại, vươn lên.
Bằng trải nghiệm của một người Việt Nam đã “quảy gánh, băng đồng ra thế giới”, với bút pháp rắn rỏi mà tình cảm, bằng những chiêm nghiệm đời sống lắng đọng và những tâm sự chân chất nhưng khắc khoải đến cháy lòng của một người con yêu quê hương sâu sắc, và bằng cái nhìn của một nhà kinh tế quốc tế, Nguyễn Phi Vân đã mang đến một tác phẩm có sức lay chuyển và truyền nhiệt huyết cho tất cả những ai đang ấp ủ hoài bão quảy gánh, băng đồng. Thú vị hơn, tác giả cũng kể những câu chuyện nhỏ, đời thường và sự tương tác với giới làm kinh doanh và với người dân ở mỗi quốc gia mình đã đi qua. Mỗi câu chuyện là một góc nhìn nhân sinh quan sinh động, sâu sắc và hiện thực.
Tác giả Nguyễn Phi Vân giao lưu với độc giả tại Hà Nội. |
Trong buổi giao lưu với độc giả yêu sách tại Hà Nội, tác giả Nguyễn Phi Vân đã có những chia sẻ thú vị với VietNamNet xung quanh cuốn sách này.
Thưa chị, tiêu đề cuốn sách khiến độc giả tò mò, nó vừa thơ, vừa thực, chị có thể cho biết lý do tại sao chị lại chọn tiêu đề cuốn sách như vậy không?
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Gò Công Tây, Tiền Giang. Hình ảnh những người nông dân lấm lem bùn lầy với những đôi quang gánh trên vai đã in sâu vào tiềm thức của tôi. Tiêu đề cuốn sách cũng chính là hành trang của tôi khi bước ra thế giới.
Hành trang của chị là những ngày gồng gánh trên cánh đồng miền Tây? Tại sao chị lại có ý định đi ra thế giới, có ý niệm gì trong đầu không hay cứ nghĩ đi là đi?
Không hẳn, tôi sinh ra và lớn lên từ đó nhưng khi tôi quyết định ra thế giới, tôi đang có một vị trí mà nhiều người mơ không có. Năm 1998, tôi đang làm giám đốc Marketing của một khách sạn nổi tiếng ở Sài Gòn. Tôi lúc đó sang chảnh lắm. Tôi nghĩ mình là nhất, kiến thức có, tiếng Anh nói lưu loát, tôi cứ nghĩ mình cứ thế phát triển trong cái ngành của mình cho tới một ngày, tôi bị một bạn Mỹ nói mình là con ếch.
“Mày ở đây hoài như ếch ngồi đáy giếng. Không thấy thế giới thì làm sao mà phát triển?”, bạn tôi nói vậy. Bạn thử nghĩ xem, một người đậu thủ khoa đại học, năm thứ 4 đã được công ty nước ngoài mời về làm việc với mức lương mà bạn cùng lứa mơ ước, đi làm mấy năm đã thành trưởng phòng, một người đầy kiêu hãnh như tôi lúc đó tưởng mình đang ngồi trên nóc nhà thế giới bị nói là con ếch. Câu nói đó cứ như dao cắt vào trong thịt của tôi.
Tôi bảo, được, mày nói tao là con ếch à, tao chưa trả lời, câu trả lời tao ghim ở đó, tao sẽ đi ra thế giới, xem học được cái gì và xem mày mang cái gì ở thế giới về đây mà nói tao như vậy. Vậy sau 20 lần tắt đèn và bật đèn trong một đêm, tôi quyết định du học Úc.
Tôi đăng ký một khoá học ở Úc. Để có tiền trang trải cho việc học và sinh hoạt, tôi xin đi làm hầu phòng ở một khách sạn những ngày cuối tuần. Tôi phải dọn 16 phòng trong vòng 8 tiếng liên tục. Từ một giám đốc Marketing điều hành bao nhiều nhân viên, tôi phải đi làm hầu phòng. 6 tháng sau tôi chuyển sang làm bưng bê phục vụ bàn, tiếp tân khác sạn,..Cứ mỗi tháng tôi lại tìm cho mình công việc tốt dần lên, không hẳn vì tiền mà tôi tìm cách tương tác với các môi trường công việc khác nhau. Nếu nói về cảm giác lúc đó, chắc giờ không thể ngôn từ nào có thể diễn tả nổi. Nhưng nó là hành trang để tôi trở thành người hôm nay.
Tôi định vị bản thân mình ngay từ đầu là tôi là ai, và nếu như tôi không định vị như vậy thì có lẽ ngay từ đầu, khi tôi là một cô hầu phòng, tôi đã chán nản muốn chết đi cho rồi. Có nghĩa là, làm chuyện gì đi nữa, dù nhỏ đi nữa thì ban đầu, hãy làm thật tốt đi đã và phải định vị bản thân mình.
Và bây giờ, chị đã không còn là con ếch?
Đừng cho tôi là giỏi. Tôi không giỏi. Tôi chỉ cần mẫn nhập thất, cần mẫn hoạch định kế hoạch, cần mẫn triển khai và thực hiện những kế hoạch ấy mà thôi. Có khác chăng là tôi biết mình chẳng bằng ai, và thế là luôn luôn đặt trọng tâm phát triển và đổi mới bản thân mình. Và tôi sẽ không dừng ở đó.
Và hành trang qua 60 quốc gia như vậy, mỗi quốc gia đó đã dạy chị điều gì?
Mỹ dạy cho tôi bài học quý giá vô cùng về cái nếp suy nghĩ sáng tạo và đổi mới. Câu chuyện về quốc gia này đã nuôi lớn cho ếch tôi cam kết luôn phấn đấu vươn lên, thay đổi và phát triển bản thân mình.
Thái Lan dạy cho tôi bài học về sự cân bằng giữa nguồn vốn tâm hồn và vật chất, dạy tôi biết tự làm giàu bằng nụ cười và sự tử tế vốn có của dân tộc Việt Nam.
Cuốn Quảy gánh băng đồng ra Thế giới. |
Bài học lớn nhất trong hành trình buôn ba ra thế giới của chị là gì?
Những nước mà tôi đã qua, tôi thấy họ trân trọng giá trị cốt lõi của con người. Là con người là chính bản thân mình chứ không phải là người khác. Họ trân trọng sự tử tế của con người, làm gì cũng vậy, ngay cả kinh doanh cho đến quan hệ ngoài kinh doanh.
Tôi nhớ, hành trình ra thế giới, tôi có làm cho một công ty. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty lớn nói rằng: “Người có tiền, ai mà có khả năng là người ta mua được hết. Cứ trả tiền là mua được người có khả năng làm việc thôi. Nhưng người có tiền không mua được một người có trái tim. Và chúng tôi cần là cần những người không mua được”. Bạn nghe câu này thấy có đau không cơ chứ, thấm không có chứ.
Nhưng tôi rút ra một điều, nếu mình giữ được giái trị cốt lõi của mình, tôi là tôi, tôi chân thành, tôi tử tế tôi làm đúng thì mình lại được trân trọng nhiều hơn.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
“Ếch tôi thật ra cũng đã từng loay hoay không biết mình là ai và không biết mình đại diện cho điều gì nữa. Chọn chỗ làm vì lương cao, chọn công việc vì cơ hội, làm đông làm tây, thấy cơ hội nào cũng quơ quào. Sau này đi ra thế giới rồi, học được những bài học hay ho như Hong Kong rồi, mới tĩnh tâm ngồi suy nghĩ về định vị. Khi đã định vị mình là chuyên gia trong ngành trên thị trường quốc tế, tôi từ chối tất cả những công việc hay cơ hội nào không góp phần vào công cuộc hiện thực hoá định vị của tôi. Và ếch vẽ sơ đồ vi trùng, rồi dồn hết năng lượng của mình vào tất cả những thứ liên quan có thể giúp mình chạm vào điều mà mình định vị,” trích lời Nguyễn Phi Vân trong câu chuyện về Hong Kong - Thành phố Toàn cầu. |
Tình Lê