Tư duy và tầm nhìn mới

Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. 

Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội vàTP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, những định hướng, quan điểm tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai phát triển đô thị bền vững, nhằm xây dựng các đô thị ở nước ta tiệm cận các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. 

Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền các địa phương. Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn quốc hiện nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và trong công tác quản lý và quản trị đô thị nói chung.

Phó thủ tướng đề xuất cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.

Hoàn thiện thể chế cho quản lý, đầu tư, phát triển đô thị

Để thực hiện nghị quyết 06, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Theo đó, nhận thức rõ đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Cần nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương. Thực hiện kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho”, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. 

Đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững.  Thứ tư, thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. 

Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, các địa phương cần dự kiến nguồn lực cho tổ chức thực hiện và có các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực. 

Đô thị hoá ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế cho quản lý, đầu tư, phát triển đô thị. 

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng các chương trình hành động, quyết liệt triển khai. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị VN đánh giá, muốn xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm quy hoạch. Người làm quy hoạch cũng phải hiểu biết về các lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh tế. Nguồn vốn nào để thực hiện quy hoạch cũng phải tính đến…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Thế Hà – Phó Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Phú Long cho rằng, kiến tạo và tái thiết đô thị đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình đô thị hoá trên toàn quốc, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Ông Hà đề xuất, các nhà phát triển bất động sản cần bắt tay hợp tác, hợp lực kiến tạo nên những đô thị quy mô lớn với mục đích đồng bộ được cơ sở hạ tầng. 

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế cao. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Đảm bảo các đô thị mới đáp ứng tiêu chuẩn về hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá – giải trí cấp đô thị.

Đại diện Viettel đưa ra một số kiến nghị như cần xem xét cơ chế chính sách chia sẻ, sử dụng các hạ tầng như điện, chiếu sáng để phát triển hạ tầng kết nối (4G/5G/IoT) cho các trạm siêu nhỏ bảo đảm vùng phủ sóng cho các công nghệ kết nối khác nhau. Quy hoạch nền tảng internet vạn vật (IoT) chung cho các ứng dụng tiện ích công như (điện, nước, bãi đỗ xe, giám sát không khí môi trường) đây là nền tảng để thu thập dữ liệu và điều khiển thiết bị.

Duy Anh

Đô thị thông minh: Cần những tiêu chí cụ thể nào?Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị. Tuy vậy, việc triển khai vẫn gặp một số hạn chế, bất cập và khó khăn vướng mắc.