Có chính sách hỗ trợ, kết quả vẫn khiêm tốn
Cam Cao Phong (Hòa Bình) là một trong những thương hiệu nông sản được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Bà con nông dân áp dụng quy trình trồng trọt sạch, an toàn, đạt chuẩn VietGap và GlobalGAP, sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
Thế nhưng, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhìn nhận, cũng như nhiều loại nông sản khác, cam Cao Phong đang đối mặt không ít thách thức về mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, khó cạnh tranh với nhiều sản phẩm ngoại, chưa tạo được dấu ấn thương hiệu bền vững trong lòng người tiêu dùng.
Đây là câu chuyện chung nhiều năm nay của nông sản Việt, không chỉ riêng cam Cao Phong.
Xác định đưa nông sản lên sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả giúp tiêu thụ nông sản, góp phần khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt trên thị trường quốc tế, tháng 7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034 triển khai kế hoạch hỗ trợ người dân lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ sự hậu thuẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hai sàn TMĐT Postmart (Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Vỏ Sò (Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc đưa nông sản Việt lên sàn.
Tháng 6/2021, hơn 3 tấn vải thiều được sàn Vò Sò chuyển đến tay kiều bào tại châu Âu, đánh dấu mốc khởi đầu cho việc đưa nông sản tươi chất lượng cao ra thế giới qua nền tảng TMĐT do chính người Việt vận hành và phát triển, tạo động lực cho những chuyến hàng nông sản Việt xuyên biên giới tiếp theo.
“Đã có hơn 5,5 triệu tài khoản của hộ nông dân/hợp tác xã/doanh nghiệp với 150 nghìn sản phẩm đăng ký lên sàn Postmart; hàng chục nghìn tấn nông sản được tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng tôi vẫn hỗ trợ được nông sản Việt ra nước ngoài”, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Vietnam Post, thông tin.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của các sàn TMĐT Việt trong việc đưa nông sản Việt ra thế giới vẫn còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng.
Số liệu thống kê mới đây của Bộ NN-PTNT cho hay, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD, xuất khẩu sầu riêng, dừa và các loại trái cây nhiệt đới tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, sự đóng góp của các sàn TMĐT Việt vào kết quả trên khá mờ nhạt. Sàn Voso.vn chuyên về sản phẩm vùng miền đã ngừng hoạt động.
Tận dụng nguồn lực của đối tác ngoại
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý: Nông sản là mặt hàng có tính đặc thù, chỉ giữ giá trị dinh dưỡng tươi ngon trong khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT không chỉ đơn giản là lập cửa hàng online rồi đưa sản phẩm lên bán.
Các sàn TMĐT Việt muốn kinh doanh thành công mặt hàng nông sản thì nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn như kinh nghiệm của Trung Quốc, đó là phải đưa nông sản đến gần người dân hơn qua hệ thống cả online và offline.
Đối tác nhập khẩu nông sản Việt nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc. Sàn TMĐT nông sản Việt Nam có thể kết nối dữ liệu trực tiếp với các sàn nông sản lớn của Trung Quốc. Qua đó, nông dân/doanh nghiệp Việt có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng Trung Quốc, tránh rủi ro “được mùa mất giá” khi thương lái ép giá.
Gần đây, Vietnam Post, Viettel Post đã triển khai các kho ngoại quan ở Lạng Sơn, Bình Dương, Đà Nẵng... “Người dân/doanh nghiệp Việt có thể làm thủ tục thông quan lô hàng nông sản với Hải quan Trung Quốc ngay tại kho ngoại quan. Kết quả kiểm tra các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm dịch, chất lượng nông sản sẽ được thông báo ngay.
Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu có thể sớm đưa về để xử lý, tránh hư hỏng nặng, không thể giải cứu. Từ đó giảm rất nhiều chi phí cho các hộ nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu so với trước, khi nhiều chuyến hàng lặn lội lên tận biên giới rồi bị trả lại”, ông Tuấn đánh giá.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số đề xuất, doanh nghiệp Việt có thể kết hợp với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc để xây dựng những kho ngoại quan, điểm lưu trữ hàng hóa, điểm xuất khẩu nông sản theo đúng chuẩn của Trung Quốc. Như thế, nông sản Việt sẽ dễ thông quan hơn.
“Tất nhiên sẽ phải chia sẻ doanh thu, nhưng tôi nghĩ đây là bài toán win-win (đôi bên cùng có lợi). Khối lượng lớn nông sản Việt được xuất khẩu, giảm thiểu tỷ lệ hoàn trả vì chất lượng kém, sẽ đem lại doanh thu lớn cho nông dân/doanh nghiệp Việt.
Mặt khác, chúng ta có thể học hỏi cách ứng dụng công nghệ, quản lý, điều hành của đối tác Trung Quốc, từ đó có thể tự triển khai để xuất khẩu nông sản Việt sang những thị trường khác như châu Âu, Mỹ,... ”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Quảng bá giá trị văn hóa bản địa khi bán nông sản online
Mặt khác, ông Tuấn khuyến nghị các sàn TMĐT nông sản Việt Nam quan tâm đúng mức hơn tới hoạt động livestream bán hàng trong bối cảnh điều kiện hạ tầng công nghệ Internet băng rộng đã được đầu tư tốt.
“Những người làm livestream không chỉ bán nông sản mà còn quảng bá cả văn hóa vùng miền, kích thích phát triển du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương”, ông Tuấn nói.
Áp dụng tư duy theo cách mới, tại buổi ra mắt sàn TMĐT Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn) mới đây, Vietnam Post chính thức ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam, hướng tới mục tiêu đưa hàng triệu câu chuyện về nông sản Việt ra thế giới.
Hợp tác với nền tảng mua sắm giải trí TikTok là chiến dịch dài hơi của Vietnam Post dựa trên mạng lưới hơn 8.000 điểm bưu điện - văn hóa xã và hơn 10.000 cán bộ/nhân viên bưu điện - văn hóa xã trên toàn quốc.
“Sứ mệnh của bưu điện - văn hóa xã trong thời kỳ mới là kể những câu chuyện cuộc sống, truyền tải, quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa, gia tăng giá trị cho cộng đồng, chứ không chỉ nhằm mục đích bán hàng. Trước mắt, chúng tôi sẽ từng bước chinh phục một số thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... ”, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Sàn TMĐT Nông sản Bưu điện, chia sẻ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam, cho biết, phía TikTok sẽ cung cấp thêm công cụ để đội ngũ nhân viên bưu điện - văn hóa xã trở thành những “đại sứ” truyền tải câu chuyện làng xã, giới thiệu sản vật, hàng hóa của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Ngay trong quý I/2025, chúng tôi sẽ phát động chương trình cho cán bộ/nhân viên bưu điện - văn hóa xã làm video đầu tiên giới thiệu địa phương mình. Từ đó, lựa chọn 500 người ưu tú nhất, đào tạo họ thành hạt nhân, sau này đi đào tạo tiếp, để năm 2025 đạt mục tiêu 2.000 'đại sứ' của các địa phương”, ông Thanh nói.
Những câu chuyện độc đáo về đặc sản vùng miền và sự hấp dẫn về giá trị sản phẩm đem lại cho cộng đồng sẽ làm gia tăng giá trị cho nông sản Việt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khắp thế giới.