Phát triển khoa học - công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…”1 . Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học - công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tư duy và tầm nhìn đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hiện đại, không bị chi phối bởi các yếu tố nước ngoài, tự chủ phát triển khoa học kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ, công nghệ lõi, nhất là tự chủ từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất, phù hợp với điều kiện địa hình và cách đánh của Quân đội ta, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Những năm qua, công tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ quân sự luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự được tổ chức triển khai thống nhất, toàn diện, có bước phát triển mới, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật; từng bước hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự năm 2021. Ảnh qdnd.vn |
Đáng chú ý là, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong Quân đội, đạt hiệu quả cao. Thông qua việc triển khai các chương trình, đề án lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp, góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ trên một số lĩnh vực đặc thù; làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ đã có bước phát triển. Công nghiệp quốc phòng cơ bản có đủ năng lực để tự chủ, từ nghiên cứu đến sản xuất trong nước hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thiết yếu cho lục quân, thông tin liên lạc;... trong đó, đã chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện,… phục vụ chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới; bảo đảm kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế của các quân chủng, binh chủng, ngành, v.v.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học - công nghệ được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài, trưởng thành qua thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu trẻ, trình độ cao; đã thiết lập một số cơ sở nghiên cứu mạnh chuyên ngành và đa ngành; bước đầu xây dựng được mô hình doanh nghiệp Quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cơ sở vật chất đảm bảo nghiên cứu, ứng dụng từng bước được đầu tư, bổ sung, nâng cao năng lực phục vụ công tác nghiên cứu, thiết kế, kiểm tra, chế thử và sản xuất loạt. Hệ thống phòng thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo được đầu tư, đưa vào sử dụng với nhiều trang thiết bị tương đối hiện đại, trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ khoa học - công nghệ; đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức khoa học - công nghệ và nhà khoa học nghiên cứu, tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Tiềm lực, nguồn lực khoa học và công nghệ quân sự được nâng cao; công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường, số đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng nhanh. Hoạt động quản lý quốc phòng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn mã, tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa,… được duy trì chặt chẽ, ngày càng đi vào nền nếp.
Tuy vậy, hạ tầng khoa học - công nghệ của các viện nghiên cứu, nhà trường, đơn vị vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của khoa học - công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý khoa học - công nghệ với các đơn vị nghiên cứu, chế tạo, giữa các viện và trung tâm nghiên cứu chưa chặt chẽ; chưa có chính sách hữu hiệu tạo động lực, thu hút, khuyến khích cán bộ nghiên cứu toàn tâm với sự nghiệp khoa học - công nghệ, v.v.
Những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, khó đoán định, các nguy cơ an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn; chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến; sự xuất hiện của các loại vũ khí công nghệ cao cùng những nguy cơ trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, nhất là khu vực Biển Đông,… đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ quân sự lên tầm cao mới, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trực tiếp là nâng cao hiệu quả bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Theo đó, toàn quân, nhất là các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ. Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp cơ bản cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt và thực hiện. Đảng ta yêu cầu: “Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”2. Đồng thời, “Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu”3. Điểm nổi bật về tư duy mới của Đảng về vai trò của khoa học - công nghệ không chỉ nhấn mạnh việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực quân sự, quốc phòng, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm của phát triển khoa học - công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc.
Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung triển khai, đột phá vào nâng cao hiệu quả nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong đó, cần đẩy mạnh việc rà soát quân số, tổ chức, trang bị, nguồn lực khoa học - công nghệ của từng cơ quan, đơn vị, làm cơ sở điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ trong điều kiện mới. Quá trình rà soát, điều chỉnh phải bảo đảm khách quan, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tinh, gọn, mạnh, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và lực lượng. Cùng với tinh giảm một số bộ phận, khâu trung gian, tiếp tục đầu tư xây dựng các lực lượng đã được xác định tiến thẳng lên hiện đại.
Hai là, xác định rõ các chủ trương, định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội xác định: Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cùng với triển khai đồng bộ các mặt công tác, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó, chú trọng nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo,... cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả làm mục tiêu. Đồng thời, “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học và công nghệ”4. Đây là định hướng chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ quân sự theo lộ trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại đặt ra.
Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung thực hiện tốt việc triển khai và hoàn thành tổng kết các chương trình, đề án khoa học - công nghệ; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phát triển mới các chương trình, đề án khoa học - công nghệ trọng điểm khác. Cùng với đó, rà soát thống nhất quy hoạch nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật và các yêu cầu với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ. Xác định cụ thể nhu cầu, sản phẩm mua sắm, chuyển giao công nghệ và tự nghiên cứu thiết kế trong nước theo đúng chủ trương: sản phẩm nghiên cứu trong nước phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật tương đương sản phẩm nhập ngoại, nhưng giá thành phải thấp hơn. Kiên quyết không mua các sản phẩm quốc phòng (có chỉ tiêu tương đương) mà nước ta có khả năng sản xuất được.
Ba là, tiếp tục kiện toàn các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ theo hướng chuyên sâu, gắn với chức năng nhiệm vụ, gắn nghiên cứu với sản xuất. Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp chủ yếu để thực hiện việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ theo định hướng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực sở trường của các tổ chức nghiên cứu khoa học. Theo đó, các học viện, nhà trường hướng về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền; các viện nghiên cứu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, gắn với các cơ sở sản xuất quốc phòng. Chủ động phối hợp với các đơn vị ngoài Quân đội và doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các đơn vị trong Quân đội phải nâng cao khả năng hợp tác, tránh tình trạng độc quyền, vì lợi ích riêng của đơn vị; có cơ chế để các đơn vị ngoài Quân đội nắm bắt thông tin, nhu cầu để hợp tác, tuy nhiên, phải bảo đảm yếu tố bảo mật, giao nhiệm vụ có tính phân đoạn, độc lập, hướng vào thế mạnh của các đơn vị bên ngoài. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn, các đơn vị cần gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ với thiết kế, chế tạo, sản xuất, phục vụ đời sống và nhu cầu xã hội, góp phần quan trọng vào việc tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và xem đó là trụ cột quan trọng, đưa công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, Quân đội phải tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, đổi mới toàn diện cơ chế chính sách, cơ chế quản lý khoa học - công nghệ theo quy định của Nhà nước và đặc thù của Bộ Quốc phòng. Đây vừa là định hướng, vừa là yêu cầu cơ bản, nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ, cơ chế chính sách. Có cơ chế đãi ngộ, trọng dụng để huy động, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao cả ở trong và ngoài Quân đội phục vụ các nhiệm vụ khoa học - công nghệ khó, trọng tâm, trọng điểm. Có hình thức vận dụng phù hợp, cho phép cán bộ khoa học - công nghệ của các đơn vị nghiên cứu tham gia đàm phán, tư vấn, thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ; cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhằm tăng tính chủ động trong hoạt động khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh việc chuyển đổi, thành lập các doanh nghiệp khoa học - công nghệ tự chủ để đổi mới sáng tạo; trước mắt, kiên quyết thực hiện đối với các đơn vị nghiên cứu có tính lưỡng dụng. Đề xuất quy trình rút ngắn thời gian đưa vào triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng cơ chế đặc thù trong triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.
Năm là, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quân sự, chú trọng đầu tư tập trung phục vụ cho các hướng nghiên cứu chiến lược, ưu tiên, sản phẩm trọng điểm. Đây cũng là một định hướng, đồng thời là mục tiêu, yêu cầu cần thiết phải rà soát quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm trong Quân đội. Theo đó, tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm theo hướng ưu tiên phục vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm phục vụ quốc phòng. Thực hiện minh bạch việc quản lý tài chính của các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm được Nhà nước và Bộ Quốc phòng đầu tư. Cùng với tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực đặc thù, đặc biệt cho các chương trình, đề án nghiên cứu vũ khí, trang bị hiện đại cho Quân đội, nhất là đối với các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Chú trọng đầu tư sản xuất loạt các sản phẩm tự nghiên cứu, chế tạo, nhất là những sản phẩm có chất lượng tương đương, nhưng giá thành rẻ hơn nhập ngoại đưa vào trang bị trong Quân đội. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù về tỷ lệ dự phòng để bảo đảm ngân sách cho hoạt động nghiên cứu.
Các cơ quan, đơn vị cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp vào công tác bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất quốc phòng, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, doanh nghiệp quốc phòng giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu phát triển sáng tạo. Đẩy mạnh hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu, đào tạo ngoài Quân đội trên các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao; ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược. Gắn hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ với các chương trình khoa học - công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát huy thế mạnh của các đối tác, tận dụng vị thế địa lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; mở rộng hợp tác và tăng cường thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án liên kết, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển khoa học - công nghệ mới.
Thượng tướng, TS. LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 140.
2 - Sđd, tr. 140.
3 - Sđd, tr. 141.
4 - Sđd, tr. 141.
Theo tạp chí Quốc phòng toàn dân