Khi đứng trước một vấn đề "hóc búa", bạn thường làm gì? Thông thường, phần đông chúng ta sẽ trải qua một "quy trình" giải quyết vấn đề bắt đầu từ việc cảm thấy "có vấn đề", đến thu thập thông tin, phân tích, suy nghĩ giải pháp, thực hiện và chuyển sang vấn đề tiếp theo. Theo tác giả của cuốn sách Tư duy đột phá – GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler, nếu bạn giải quyết vấn đề như cách trên thì bạn đang thuộc 92% dân số sở hữu tư duy truyền thống - thuật ngữ hàn lâm là trường phái "giản luận hóa" (reductionism).
Với hơn 70 năm nghiên cứu chuyên sâu và áp dụng các phương pháp giải quyết vấn đề mới, GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler đã đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề hoàn toàn đột phá. Hai tác giả đặt tên phương pháp này là EBT (Extraordinary Breakthrough Thinking, dịch nghĩa là Đột phá phi thường).
EBT là một tập hợp quá trình để tiếp cận vấn đề, một tập hợp công cụ để tìm kiếm và hình thành nên những giải pháp đột phá, mang lại hiệu quả dài lâu. EBT bao gồm những nguyên lý, quá trình và công cụ mà người học cần thông hiểu để trở thành người có tư duy đột phá. Trong đó, 4 công cụ EBT bao gồm: Tư duy Phân kỳ - Hội tụ, Ma trận hệ thống, Câu hỏi thông minh, Mô hình xoắn EBT.
Tư duy đột phá là quyển sách quan trọng dành cho những người muốn phát triển kỹ năng và tài năng trong việc tạo ra những giải pháp sáng tạo. Sách là tập hợp những mẩu chuyện hay những kinh nghiệm của tác giả, nó sẽ chỉ ra những hướng đi mới mà không lệ thuộc vào người khác. Đây thực sự là điều quan trọng, bởi chỉ khi mình là người có những sáng kiến đột phá thì đó mới chính là thành công lớn nhất.
Sách đặc biệt phù hợp cho những nhà điều hành và quản lý, các lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động trong các ngành công nghiệp, chính phủ, tổ chức giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận cần có khả năng giải quyết vấn đề.
Cuốn sách Tư duy đột phá phiên bản 2020 là bản cập nhật nâng cao mới nhất, đã được kiểm định qua các trường hợp thực tế theo triết lý và cách tiếp cận của hai tác giả GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler. Phương pháp EBT trong sách cũng được tập hợp hoàn chỉnh thành hệ thống nguyên lý, phương pháp và công cụ giúp người đọc dễ dàng ứng dụng trong thực tiễn.
Gerald Nadler là tiến sĩ về Kỹ thuật Công nghiệp năm 1949 tại Đại học Purdue và là thành viên danh dự của Viện Nghiên cứu Vận hành và Khoa học Quản lý, Viện Kỹ thuật Công nghiệp quốc gia, Hiệp hội đào tạo Kỹ sư Hoa Kỳ ASEE. Ông được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoa Kỳ từ năm 1986 vì những đóng góp của ông vào việc phát triển kỹ thuật công nghiệp, khoa học kế hoạch liên ngành và tư duy thiết kế hệ thống. Năm 2014, ông mất khi tròn 90 tuổi tại Mỹ trong khi đang hoàn tất phần hiệu chỉnh cuối cùng của quyển sách này.
GS. TS. Shozo Hibino là một trong hai nhà sáng lập phương pháp Tư duy đột phá (Breakthrough Thinking). Từ những năm 1970, GS. Hibino và đội ngũ đã phát triển, phổ biến các triết lý, phương pháp tiếp cận, các công cụ thực hiện và xúc tiến áp dụng EBT tại các công ty, tổ chức Nhật Bản và toàn cầu như NEC, NTT, Toyota Group, Toto, Matsushita, Aisin, Denso,...
Đồng thời, trong hoạt động hỗ trợ chính phủ, GS. Hibino đã tham gia cố vấn về quy hoạch và Tư duy đột phá cho những cơ quan chính phủ trung ương và địa phương tại Nhật Bản, cũng như một số quốc gia. Với những đóng góp trong quá trình hoạt động, GS. Hibino đã được trao tặng các giải thưởng Phi Kappa Phi, Giải thưởng Ban Memorial lần thứ 14, Giải thưởng Best Paper, Giải thưởng Thành tựu Khoa học William A. Owens 1999.
Tình Lê
'Khi viết, người viết cô đơn nhưng khi có bạn đọc, tôi bớt cô quạnh'
Tác giả - hoạ sĩ Trịnh Lữ đã chia sẻ như vậy trong buổi ra mắt cuốn sách "Ghi chép" của mình về chuyện đời và chuyện nghề.