Ngày 19/12, tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý cùng bàn thảo, phân tích, tập trung đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện thực trạng văn học, nghệ thuật thời gian qua; chỉ ra những thành tựu, ưu điểm, cùng những bất cập, hạn chế, yếu kém; nhận diện xu hướng phát triển trong thời gian tới; trên cơ sở đó đề xuất những nội dung mới về chủ trương, giải pháp quan trọng, đột phá và khả thi để phát triển văn học, nghệ thuật từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết hội thảo đã nhận được hơn 150 tham luận của đông đảo cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí; các nhà quản lý, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước.
Khẳng định Nghị quyết 23-NQ/TƯ đã tạo bước chuyển đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà lên tầm cao mới, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; đã tập trung chăm lo, phát triển tài năng văn học, nghệ thuật thông qua cơ chế hỗ trợ sáng tác, đầu tư xuất bản, dàn dựng tác phẩm, đồng thời quảng bá tác phẩm.
Tuy nhiên, để tạo nền tảng cho phát triển văn học, nghệ thuật toàn diện, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật Văn học nghệ thuật; Chính phủ nên ban hành văn bản về Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật ổn định, lâu dài để khắc phục việc đầu tư dàn trải, đi vào đầu tư chiều sâu…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, còn khá nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng công nghiệp văn hóa. Theo ông, phải thay đổi nhận thức xã hội về các ngành công nghiệp văn hóa; coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực… nhằm khơi thông dòng chảy, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng đất nước.
Tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn; huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Việc phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ cần được chú trọng.
Ngoài ra, cần tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật, tạo cơ sở vững chắc xây dựng thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển đồng bộ, hiện đại trong bối cảnh mới.