Mắc khén
Mắc khén (hay còn được nhiều người gọi là tiêu rừng) là một loại gia vị đặc trưng và rất nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Mắc khén vốn là cây thân gỗ với mùa kết quả hàng năm là vào khoảng tháng 11.
Mắc khén thường được người dân tộc miền núi Tây Bắc kết hợp với hạt dổi làm gia vị trong hầu hết các món ăn, đặc biệt khi nướng thịt lợn, thịt gà, cá, làm thịt khô hay pha đồ chấm.
Cũng như hạt dổi, trước mắc khén được người dân tộc miền núi hái về phơi khô và bán với giá chỉ 5.000-20.000 đồng một kg. Nay chúng được rao bán với giá 300.000-350.000 đồng.
Anh Huy, người chuyên thu mua và bán hạt gia vị rừng ở quận 4, TP HCM cho biết, năm nào nhu cầu về mắc khén cũng tăng 20-30% so với năm trước đó. Mắc khén có mùi thơm dịu chứ không mạnh như hạt tiêu, không cay như ớt, mà tạo ra vị tê rần rần nơi đầu lưỡi khi nếm. Ngoài ướp gia vị chúng được dùng pha đồ chấm.
Mắc khén là một loại cây thân gỗ thuộc loại to, cao. Đậu hoa và ra quả vào tháng 11 hàng năm, ra hoa dạng chúm giống như hoa xoan. Khi thu hoạch, người dân bẻ nguyên cả chùm rồi đem về phơi hoặc hong khô trên bếp để dùng cả năm.
Mắc mật
Mắc mật hay còn gọi là móc mật, mác mật, hồng bì núi cũng là một loại gia vị núi rừng vô cùng nổi tiếng. Mắc mật cũng thuộc cây thân gỗ, trong đó loại cây này có thể sử dụng cả quả lẫn lá non để làm gia vị. Mắc mật có thể sử dụng cả khi tươi và khô, trong đó mùi thơm tập trung chủ yếu ở lá cây.
Trên thực tế, mắc mật được sử dụng trong rất nhiều món ăn vùng cao, mà phổ biến nhất là vịt quay và lợn quay Lạng Sơn. Ngoài ra, lá và quả mắc mật cũng được dùng để ngâm măng chua, rất bắt vị.
Quả mắc mật hơi giống hồng bì như nhỏ hơn. Khi quả còn tươi có vị hơi chua ngọt, có thể ăn tươi hoặc dùng làm gia vị ướp, nấu hoặc ngâm trong một số món ăn. Hoặc người ta có thể sấy khô rồi nghiền nhỏ làm gia vị.
Hạt dổi rừng
Trong số những loại gia vị này, đắt giá nhất phải kể đến hạt dổi rừng. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến hạt dổi rừng ở vùng Lai Châu. Về dổi tự nhiên thì chỉ có cây dổi lâu năm mới có thể cho quả, cho hạt. Hơn nữa, một cây dổi thường mỗi mùa chỉ có vài cân hạt nên dổi rừng rất đắt, một cân có thể lên tới 4 triệu đồng và thậm chí có tiền chưa chắc đã mua được.
Đây là loại loại hạt gia vị được người dân tộc miền núi phía bắc dùng ướp thịt và làm muối chấm thức ăn. Thời kỳ đầu, theo người dân địa phương ở Lạng Sơn, Hòa Bình, dổi ít khi bán thương phẩm, nếu bán cũng chỉ ở mức 35.000-100.000 đồng một kg. Những năm gần đây, hạt dổi được xem như đặc sản, giá tăng lên 650.000-750.000 đồng một kg và nay có nơi bán trên triệu đồng.
Chị Lan ở Lạng Sơn cho biết, cách đây 10 năm đi nhặt hạt dổi ở rừng mang về đựng vào ống nứa cất trên gác bếp. Nhưng 3-4 năm nay chúng trở nên được ưa chuộng nên cứ đến mùa là gia đình chị có thu nhập cao, nhờ đi săn hái hạt dổi. Đặc biệt, 2 năm gần đây thương lái vào tận bản tìm mua hạt dổi rất đông nên giá ngày càng đội lên cao.
Hạt dổi có 2 loại là hạt dổi nếp và tẻ. Loại hạt kích cỡ nhỏ có màu vàng và đen, ăn rất thơm là dổi nếp. Loại này đang được giới buôn bán giá 260.000-300.000 đồng một lạng. Loại hạt to là dổi tẻ, có màu đen nhưng không thơm bằng hạt dổi nhỏ, giá chỉ 150.000-180.000 đồng một lạng. Cây dổi tẻ có lá xanh và to hơn cây dổi nếp.
Loại gia vị này có mùi đặc biệt, khá giống mùi xá xị, hợp để ướp cùng thức ăn.
Hạt tiêu rừng
Không giống với hạt tiêu thông thường, tiêu rừng có vị thơm nhẹ nhàng không xộc lên mũi, cay nhẹ chứ không cay như hồ tiêu. Loại tiêu này mọc hoang rất nhiều ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt nhiều ở khu vực Măng Đen, huyện Kon Plong, Kon Tum - nơi khí hậu quanh năm mát mẻ. Hạt tiêu rừng có thể thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8.
Theo anh Lợi, người dân ở Măng Đen, trước đây tiêu rừng hái về thường được người dân trong bản cho nhau để ướp gia vị nhưng nay chúng được người dân thành phố "săn" mua nên giá tăng cao. Mỗi kg tiêu đang được anh bán với giá 300.000-320.000 đồng một kg.
"Loại này thu được đến đâu là được thương lái và người dân trong tỉnh mua hết đến đó. Các dân buôn ở TP HCM, Hà Nội muốn có hàng phải đặt trước với giá cao hơn giá bán sỉ tại tỉnh", anh Lợi nói.
(Theo Dân Việt)