Bộ TT&TT đã có văn bản số 2357/BTTTT-CTS về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đối với các trạm phát lại tại một loạt các tỉnh thành. 

Theo đó, từ 24h ngày 30/6/2020, các trạm phát lại tại 9 tỉnh Nhóm II và 12 tỉnh Nhóm III sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. 

Các tỉnh thành này bao gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận.

{keywords}
Theo Đề án số hóa truyền hình, truyền hình tương tự mặt đất sẽ dần được thay thế bằng truyền hình số mặt đất. 

Số hóa đang là xu thế tất yếu của ngành truyền hình. Nhiều nước đã hoàn thành việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Việt Nam cũng sẽ không đi ngoài xu hướng đó. 

Việc triển khai số hóa truyền hình sẽ mang lại các lợi ích như nâng cao chất lượng các kênh chương trình truyền hình và có thể cung cấp hàng trăm kênh đến người dân. 

Khi hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự, người dân sẽ có 3 cách để xem truyền hình số mặt đất, đó là mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2/MPEG4, đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền hoặc mua tivi tích hợp sẵn đầu thu DVB T2/MPEG4.

Hiện phần lớn các hộ gia đình đều đã sở hữu những chiếc TV tích hợp sẵn đầu thu DVB T2/MPEG4. Đối với các hộ nghèo, hộ cân nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đầu thu để đảm bảo người dân xem được truyền hình khi Việt Nam tắt sóng analog.

Tính đến hết tháng 1/2020, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Bộ TT&TT đã cấp 1,3 triệu đầu thu truyền hình số tới các hộ nghèo, cận nghèo tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kế hoạch, việc triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất cơ bản hoàn tất vào ngày 30/11/2020 để đến ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố việc tắt sóng truyền hình số mặt đất trên cả nước.

Trọng Đạt