Tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm được nhà văn Trần Bạch Đằng viết trong những năm đầu thập niên 80 và ký với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, nói về cuộc chiến đấu của người chiến sĩ điệp báo hoạt động trong lòng địch Nguyễn Thành Luân, như một kỵ sĩ đơn độc đi giữa rừng gươm biển giáo.
Nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong truyện là Đại tá, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo. Bộ truyện ban đầu được đăng dài kỳ trên báo. Đồng thời, tiểu thuyết cũng được nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển thể thành kịch bản bộ phim điện ảnh dài 8 tập mang chung tên Ván bài lật ngửa, do đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) thực hiện, ra mắt từ năm 1982 (tập 1) đến 1988 (tập 8).
Bộ phim từ khi ra mắt đã hoàn toàn chinh phục khán giả, với những nhân vật đã "đóng đinh" trong lòng khán giả mê phim như Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), Thúy An và Thanh Lan (vai Thùy Dung, vợ Nguyễn Thành Luân), Lâm Bình Chi (vai Ngô Đình Nhu), Thương Tín (vai thiếu tá Vọng), Jan Vô Danh (vai Gã đầu bạc), Cai Văn Mỹ (vai Lý Kai), Hiền Khanh (vai Bảy Cầu Muối)...
Với thành công vang dội của bộ phim, nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển ngược từ phim sang tiểu thuyết, lấy tên Ván bài lật ngửa xuất bản năm 1986.
Ngay ở trang đầu cuốn truyện, tác giả Trần Bạch Đằng đề tặng: "Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng". Sau này, ông lý giải, khi đó, ông không ghi rõ tên ông Chín Thảo, vì vợ con ông Phạm Ngọc Thảo lúc đó đều đang ở Mỹ, nếu viết rõ, sẽ gây nhiều bất lợi cho cuộc sống của mẹ con bà.
"Ván bài lật ngửa" là ý trong câu nhân vật Ngô Đình Nhu nói với đối thủ Nguyễn Thành Luân ở cuối phim: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa".
Bộ truyện Ván bài lật ngửa do NXB Trẻ phát hành năm 2015. |
Cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín từng chia sẻ: "Chú Trần Bạch Đằng là một người từng hoạt động bí mật nên rất giỏi tâm lý, lại là bạn thân của ông Phạm Ngọc Thảo, nên viết sách rất hấp dẫn". Ngoài ra, ông còn là lãnh đạo Ban tuyên huấn Trung ương Cục, nên nắm được đầy đủ thông tin từ cấp vĩ mô của cuộc chiến đấu đến chi tiết về từng diễn biến, nhân vật liên quan đến câu chuyện.
Từ nguồn tư liệu thực tế ngồn ngộn này, Trần Bạch Đằng đã cho ra đời bộ sách đồ sộ dày hơn 1.500 trang, được đông đảo bạn đọc trong cả nước yêu thích, qua ấn bản của NXB Tổng hợp Hậu Giang.
Bối cảnh trong chuyện trải dài từ năm 1954, khi nhân vật Nguyễn Thành Luân rời vùng kháng chiến vào thành để hoạt động tình báo cho đến năm 1965, với những biến động liên tục trong nội bộ chính quyền VNCH. Đây cũng là thời điểm đại tá Phạm Ngọc Thảo hy sinh.
Dù tiểu thuyết có 9 phần, nhưng chỉ được chuyển thể thành 8 tập phim. Phần thứ 9 có tên gọi là Kỵ sĩ và Mimosa (mật danh của Nguyễn Thành Luân và Thùy Dung) không được dựng phim.
Nếu như truyện kết với chi tiết nhân vật Nguyễn Thành Luân lúc đang giữ chức Tùy viên báo chí của sứ quán VNCH tại Mỹ đã lên máy bay trở về miền Nam và "mất tích", khiến Hội đồng quân nhân của chính quyền Sài Gòn ra mệnh lệnh triệu tập (tháng 2/1965), thì bộ phim kết ở hình ảnh Nguyễn Thành Luân đem vòng hoa viếng mộ hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, những địch thủ xứng đáng của mình sau cuộc đảo chính tháng 11/1963.
Một số phần khi được dựng thành phim cũng đã được đạo diễn Lê Hoàng Hoa đặt tên mang tính "điện ảnh" hơn, như phần 2, mang tên Khởi động được đổi thành Quân cờ di động. Phần 4, Góp sức với rừng, có tên phim là Cơn hồng thủy và bản tango số 3.
Cuốn truyện lôi cuốn độc giả qua cuộc chiến đấu hết sức thầm lặng nhưng vô cùng cam go của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thành Luân giữa lòng chế độ Sài Gòn, trong cuộc đấu trí với cố vấn Ngô Đình Nhu, Mai Hữu Xuân và các cơ quan an ninh, tình báo đối phương, cách ông chiến được niềm tin và xây dựng tình bạn với trùm mật vụ Trần Kim Tuyến...
Bên cạnh đó, truyện hấp dẫn người đọc với những cuộc chiến đấu trực tiếp có dàn quân, bắn súng của nhân vật chính, như khi Nguyễn Thành Luân dẹp băng cướp Rừng xanh, cuộc chiến giành giật ma túy của Ngô Đình Nhu từ Tam giác vàng về...
Rất nhiều trường đoạn mô tả những màn cân não kinh điển trong hoạt động tình báo đọng mãi trong lòng người đọc, như cách Nguyễn Thanh Luân thoát khỏi sự đeo bám của tên phản bội Sáu Thưng, kế ly gián đánh vào hai anh em quân sư của thủ lĩnh Bình Xuyên Lại Hữu Sang và Lại Hữu Tài, hay việc hai vợ chồng Nguyễn Thành Luân đánh lạc hướng máy nghe lén của đối phương.
Nhiều chi tiết khác lại khiến người đọc rưng rưng cảm động, như sự hy sinh hiên ngang của nhân vật "Cò mi" Ngọc, sự trung thành, sẵn sàng xả thân vì nghĩa của những người dưới trướng Nguyễn Thành Luân như tài xế Thạch, liên lạc Sa, Quyến, Bảy Cầu Muối...
Có những chi tiết trên phim, đạo diễn Khôi Nguyên đã thể hiện ly kỳ không khác các phim hành động Mỹ, như cảnh Nguyễn Thành Luân biểu diễn quay lưng bắn phát súng trúng lưỡi dao chẻ đôi viên đạn làm vỡ hai quả bóng bay. Tuy nhiên nếu ai đọc truyện sẽ thấy nhà văn viết... có tính thực tế hơn, khi Nguyễn Thành Luân đã thay đầu đạn đồng bằng ruột bánh mì được nén chặt.
Chính cố diễn viên Chánh Tín cũng xác nhận, nhà văn Trần Bạch Đằng đã làm nên tên tuổi Chánh Tín - Nguyễn Thành Luân. Nguyên nhân là ban đầu, khi phim khởi quay, đã có diễn viên khác thủ vai Nguyễn Thành Luân, thậm chí đã quay tập 1, nhưng chưa đạt. Lúc đó, dù Chánh Tín đang bị quản thúc vì tham gia vượt biên, nhưng đã được nhà văn Trần Bạch Đằng tin tưởng chọn đóng vai Nguyễn Thành Luân. Từ đó về sau, khán giả yêu điện ảnh cả nước đã khắc sâu hình ảnh "Trung tá Luân" với gương mặt điển trai, lãng tử nhưng đầy nam tính của Chánh Tín.
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, có nhiều tiểu thuyết tình báo được độc giả yêu thích như Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên của Hữu Mai, X-30 phá lưới của Đặng Thanh, Ông tướng tình báo và hai bà vợ của Nguyễn Trần Thiết, Sao đêm của Triệu Huấn... nhưng trong số đó, Ván bài lật ngửa là tiểu thuyết tình báo được chuyển thể sang phim truyện thành công nhất, và từ thành công của bộ phim, cuốn truyện cũng được độc giả yêu thích suốt 35 năm qua.
Đến nay thì cả tác giả Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Chánh Tín đều đã đoàn tụ ở thế giới bên kia. Mặc dù vậy, tiểu thuyết và bộ phim Ván bài lật ngửa mãi ghi dấu trong lòng độc giả, khán giả Việt Nam với tư cách một trong những bộ phim hay nhất, đáng nhớ nhất.
Theo Zing.vn
'Anh Chánh Tín sang chảnh đến giây phút cuối cùng'
"Từ sáng đến giờ, tôi đã khóc mấy chặp. Trong đoàn phim, không ai nhắc gì đến anh Tín vì hễ nhắc là tôi khóc tiếp", Long Nhật nói trong nước mắt.