Mấy ngày nay đọc báo thấy nhiều vụ người đi xe buýt bị trẻ con, người bên đường ném đá, có người bị thương, có đứa trẻ bất ngờ bị mảnh kính vỡ văng trúng mắt đau đớn không biết tại sao. Người ta đau lòng, phẫn uất, đề nghị những hình phạt nặng, đề nghị giáo dục lại thanh thiếu niên...
Còn những người, những đứa trẻ bị bắt vì ném đá có câu trả lời khiến người ta ngẩn ngơ, là “ném đá cho vui” vậy thôi. Ném đá làm đau người mà có gì vui?
Tôi thì ngẩn ngơ lâu rồi. Tại có mạng xã hội, báo chí nói nhiều, nhiều người tưởng đó là chuyện “bây giờ”. Nhưng những năm đầu thập niên 1990, chị gái tôi lúc đó mới 20 tuổi, một lần đi tàu Bắc-Nam đã bị ném đá trúng mặt như vậy. Viên đá nhỏ thôi, nhưng cộng hưởng với tốc độ của đoàn tàu, có tác dụng như một viên đạn bắn ra từ khẩu súng. Tôi còn nhớ cảm giác điếng người khi đón chị với gương mặt sưng vù nát bét một bên má... Người đi tàu cùng khoang chăm sóc chị tôi, an ủi gia đình tôi lúc đó thất thần đau xót, rằng thế là còn may lắm, chỉ chệch tí nữa là hỏng luôn mắt thì còn xui xẻo hơn.
Chẳng ai biết ai là thủ phạm ném viên đá đó, chỉ nghe nói đó là chuyện thường xảy ra, nên nhà tàu mới làm thêm cửa lưới chống ném đá. Có lẽ vì vậy, bao năm sau đó mỗi khi đi tàu, đi xe, tôi vẫn thường nhìn những người dân hai bên đường. Dẫu biết không phải ai cũng là người ném đá, tôi vẫn nhìn sâu vào họ mong tìm được câu trả lời tại sao những người trông bình thường như thế lại có người có thể nhặt đá ném người vô cớ, gây mù, gây thương tích, gây sẹo, gây đau đớn cho người khác? Vết cắt từ viên đá ấy sau đó trở thành vết sẹo sâu trên mặt chị tôi giờ đã hơn 20 năm sau mới phần nào nhạt nhòa. Nhưng từng đó năm mà cái thói ném đá lên tàu vẫn chưa dẹp được mà còn “nhân rộng ra”, giờ còn chuyển sang ném đá cả xe buýt.
Nạn ném đá trên các tuyến quốc lộ đã trở thành “đại dịch”. Ảnh: N.T/ Báo Lao động |
Nhưng câu chuyện bị ném đá của chị tôi, hay của những nạn nhân khác, mãi đến bây giờ tôi cũng không thể nói đó là sự độc ác cố ý. Không có bất cứ lý do gì để người ta cố tình làm bị thương những người (có cả trẻ nhỏ) chẳng có chút thù hằn gì với mình, thậm chí không quen biết. Ngoài lý do “cho vui” mà cuối cùng người ném đá mới đây cũng thốt ra. Nghĩa là một sự độc ác vô tâm.
Mà cái việc “ném đá cho vui” có phải chỉ của những đứa trẻ nhặt đá ném tàu, ném xe đang chạy không? Tôi nghĩ là không. Nhặt đá ném người thì dễ dàng bị kết tội, bị căm ghét, nhưng cái thói độc ác vô tâm, làm đau người khác hay nhìn người khác đau mà cười, mà mình không cần biết, không cần hiểu nỗi đau hay hậu quả của nó, đang hiện diện rất nhiều trong cuộc sống.
Vợ chồng bạn tôi ở Mỹ mang con về Việt Nam chơi mùa hè. Cậu bé 12 tuổi chạy ngay ra một công viên đông đúc ở Gò Vấp chơi cầu trượt, một lúc sau chạy về khóc nức nở rất lâu, nói là do con bị té, rồi sau đó nhất định không ra ngoài chơi nữa. Vợ chồng bạn tôi rất ngạc nhiên vì cậu bé nói chỉ té xuống hố cát, không sao cả, cũng chẳng có thương tích gì, mà khóc lâu vậy, trong khi ở Mỹ cậu vốn rất ưa thể thao, hàng ngày đều chạy nhảy, tập bóng đá, bóng rổ, leo núi... vấp ngã hay thương tích là chuyện bình thường và không bao giờ khóc.
Lâu sau đó cậu mới kể con khóc vì lúc con ngã xuống, nhiều bạn gần đó thấy vậy phá lên cười, cả cha mẹ của các bạn ấy và những người lớn khác cũng đứng nhìn cậu ngã và... cười rộ lên như thấy một trò vui.
Sự tức tưởi của cậu bé từ nơi khác đến làm tôi suy nghĩ. Chúng ta có thể cho rằng đó là chuyện nhỏ, nhưng phải chăng sự “độc ác vô tâm” đã được coi là “bình thường” từ những biểu hiện nhỏ nhặt nhất?
Con trai tôi từ nhỏ rất say mê môn vật lý, nó có thể suốt ngày tìm hiểu và đố mẹ mọi vấn đề về các hiện tượng trong tự nhiên không biết chán. Nhưng từ năm lớp 7 thì nó không còn thích nữa, thậm chí ghét bỏ. Mãi rất lâu sau tôi mới hiểu được lý do, đó là một lần xung phong lên trả bài, cháu đột nhiên lúng túng quên mất, và bị cô giáo phạt đứng vào góc lớp. Con trai kể, con chỉ đi vài bước là nhớ ra nội dung cần nói, con xin quay lại nói nhưng cô không cho, mà còn tiếp tục mắng mỏ, cùng một loạt những lời lẽ giễu cợt trước cả lớp về việc “không thuộc bài mà cũng bày đặt giơ tay”. Vậy là con trai tôi cũng có một vết thương trong tâm hồn đến nỗi quay lưng lại với môn học mình yêu thích từ đó.
Sự “độc ác vô tâm” có trong đám đông thanh niên trai tráng trông rất “lịch sự”, lại xúm vào hò reo và cười cợt một thiếu nữ “bị rách bikini” trong công viên nước. Nhiều đám đánh nhau máu chảy, có khi thương tích trầm trọng, nhiều người cũng đứng vòng trong vòng ngoài như xem hát bội. Học sinh ở trường cũng thích thú đứng xem bạn mình bị đánh hội đồng, bị lột áo quần, rồi còn quay video tung lên mạng, và những người trên mạng lại xem, lại bình luận một cách vô tâm... Cho dù trực tiếp hay không trực tiếp gây ra nỗi đau, nỗi xấu hổ của nạn nhân, việc đứng nhìn và cười vui trên nỗi đau người khác cũng chẳng khác nào “ném đá”.
Nói tới mạng, chính là nơi mà sự “độc ác vô tâm” tiếp tục được phóng lớn lên nhiều lần. Từ “ném đá” được dùng có thể tả chính xác hành động công kích và bắt nạt người khác dù chẳng có viên đá nào, mà đáng sợ nhất là nạn “ném đá tập thể”, bắt nạt tập thể trên mạng bằng những lời cay độc. Đôi khi, tôi thấy phát sợ những lời lẽ người ta (rất nhiều khi là trí thức) sử dụng để công kích người khác chỉ vì những định kiến vô lý, chỉ để tranh cãi một quan điểm, vấn đề nào đó, hay đôi khi... chỉ vì người ta suy nghĩ hay ứng xử khác mình. Nó có khác gì ném đá vào những người mình không quen biết chỉ vì họ đang đi trên tàu còn mình đang đứng dưới đất? Có khác gì “ném đá cho vui” đâu?
Chừng nào nhà trường chưa bớt đi những bài học hô hào tính chiến đấu và lòng căm thù mà dạy trẻ con nhiều hơn cái đẹp trong tâm hồn, sự nhạy cảm, lòng nhân hậu và những giá trị nhân bản; chừng nào người lớn (nhất là cha mẹ và thầy cô giáo) chưa thôi ứng xử vô tâm, chưa biết dạy trẻ cách hành xử trắc ẩn, cảm thông, tế nhị và tôn trọng người khác bằng chính tấm gương của họ, chừng đó xã hội còn nhiều kẻ “ném đá cho vui”.
Theo Thanh Hương/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt