Chàng trai 8x mất sạch 300 triệu đồng ngày đầu khởi nghiệp

Chưa từng học chuyên ngành nông nghiệp ngày nào, khi mới đi bán hạt giống cây cho người dân Mộc Châu, anh Lưu Tùng Định (sinh năm 1986, quê ở Nghệ An) không ngờ rằng sau này mình lại gắn bó lâu dài với mảnh đất vùng cao Tây Bắc.

W-Anh Dinh Nong Xanh.jpg
Anh Lưu Tùng Định - Chủ tịch HĐQT HTX Nông Xanh. Ảnh: Bình Minh

Bà con ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao…, bao năm làm nông theo kiểu truyền thống, năng suất thấp, đến khi được mùa lại rơi vào cảnh ế ẩm, mất giá. 

Thường xuyên nghe phía người nông dân than thở về việc bị thương lái miền xuôi ép giá, phía thương lái lại kêu nông dân không đảm bảo đủ hàng như cam kết, anh Định quyết định đứng ra làm cầu nối để các bên cùng có lợi.

Đang giữ chức giám đốc kinh doanh hạt giống của một công ty phân phối thuộc tập đoàn Thụy Sĩ, anh đột ngột xin nghỉ việc. “Sếp” của anh nhiều lần đề nghị “suy nghĩ thật kỹ đi em ạ”.

Nhưng rồi, chàng trai xứ Nghệ vẫn mạo hiểm chọn con đường mới.

“Lúc mới lên đây, mình phải mượn xe máy của dân, chui vào mọi ngõ ngách để tìm hiểu thực tế. Hễ thấy người dân làm rau sai cách, mình lại nhảy xuống hướng dẫn, cứ thế làm quen dần với bà con” - anh Định chia sẻ.

Năm 2018, vượt qua sự phản đối của gia đình, anh Định đưa vợ lên Sơn La cùng lập nghiệp. Hai vợ chồng mới cưới chưa có nhà ở vẫn liều đi vay hơn 300 triệu đồng để đầu tư cho bà con làm rau an toàn.

W-Rau an toan.jpg
Người dân địa phương lúc đầu không hưởng ứng cách làm rau an toàn. Ảnh: Bình Minh

“Thế nhưng, bà con lại phun thuốc không đúng cách, thậm chí không phun cho rau mà lấy thuốc của mình giấu đi để phun cho chè. Kết quả, hai vợ chồng mất trắng 300 triệu” - anh kể lại cú sốc lớn ngày đầu khởi nghiệp.

Với sự động viên của người bạn đời, anh Định quyết tâm làm lại từ đầu. Anh lọ mọ cuốc đất, thuê dân trồng cả những giống cây mà nhiều người tưởng chỉ có ở Đà Lạt như cà rốt baby, củ dền đỏ… 

Ban đầu, người dân địa phương không hưởng ứng cách làm rau an toàn vì thấy quá mất công mà chẳng biết được bao nhiêu tiền. Nhưng với sự kiên trì làm gối vụ, tạo ra sản phẩm rau có hiệu quả thực sự, anh Định đã thuyết phục được bà con đồng hành.

Về Hà Nội chào hàng, anh Định mạnh dạn tuyên bố: “Chúng tôi làm được những gì Đà Lạt làm được”. 

Nhưng nhiều mối buôn ở Hà Nội nói chỉ mua sản phẩm có giấy tờ đảm bảo. Vì thế, anh quyết định thành lập HTX Nông Xanh vào năm 2019.

Mang tiếng “rửa tiền”, kiên trì giúp bà con miền núi thay đổi cách làm nông

Những khu đất đồi chuyên trồng ngô, su su, bí xanh… theo kiểu cũ của bà con địa phương dần được chuyển đổi thành vườn rau an toàn với kỹ thuật canh tác tạo năng suất cao.

Đích thân Chủ tịch HĐQT của HTX Nông Xanh “cầm tay chỉ việc” cho bà con, từ làm đất, gieo trồng đến chăm sóc cây…

W-HTX Nong Xanh.jpg
Anh Định “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Ảnh: Bình Minh

Đặc thù của miền núi là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, việc ứng dụng khoa học công nghệ không dễ dàng. Bí quyết của anh Định là phân tích hiệu quả rõ ràng để bà con tin và làm theo. 

Đơn cử như hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt. Anh Định thuyết phục: “Chỉ cần vài phút tưới hết cả vườn rộng hàng ha. Nếu ta cầm vòi tưới thì khi trời nắng, chỉ cần đi khỏi vườn là đất đã lại khô hết. Việc tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm nước”.

Thấy được lợi ích, bà con nghe ngay. Ngày trước, bà con trồng bắp cải, thụ động chờ nước tưới thì phải 3 tháng mới thu hoạch được. Bây giờ biết cách tưới tiêu chăm sóc, chỉ khoảng 2 tháng, bà con đã được thu hoạch.

Mới đây, anh Định vừa thuê thêm 7ha ở huyện Vân Hồ để mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn.

“Đất ở Vân Hồ xấu, cằn hơn ở Mộc Châu rất nhiều, có người bảo 'Mày vào đấy làm thì chỉ có chết'. Thấy mình thuê máy xúc, riêng tiền cải tạo đất hết 100 triệu đồng, người ta đồn đoán 'Ông này chỉ rửa tiền thôi'. Mình cho cày 3 lượt để tơi hết đất, rồi rải vôi, phơi đất. Họ chắc mẩm 'của công nên mới vứt không mà không tiếc'. Đến khi mình gieo hạt, tỷ lệ nảy mầm 100%, họ quay sang nói 'Đấy, làm nông nghiệp là phải thế', sau đó không ì xèo thêm nữa” - anh Định vừa cười vừa nhớ lại.

W-Chuyen gia JICA.jpg
Nhiều kiến thức, quy trình ươm trồng rau an toàn được anh Định tiếp thu các chuyên gia JICA. Ảnh: Bình Minh

Nhiều kiến thức, quy trình ươm trồng rau an toàn được anh Định tiếp thu từ dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

“Năm 2022, Nông Xanh là HTX rau duy nhất của tỉnh Sơn La được chọn tham gia dự án, đúng lúc mình đang muốn phát triển dài hơi và chuyên nghiệp hơn. Nhờ JICA, hiệu quả kinh doanh của HTX tăng trung bình 30-60%/năm so với trước đó” - Chủ tịch 8x tiếp mạch chuyện.

Tìm hướng đi khác biệt trên thị trường

HTX của anh Định đang có gần 20ha tự sản xuất, xấp xỉ 35ha diện tích các hộ dân liên kết, tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn rau củ/năm.

Cây trồng của HTX và bà con liên kết khá đa dạng, như cải kale, xà lách, bắp cải, su hào, cà chua…, sản xuất theo quy trình VietGap trong hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà vòm. Thu nhập một hộ làm rau trung bình khoảng 50-60 triệu đồng/vụ. 

W-Rau an toan 2.jpg
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap của HTX Nông Xanh được tiêu thụ ở 17 tỉnh miền Bắc qua kênh siêu thị mini và một số nhà máy. Ảnh: Bình Minh

Những lúc thị trường rau chững lại, Chủ tịch 8x nhạy bén cho chuyển loại cây trồng, vừa giúp cải tạo đất, vừa đảm bảo thu nhập cho bà con. Các loại khoai tây, bí đỏ, ngô ngọt của HTX đã bán được cho một số công ty để làm sản phẩm xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho các mô hình rau an toàn tại Sơn La được xem là quyết định khá mạo hiểm, song anh vẫn kiên định con đường đã chọn.

Hiện HTX đang tạo việc làm cố định cho hơn 30 người, thời vụ có lúc lên đến 60 người. Doanh thu của HTX tăng nhanh từ mức hơn 3 tỷ đồng năm 2022 (khi bắt đầu tham gia dự án của JICA) lên gần 6 tỷ đồng năm 2023, và hơn 14 tỷ đồng năm 2024, đã trở thành động lực mạnh mẽ để anh Định bước tiếp.

Anh Định cũng đang tập trung nguồn lực xây 2 kho sơ chế ở thị xã Mộc Châu và huyện Vân Hồ để bảo quản rau lâu hơn. Mong muốn lớn nhất lúc này của vị Chủ tịch HTX là xây dựng chuỗi sản xuất từ ươm trồng tới bao tiêu sản phẩm, đưa những nguồn giống tốt nhất và kết nối đầu ra cho bà con yên tâm đồng hành.