78% dân số có của ăn của để
Phải khẳng định, sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua sau Đổi mới và mở cửa rất đáng ghi nhận, giúp phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua sau Đổi mới và mở cửa rất đáng ghi nhận. Ảnh: T.Tùng |
Thành tựu này một lần nữa được khẳng định trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới: Ngày càng nhiều người Việt Nam đang trở nên an toàn hơn về kinh tế với tốc độ nhanh chóng.
Báo cáo cho biết, thêm 7 triệu người đã gia nhập tầng lớp trung lưu trong giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ dân số trung lưu tăng lên 19% vào năm 2018 so với mức dưới 9% năm 2010.
Tầng lớp tiêu dùng là nhóm trung lưu (trên 15 USD/ngày) và nhóm an toàn về kinh tế (5,5 - 15 USD), hiện chiếm 78% dân số. Nhóm người này có quá đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, hấp thụ các cú sốc thu nhập và chi tiêu cho những hàng hóa không cần thiết. Đây là một thành tích không tưởng tượng được nếu so với tỉ lệ nghèo hơn 70% quanh thời điểm Đổi mới.
Đa số người dân đã có cái ăn, cái mặc và cả của để dành cho phát triển đất nước sau nhiều thập kỷ dựng nước và thống nhất đất nước.
Đó không phải là thành tích duy nhất. Trong vòng 5 năm qua, thu nhập bình quân của chúng ta đã tăng gần 145%. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm và lên đến gần 9.000 USD theo sức mua tương đương.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế gới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%, thuộc các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhìn nhận những vấn đề nội tại
Tuy vậy, những yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được xử lý triệt để chứ chưa đề cập đến với nhiều nguy cơ mới phát sinh như đại dịch Covid-19.
Chúng ta vẫn đang đối diện với những nút thắt như hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp; động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu nhờ vốn và lao động giá rẻ, xuất khẩu sản phẩm gia công; năng lực và trình độ khoa học công nghệ thấp; khu vực kinh tế tư nhân còn yếu về nhiều mặt, bị phân biệt đối xử và chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của cuộc sống.
Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế những năm qua vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp và đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ mức bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82% giai đoạn 2001-2010, và ước đạt khoảng 5,9% giai đoạn 2011-2020.
Thực tế cho thấy Việt Nam sẽ gặp thách thức từ suy giảm tăng trưởng dài hạn, đặc biệt là trong cạnh tranh quốc tế, thu hẹp và bắt kịp trình độ phát triển của các quốc gia tiên tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nếu so với mục tiêu đặt ra là bình quân phải tăng từ 7%-8%/năm của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 thì mức tăng trưởng bình quân hiện nay là tương đối thấp. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
Tính từ năm 1990 đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 năm đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm (giai đoạn 1991-1995), trong khi đó, các nước khác trong giai đoạn có trình độ tương đương của Việt Nam hiện nay đều duy trì được tăng trưởng rất cao trong một thời gian tương đối dài. Thực tế này cho thấy Việt Nam sẽ gặp thách thức từ suy giảm tăng trưởng dài hạn, đặc biệt là trong cạnh tranh quốc tế và thu hẹp và bắt kịp trình độ phát triển của các quốc gia tiên tiến.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì tăng trưởng ở mức xoay quanh 7% trong hai thập kỷ tới thì mới vượt lên ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng đã chững lại xuống khoảng 6,5% trong thập kỷ qua. Hơn nữa, trong thời gian tới, các dự báo về tăng trưởng cho thấy nếu không cải cách, tăng trưởng tiềm năng sẽ tiếp tục giảm.
Với lực cản là tăng trưởng lực lượng lao động chững lại, tốc độ tăng trưởng tiềm năng theo ước tính sẽ giảm đà còn 6,3% trong thập kỷ tới và rồi giảm dần còn 5,5% ở giai đoạn 2041-2045. Con số này rõ ràng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế tăng trưởng cao vào thời điểm họ đang ở mức thu nhập như Việt Nam hiện nay.
Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia từng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau chiến tranh, chỉ mất 40 năm để tiến lên nhóm top 10 thế giới?
Vì sao chúng ta có các yếu tố cơ bản như con người, tài nguyên, vị trí địa lý mà chúng ta vẫn kém phát triển, nền kinh tế vẫn thiếu vững chắc?
Khát vọng vươn lên
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Lễ giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: VietNamNet |
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021-2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Đó là những mục tiêu rất cao, thể hiện tầm khát vọng cháy bỏng để hoàn thành dựa trên đột phá chiến lược được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có triển vọng kinh tế số rất tiềm năng với tỷ lệ sử dụng Internet cao và hạ tầng CNTT ngày càng phát triển , tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai ở khu vực Đông Nam Á , giá trị giao dịch thương mại điện tử tăng trung bình 81%/năm.
Trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia”, tác giả viết một điều đáng suy ngẫm: "Mỗi buổi sáng thức dậy con linh dương luôn nghĩ nó phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con sư tử vì nếu không, nó sẽ bị ăn thịt. Con sư tử cũng nghĩ phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con linh dương vì nếu không, nó sẽ chết đói".
Điều đó thể hiện tư duy luôn tiên phong đi đầu. Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao với tất cả thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Nếu không hành động nhanh và quyết liệt, Việt Nam rất có thể đối mặt với nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt cơ hội, Việt Nam không chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế mà còn có thể định hình được con đường đi đến thịnh vượng.
Nhưng đó phải là chặng đường đầy quyết tâm và nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng để bồi đắp thêm lịch sử đất nước ta được dựng lên cách đây 4.000 năm bởi các vua Hùng.
Vũ Minh
Những bài toán của nhiệm kỳ mới
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính được thừa hưởng nhiều di sản nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt về cải cách thể chế, để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển ở tầm cao.