Khi Mỹ áp dụng thêm thuế quan đối với những quốc gia khác thì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty Trung Quốc như làm tăng chi phí thương mại tái xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh trong chuỗi công nghiệp toàn cầu...

Ngoài ra, một số nền kinh tế có thể hợp tác với Mỹ bằng cách áp dụng thêm thuế quan đối với Trung Quốc để đổi lấy việc miễn thuế đối với các sản phẩm của họ, điều này sẽ càng làm tăng thêm áp lực lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Mặc dù là đối tượng bị Mỹ áp đặt thuế quan, nhưng áp lực từ chính sách này cũng tạo cơ hội để Trung Quốc đẩy nhanh quá trình nâng cấp và tái thiết chuỗi công nghiệp. Để ứng phó với áp lực thương mại từ Mỹ, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á, châu Phi và các nước khác. 

trung quoc.jpg
Robot cá mập xuất hiện tại một hội thảo về trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Đồng thời, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc nâng cấp sản xuất cao cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng mới. Bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển công nghệ, Trung Quốc đã dần chiếm giữ vị trí quan trọng hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu và trở thành một thế lực không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tái thiết chuỗi công nghiệp của Trung Quốc không chỉ thể hiện ở lĩnh vực sản xuất mà còn ở nỗ lực tăng cường đổi mới khoa học công nghệ và phát triển chuỗi công nghiệp cao cấp. Theo “Báo cáo đổi mới khoa học và công nghệ toàn cầu năm 2024”, đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ truyền thông 5G và xe năng lượng mới đã tăng hơn 20%, giúp đại lục dần giành được lợi thế dẫn đầu trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và châu Phi đã củng cố vị thế mới của họ trong chuỗi cung ứng tài nguyên và sản xuất toàn cầu, đặc biệt về xây dựng năng lượng và cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Mặc dù chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ sẽ có tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng Trung Quốc sẽ dần giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ bằng cách tăng cường hợp tác với các nền kinh tế khác trong quá trình chuyển đổi. Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ giúp Trung Quốc ứng phó với sức ép thương mại từ Mỹ mà còn thúc đẩy sự phát triển đa dạng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thúc đẩy quá trình tự chủ, giảm bớt phụ thuộc

Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình tự chủ của nước này, nhất là về công nghệ.

Có một quy luật trong lịch sử là sau mỗi cuộc khủng hoảng đều có một cơ hội. Trước những rào cản thương mại khả năng xảy ra, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để tăng tốc độ nâng cấp công nghiệp và đổi mới công nghệ, đồng thời tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.

trung quoc1.jpg
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Rõ ràng việc gia tăng áp thuế sẽ thúc đẩy nhanh hơn chiến lược “tuần hoàn kép” và “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Đồng thời, Trung Quốc cũng thúc đẩy tiến trình điều chỉnh chiến lược toàn cầu, trong đó gia tăng vai trò lớn hơn tại các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy ngoại giao láng giềng cũng như vai trò đối với khu vực Nam bán cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tìm cách mở rộng hơn khoảng trống quyền lực. Chính sách của ông Trump tập trung vào “nước Mỹ trên hết” sẽ mở ra nhiều khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc trên thế giới. Đối tác của Mỹ ở các khu vực khác nhau, bao gồm cả đồng minh của Mỹ, có thể sẽ ngày càng lo lắng hơn về các cam kết của Mỹ thời ông Trump. Đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, nhất là tại khu vực châu Á.

Mặt khác, với phản ứng cứng rắn ăn miếng trả miếng với Mỹ, Trung Quốc không ngừng gia tăng các biện pháp nhằm củng cố sức đề kháng của nền kinh tế trong nước nhằm ứng phó trước sức ép từ phía Mỹ và phương Tây.

Thứ nhất, Trung Quốc tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và đa dạng hóa kinh tế, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Thúc đẩy nâng cấp tiêu dùng và mở rộng nhu cầu nội địa, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của thị trường nội địa bằng cách tăng thu nhập của người dân và cải thiện môi trường tiêu dùng. Cụ thể:

Trung Quốc đẩy nhanh phát triển nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng dịch vụ. Thiết lập cơ chế tăng trưởng thu nhập dài hạn, hoàn thiện hệ thống, cơ chế để các loại yếu tố sản xuất tham gia phân phối, tăng cường nguồn thu nhập của người dân thông qua nhiều kênh; đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị hóa mới; đẩy nhanh cải cách hệ thống đất đai nông thôn để tăng đáng kể khả năng tiêu dùng dịch vụ của nông dân; thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp ngành dịch vụ, đồng thời hình thành các điểm nóng mới về tiêu dùng dịch vụ; tăng cường đầu tư và cải thiện các lĩnh vực khác nhau thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng và cơ sở vật chất hỗ trợ cho tiêu dùng dịch vụ. Chỉ khi cơ thể mình mạnh mẽ mới có thể chịu được những đòn đánh từ bên ngoài.

Tiếp đó là tăng cường nỗ lực mở rộng không gian để phát triển xuất khẩu đa dạng. Phát triển mạnh mẽ trao đổi thương mại và đầu tư với các nước đang phát triển, đặc biệt chú trọng liên kết thương mại với các khu vực dọc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Trung và Đông Âu, Trung Á, Nam Á, Mỹ Latinh, mở rộng vòng tròn bạn bè thương mại ở các nước đang phát triển, tìm hiểu thị trường quốc tế và mở rộng thị phần xuất khẩu. Hỗ trợ mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới và xây dựng kho hàng ở nước ngoài, tích cực áp dụng các công nghệ như thực tế ảo và dữ liệu lớn, đồng thời kết nối cung ứng và mua sắm một cách thông minh để thúc đẩy đa dạng hóa các kênh và phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thứ hai, Trung Quốc thúc đẩy tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và nâng cấp công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, đẩy mạnh nâng cấp công nghiệp và nâng cao vị thế trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Yếu tố trực tiếp nhất là chính phủ Trung Quốc có nguồn lực khổng lồ để kích thích nền kinh tế trong nước.

Thứ ba, Trung Quốc cũng tích cực tham gia xây dựng và cải cách các quy tắc thương mại quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khác và cùng ứng phó với các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện cách tiếp cận với các mặt hàng như nông sản, chuyển một số hoạt động mua đậu nành từ Mỹ sang các nhà cung cấp ở Brazil và Argentina. Kinh nghiệm này có thể đã mang lại cho Bắc Kinh niềm tin rằng họ có thể đứng vững khi đối mặt với thuế quan leo thang và chống trả bằng cách giảm nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Trung Quốc cũng có thể hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng.

Thứ tư, Trung Quốc đẩy nhanh cải cách, mở cửa thị trường tài chính, nâng cao tính ổn định và khả năng chống chịu rủi ro của hệ thống tài chính.

Thứ năm, đối với ngành sản xuất, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc được điều chỉnh với tốc độ nhanh chóng để đối phó với những xung đột thương mại tiềm ẩn, ngành sản xuất trong nước của Trung Quốc đã không ngừng cải thiện khả năng đổi mới độc lập và giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường bên ngoài.

Đồng thời, Trung Quốc cũng nhận thức được rằng Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh sự bảo vệ và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao, như chất bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như các công nghệ tiên tiến khác. Do đó, áp lực đối với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và cao cấp sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các ngành công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Thứ sáu, để ứng phó với việc sụt giảm xuất khẩu, chính phủ Trung Quốc có khả năng bù đắp lượng xuất khẩu sụt giảm này bằng cách mở rộng chi tiêu thông qua việc huy động các ngân hàng quốc doanh và các tập đoàn khổng lồ nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia như tăng trưởng kinh tế.

Kỳ 3: Doanh nghiệp Trung Quốc ứng phó với “khủng hoảng’ thuế quan của Mỹ

Kỳ 1: "Trò chơi tổng âm" trong cuộc chiến thuế quan Trung - MỹĐiều nguy hiểm là cả Trung Quốc và Mỹ đang chơi “trò chơi tổng âm”, tức là “tôi có thể chịu thua lỗ, miễn là thua lỗ của bạn lớn hơn thua lỗ của tôi”. Trên thực tế, “trò chơi có tổng âm” giữa hai nước từ lâu đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại.