TRUNG QUỐC - Để ghi nhận những đóng góp của nhà khoa học Vương Đức Dân trong suốt 56 năm, ở tuổi 79, tên của ông được đặt cho một tiểu hành tinh.
Nhà khoa học Vương Đức Dân sinh năm 1937, xuất thân trong một gia đình trí thức cao cấp ở Đường Sơn (Hồ Bắc, Trung Quốc). Ông nội là bác sĩ phẫu thuật giỏi, bố là phó giám đốc bệnh viện còn mẹ là người Thụy Sĩ, tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc, nói được 4 thứ tiếng.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống hiếu học nên ông cũng xuất sắc từ nhỏ. Khi bắt đầu tập nói, ông được mẹ dạy bằng tiếng Anh. Vốn là người thông minh, suốt 12 năm học, Vương Đức Dân đạt điểm xuất sắc.
Năm 1955, tham gia kỳ thi đại học, Vương Đức Dân đạt 100/100 điểm Toán, 95/100 điểm Hóa và 98/100 điểm Lý. Với số điểm gần tuyệt đối, ông tự tin đăng ký vào khoa Vật lý của Đại học Bắc Kinh và khoa Thủy lợi của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Thế nhưng, cả hai đại học top đầu Trung Quốc đều từ chối ông Dân với lý do là con lai. Thời điểm đó, ở Trung Quốc còn nhiều định kiến về sự tồn tại của những đứa trẻ mang trong mình hai dòng máu. Chấp nhận nghịch lý, ông vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh (Trung Quốc), chuyên ngành Sản xuất dầu khí.
Dù không phải là ngành học yêu thích nhưng ông vẫn cố gắng. Về sau, ông dần hứng thú với ngành này. Ông dành nhiều thời gian ở thư viện đọc sách và nghiên cứu. Mỗi khi gặp khó khăn, ông tìm đến thầy cô chuyên môn để giải đáp thắc mắc. 5 năm học tại đây, ông sở hữu thành tích học tập tốt.
Năm 1960, tốt nghiệp loại Xuất sắc, ông Dân được học viện giữ lại để làm giảng viên. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, ông quyết định từ bỏ cơ hội này để tập trung nghiên cứu. Ông cho rằng, ngành dầu mỏ quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Do đó, ông xin vào làm tại công ty mỏ dầu Đại Khánh (Trung Quốc), sau được phân về đội đo áp suất của phòng thí nghiệm địa chất sản xuất dầu.
Quá trình làm việc tại đây, ông phát hiện khi áp dụng Phương pháp Hönow - tối ưu hóa mạng lưới phân phối khí đốt, xảy ra sai số cao. Lúc này, ông Dân quyết định tự học tiếng Nga và nghiên cứu các tài liệu về Đạo hàm Toán học của Liên Xô.
Trong hơn 100 ngày làm việc liên tục, tháng 2/1961, ông tìm ra công thức tính áp lực địa chất phù hợp với điều kiện thực tế của mỏ dầu Đại Khánh. Đây được gọi là Phương pháp Tùng Liêu (Song liao). Nhiều nhà khoa học nhận định, so với trước kia phương pháp này chính xác hơn.
Năm 1963, nhờ thành quả nghiên cứu, ông vươn từ kỹ thuật viên lên kỹ sư và được chuyển sang Viện nghiên cứu công nghệ sản xuất dầu mỏ. Sau đó, ông Dân tiếp tục tìm ra Phương pháp phun lệch tâm, nhằm nâng cao hiệu suất khai thác dầu.
Để mô tả đóng góp của nhà khoa học Vương Đức Dân, truyền thông Trung Quốc cho rằng, là sự đột phá và tiên tiến trong lĩnh vực dầu mỏ. Không kiêu ngạo trước những thành tựu đạt được, ông tiếp tục nâng cao chuyên môn và cùng đồng nghiệp phát triển máy lọc nước Eccentric. Phát minh này của ông đạt Giải Nhì Sáng chế Quốc gia năm 1970.
Năm 1978, ông chuyển đến Cục Quản lý Dầu khí Đại Khánh với tư cách là phó kỹ sư trưởng. Không tiến hành nghiên cứu cá nhân, lúc này, ông cùng đồng đội tập trung vào các đề tài lớn. Với sự cố gắng không ngừng, năm 1983, ông được thăng chức kỹ sư cao cấp. 3 năm sau, ông trở thành kỹ sư trưởng của Cục Quản lý Dầu khí Đại Khánh.
Từ năm 1990 đến nay, khi công ty mỏ dầu Đại Khánh bước vào giai đoạn phát triển, ông Dân từ bỏ vị trí quản lý, để tập trung vào việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Đại học Dầu khí Trung Quốc.
Để ghi nhận những đóng góp của nhà khoa học Vương Đức Dân trong suốt 56 năm, ở tuổi 79, tên của ông được đặt cho một tiểu hành tinh. Số quốc tế là 210231, tên chính thức của tiểu hành tinh là "Ngôi sao Vương Đức Dân".
Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn làm việc chăm chỉ. Nhà khoa học Vương Đức Dân cho hay, một ngày làm 12 tiếng, một tuần làm đủ 7 ngày. Chia sẻ với CCTV, ông cho biết, vẫn muốn phục vụ thêm cho đất nước. "Dù đã già nhưng tôi vẫn cống hiến hết mình cho quê hương, dũng cảm leo lên đỉnh cao của công nghệ dầu mỏ".
Thời gian qua, ông tiếp tục nhận được sự quan tâm của truyền thông Trung Quốc vì vẻ ngoài điển trai. Ông được ví là 'Ngô Ngạn Tổ của giới tri thức'. Để đáp lại sự quan tâm của mọi người, ông Dân cho biết, bản thân là kỹ sư nghiên cứu dầu khí. "Khi nhắc đến tôi, mọi người hãy nói nhiều hơn về khoa học".
Ông Vương Đức Dân là nhà khoa học dầu khí nổi tiếng Trung Quốc. Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí quốc gia. Ông được biết đến với những nghiên cứu tiên phong về phương pháp khai thác dầu khí hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ thu hồi dầu mỏ và thúc đẩy sản lượng dầu khí của Trung Quốc.
Dưới đây là một số thành tựu tiêu biểu của ông:
Năm 1978, ông cùng các cộng sự nghiên cứu thành công các công nghệ khai thác dầu khí tiên tiến như: Phương pháp phân phối nước lệch tâm, Phương pháp khai thác dầu theo tầng và Phương pháp thử nghiệm giếng khai thác dầu khí. Thành tựu này giúp ông và nhóm nghiên cứu được trao Giải thưởng Khoa học đại hội toàn quốc.
Năm 1979, ông tiếp tục nghiên cứu và phát triển hệ thống điều khiển sản xuất lệch tâm đa năng cho giếng dầu. Sau đó, ông nhận được Giải Nhì Sáng chế Quốc gia.
Năm 1986, dưới sự hướng dẫn của ông, dự án nghiên cứu Công nghệ khai thác và phát triển mỏ dầu Đại Khánh bằng phương pháp phân phối nước, nhận Giải Đặc biệt Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Năm 1998, ông dẫn dắt nhóm nghiên cứu hoàn thành dự án Công nghệ khai thác dầu mỏ bằng hóa chất - Kỹ thuật đẩy polymer. Thành tựu khoa học đột phá này giúp dự án nhận Giải Nhất Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Năm 2005, ông nghiên cứu thành công Công nghệ khai thác dầu mỏ bằng nhựa composite vànhận về Giải Nhì Sáng chế Quốc gia.
Năm 2009, với những thành tựu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, ông nhận Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hà Lương và Hà Lợi (He Liang và He Li).
Năm 2017, dự án nghiên cứu Công nghệ và ứng dụng phương pháp đẩy ba nguyên tố làm tăng tỷ lệ thu hồi dầu mỏ của ông được trao Giải Nhì Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Ngoài thành tựu trên, ông Dân còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị khác. Ông là tấm gương sáng về tinh thần cống hiến, sáng tạo và không ngừng học hỏi cho thế hệ trẻ noi theo.
Khi mới qua Mỹ, vì khả năng nói tiếng Anh còn kém, những ý kiến đóng góp của Hiếu không được các bạn học đề cao. Đó cũng chính là động lực để anh phấn đấu vượt lên những người bản xứ.