Cơ chế mới này sẽ thay thế cơ chế ngặt nghèo, cứng nhắc hiện nay là cứ doanh nghiệp nợ thuế là người đại diện, làm thuê hay chủ sở hữu, đều có thể bị cấm xuất cảnh.
Như vậy, những bài phản ánh, phân tích rằng đây là chính sách “lợi bất cập hại” của báo chí, trong đó có VietNamNet, đã được cơ quan thuế tiếp thu và cam kết sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trước hết, cần khẳng định ngành thuế đưa ra các biện pháp cấm xuất cảnh đối với doanh nhân nợ thuế là tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Ngành thuế không thực hiện cũng không được vì nếu không họ có thể bị quy là “thiếu trách nhiệm…”.
Tuy nhiên, thể chế, quy định cũng là do con người đặt ra, nên khi thể chế, quy định đó tạo ra bất cập, gây cản trở thì cần được sửa đổi để tạo thuận lợi cho đời sống. Đây là điều bình thường trong quá trình xây dựng luật pháp ở nước ta.
Bất kỳ chính sách nào, bao gồm chính sách cấm xuất cảnh doanh nhân nợ thuế, đều có hai mặt tích cực và tiêu cực.
Ở trường hợp này, như VietNamNet đã phân tích, tác động tiêu cực đã vượt trội so với tác động tích cực, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh, lòng tin kinh doanh.
Chẳng hạn với trường hợp của Bamboo. Sau khi tin tức về Tổng giám đốc Bamboo ông Lương Hoài Nam bị cấm xuất cảnh, hãng bay này đã bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng tới 60% so với thời gian trước đó do nhiều đối tác hủy bỏ hợp đồng. Các ngân hàng, đối tác nước ngoài liên tục gây sức ép đòi nợ hay dừng hợp đồng làm cho hãng Bamboo đình trệ nhiều hoạt động.
Bamboo đang tái cơ cấu trong nỗ lực tiếp tục tồn tại và phát triển, theo yêu cầu của Chính phủ, mà gặp cú sốc như vậy là vô cùng đáng tiếc. Vấn đề là cú sốc đó có thể tránh được, nếu cơ quan thuế thấu hiểu.
Ở góc độ vĩ mô, Từ năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30/6/2024 là 204.441 tỷ đồng.
Số liệu trên cho thấy, số tiền thuế thu được chỉ chưa đến 1% tổng số nợ thuế. Điều đó nói lên rằng, chế tài cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh không giúp ngành thuế tăng thu được số nợ thuế trong khi lại triệt tiêu các cơ hội làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp mà họ cần để có doanh thu, lợi nhuận để trả thuế cho Nhà nước.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tổng số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế lên đến hàng chục nghìn người và cơ quan thuế ban hành gần 175 nghìn quyết định cưỡng chế...
Cấm người điều hành xuất cảnh thì các doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, làm sao ổn định được và phát triển trở lại để trả nợ thuế?
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) khảo sát 891 doanh nghiệp cho biết, vẫn có 60% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về tình hình kinh tế hiện nay so với cùng kỳ; 45% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025; có 68.5% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới.
Doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn vì những biến động thị trường bất lợi, đang chịu lỗ lớn, nợ nhiều, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản, cần tái cấu trúc để tồn tại, phát triển và có điều kiện trả dần nợ, kể cả nợ thuế. Các doanh nghiệp cần thuê các nhân tài quản trị về làm giám đốc, mà lại gặp rủi ro cấm xuất cảnh thì làm sao họ thuê được?
Bên cạnh đó, cơ quan thuế chỉ là một trong số các chủ nợ của một doanh nghiệp như ngân hàng, đối tác, bạn hàng, khách hàng.
Chế tài “cấm xuất cảnh” của cơ quan thuế không chỉ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn cho nhiều đối tác khác trong hệ sinh thái mà doanh nghiệp đó vận hành.
Đối với hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang nợ thuế, chịu lỗ, mà người đại diện bị cấm xuất cảnh thì biện pháp đó có gây hại cho Nhà nước không?
Đó là chưa kể, ngành thuế còn đang nợ hàng ngàn tỷ đồng hoàn thuế thuế giá trị gia tăng của nhiều doanh nghiệp gỗ và tinh bột sắn xuất khẩu trong nhiều năm nay.
Gần đây, một nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra hai từ khóa là “lòng tin” và “khoan dung”. Hai từ khóa này, theo người viết bài này, là rất phù hợp với hoàn cảnh hiện nay để tạo ra nguồn năng lượng mới cho phát triển.
Thời trước, ngành thuế và hải quan là hai ngành từng thực hiện các biện pháp cải cách rất mạnh, giúp Việt Nam tăng hạng vượt bậc trong báo cáo Doing Business hàng năm của Ngân hàng Thế giới. Doanh nghiệp, người dân cũng nhờ đó mà hưởng lợi rất nhiều.
Với cam kết thay đổi chế tài cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh, tinh thần đó đang được khơi lại. Doanh nhân, doanh nghiệp đang mong đợi ngành thuế sửa đổi quy định này càng nhanh càng tốt.
Đó chính là tinh thần cầu thị để “nuôi dưỡng nguồn thu” - slogan nổi bật của ngành thuế.