Chia sẻ trong báo cáo thường niên vừa được công bố, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Group (HAG) cho biết với nguồn sức mạnh được cộng hưởng, nội lực hiện tại đang được củng cố, HAGL sẽ sớm vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm Châu lục.
Ông Đoàn Nguyên Đức cũng xác định là 2019 năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025.
Cũng theo Bầu Đức, nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.
Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỷ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của Tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.
Với diện tích cây ăn trái này, dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Tập đoàn.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, Tập đoàn cho biết sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Bầu Đức chia sẻ về HAGL. |
Trước đó, hồi giữa tháng 4, theo Sở GDCK TP.HCM, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương đã đăng ký mua 69,7 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) để nâng sở hữu tại đây từ 0% lên 7,86%.
Đây là bước đi tiếp theo trong kế hoạch rót cả chục ngàn tỷ của tỷ phú USD Trần Bá Dương để vực dậy doanh nghiệp của Bầu Đức. Thaco và HAGL dồn lực đẩy mạnh trồng chuối xuất sang Trung Quốc, thay vì tập trung trồng cao su, cọ dầu ở Lào và Campuchia.
Hồi cuối tháng 3, Thaco đã khởi công dự án khu công nghiệp nông lâm nghiệp tại Quảng Nam, ban đầu tập trung vào cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây nguyên, Lào và Campuchia.
Cổ phiếu HAGL (HAG) và HAGL Agrico (HNG) trong vài phiên gần đây khá ổn định trong bối cảnh thanh khoản trên TTCK tụt giảm.
Gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh đầu tư vào mảng nông nghiệp.
Trong khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tập trung vào cao su, mía đường, cây ăn quản thì Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, Pan Group của ông Nguyễn Duy Hưng, Hòa Phát của ông Trần Đình Long, TH của bà Thái Hương, BHS của nhà ông Đặng Văn Thành... cũng đã đầu tư khá lớn vào mảng nông nghiệp.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) cũng đã liên tục xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn Nhà nước như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods...
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Pan Group, đầu tư vào nông nghiệp để có hiệu quả không dễ dàng, doanh nghiệp phải tập trung vào công nghệ cao. Gần đây, các doanh nghiệp của ông Hưng đã đầu tư khá bài bản, từ là các khâu chuẩn bị như giống, công nghệ nuôi trồng cao, kỹ thuật hiện đại… Vingroup của ông Vượng cũng có VinEco.
Hàng loạt các đại gia ngoại cũng đã nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp Việt. Sojitz của Nhật Bản hồi cuối năm ngoái trở thành cổ đông chiến lược của PAN Group
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản có được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng do giới đầu tư lo ngại thị trường sẽ rơi vào thời kỳ thiếu thông tin vào tháng 5 tới.
Mặc dù vậy, một số nhóm cổ phiếu vẫn đang chiều hướng đi lên và hỗ trợ cho thị trường như nhóm dầu khí nhờ diễn biến dầu tăng giá mạnh sau khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran.
Một số cổ phiếu blue-chips cũng tăng mạnh như Vingroup, Vinhomes, Sabeco, Masan…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Theo Rồng Việt, các cổ phiếu vừa và nhỏ biến động mạnh theo hướng khá rủi ro. Vùng hỗ trợ mạnh 965 của VN-Index tạm thời được giữ tuy nhiên xu hướng tiếp theo đang khó đoán định. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt cho tới khi các tín hiệu tích cực hơn xuất hiện.
Còn theo SHS, dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 23/4, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 965 điểm (neckline) và xa hơn là ngưỡng 950 điểm (MA200).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, VN-Index giảm 0,35 điểm xuống 965,86 điểm; HNX-Index giảm 0,25 điểm xuống 105,63 điểm. Upcom-Index giảm 0,4 điểm xuống 55,65 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 4,5 ngàn tỷ đồng.
H. Tú